18/02/2016 10:36 GMT+7

Thầy giáo tiểu học mê nghiên cứu, ứng dụng

VĂN PHÚC - SƠN LÂM (sonlam@tuoitre.com.vn)
VĂN PHÚC - SƠN LÂM ([email protected])

TT - Mê làm việc, đặc biệt quan tâm tới những mô hình nông nghiệp mới lạ, anh Phan Văn Bé - giáo viên phụ trách Đội Trường tiểu học Đức Lập Thượng B (Đức Hòa, Long An) - lúc nào cũng rủng rỉnh tiền nhờ nuôi sâu, rắn mối, chim...

Thầy Bé và những con ruồi lính đen - Ảnh: Sơn Lâm
Thầy Bé và những con ruồi lính đen - Ảnh: Sơn Lâm

Năm 2015 vừa qua, mỗi tháng anh Bé còn kiếm thêm được vài triệu đồng nhờ nuôi ruồi lính đen.

Đến nay các cơ quan quản lý, tầm soát sinh vật vẫn chưa có bất cứ một nghiên cứu chi tiết nào liên quan đến ruồi lính đen. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Long An vẫn không ngăn ngừa người dân và vẫn theo dõi thông tin về việc nuôi ruồi lính đen của người dân

Ông NGUYỄN THANH TÙNG (giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An)

Tìm tòi, nghiên cứu...

Anh Bé trước đây đã nổi tiếng khắp vùng Đức Hòa, Long An trong việc phát triển nuôi sâu Super Worm, chuyên cung cấp làm thức ăn cho nhu cầu nuôi chim cảnh vùng TP.HCM.

Đến khi loài sâu này bị cấm nuôi, anh Bé chuyển sang nuôi bồ câu. Vợ chồng anh Bé nhanh chóng có 2.000 cặp bồ câu nuôi tại nhà ở ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa và Củ Chi, chuyên cung cấp bồ câu con cho các nhà hàng để làm nguyên liệu nấu món cháo bồ câu.

Vợ anh Bé, chị Lê Hồ Thanh Thảo, từng là nhân viên ngân hàng, dịch thuật viên tại TP.HCM, bỏ luôn việc để chuyên tâm nuôi bồ câu cùng chồng.

Tuy thế, việc dọn dẹp chuồng trại là một công đoạn mất rất nhiều thời gian hằng ngày của một giáo viên. Đặc biệt việc xử lý phân chim cứ tích tụ ngày này qua ngày khác.

Anh Bé cùng vợ tìm kiếm trên Google và phát hiện công nghệ xử lý phân, rác thải từ ruồi lính đen nhiều nơi tại các nước Đức, Bỉ...

“Nhìn con ruồi trên mạng, tui nhớ là mình đã thấy con ruồi này rất nhiều lần”, anh Bé cho biết. Chính xác là loài ruồi hay đậu tại các gốc cây si, cây sanh và thỉnh thoảng bắt gặp trong các sạp hàng tại chợ. Ngay hôm sau, anh Bé cầm bọc đi bắt hơn chục con về nghiên cứu.

Cung cấp thức ăn dành cho chim

Giờ anh Bé đã hoàn toàn hiểu được vòng đời lẫn sở thích của ấu trùng ruồi lính đen.

“Trứng ruồi thích nhất là xác mì ẩm nước, đem trứng để vào đó khoảng ba, bốn ngày thì nở thành ấu trùng. Ấu trùng lớn nhanh trong khoảng 20 ngày tùy thức ăn. Đây là giai đoạn ấu trùng đóng góp cho việc xử lý rác thải hữu cơ bởi chúng ta có thể để bất cứ thứ hữu cơ từ xác động vật chết, xương cá đến phân chim, chúng đều ăn nhanh chóng để lớn. Sau đó ấu trùng chuyển sang giai đoạn có vỏ kén, trong vòng bảy ngày thì nở ra ruồi”, anh Bé nói.

Ruồi lính đen sau khi nở ra chỉ sống được 7-10 ngày để đẻ trứng rồi chết. “Cơ sở” nuôi ruồi lính đen của anh Bé chỉ như hai cái mùng được giăng lên phía sau vườn. Một tia nước được anh Bé phun thẳng phía trong mùng để giữ ẩm.

Khi ấu trùng sang giai đoạn vỏ kén, anh Bé cho vào đó. Hàng ngàn con ruồi mặc sức sống và đẻ trong mùng. Để lấy trứng ruồi, anh Bé để một xô xương, thịt, cá phế thải bay mùi vào chỗ của ruồi, rồi lấy những mẩu giấy sạch kẹp xung quanh. Ruồi tụ tập đẻ ngay vào đó.

Khi thấy mảnh giấy đã gần kín trứng, anh Bé lấy ra đem đi ấp. Một mảnh giấy trung bình thu khoảng chục ổ trứng ruồi lính đen. Một ổ trứng bán với giá 10.000 đồng. Hàng trăm ổ trứng được cho vào chai nước ngọt, gửi đi tới tận Khánh Hòa, Huế khi có người đặt mối.

Ấu trùng thì 1kg bán 75.000-80.000 đồng, cung cấp cho thị trường thức ăn dành cho chim ở TP.HCM và chính đàn bồ câu nhà mình. Vợ chồng anh Bé lại có thêm thu nhập hằng tháng.

Hồ sơ dự án "Thức ăn chăn nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen" của anh Bé đã đoạt giải ba trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2015 vào tháng 8-2015 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức.

Vợ chồng anh Bé còn lập công ty chuyên nghiên cứu, đầu tư và phát triển các dự án nông nghiệp, trong đó có trang web ruoilinhden.com nhằm hệ thống đầy đủ tư liệu về ruồi lính đen cho những ai quan tâm.

“Nếu được đầu tư lớn và bài bản, mô hình này có thể giúp xử lý rác thải ở mức độ lớn như cấp thành phố chẳng hạn. Nhưng đến nay tui chỉ làm mô hình này quẩn quanh để xử lý trong gia đình chứ chưa dám nhân rộng do quy định về việc phát triển ấu trùng chưa rõ ràng”, anh Bé thừa nhận.

Nhiều nước phát triển ruồi lính đen

Từ năm 2000, nhóm nghiên cứu của Đại học Nông lâm TP.HCM đã có công trình nghiên cứu về ứng dụng của ruồi lính đen trong việc phân hủy rác thải hữu cơ.

Tiến sĩ Trần Tấn Việt, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, có sẵn trong môi trường tự nhiên Việt Nam, con trưởng thành có màu đen, dài 12-20mm.

Không như sâu Super Worm hay con đuông dừa, ruồi lính đen là một nhóm trong sinh vật có ích, có khả năng thay thế thực phẩm protein trong tương lai nếu ứng dụng ở tầm vĩ mô.

Bên cạnh việc phân hủy rác thải, ruồi lính đen còn có thể thay thế được nguồn thực phẩm hải sản, thiết thực trong việc bảo vệ đại dương xanh trong tương lai”.

Theo ông Việt, hiện rất nhiều nước như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nhật, Singapore, Nam Phi... ứng dụng công nghệ phát triển ruồi lính đen ở quy mô lớn, hàng triệu triệu tấn mỗi năm.

“Nhu cầu của ấu trùng ruồi lính đen tại Việt Nam còn rất lớn, việc sản xuất để đáp ứng thức ăn nuôi chim kiểng hay thức ăn cho cá là một ví dụ” - ông Việt nói.

VĂN PHÚC - SƠN LÂM ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên