Và đã ba năm liền, ông Shannon Gramse dành phần lớn nửa đầu năm của mình cho những hoạt động tình nguyện tại Việt Nam. Có năm, cả ông, vợ và cô con gái đều tham gia.
Mối duyên với Việt Nam
* Ông đã đến Việt Nam từ khi nào, thưa ông?
- Trước dịch COVID-19, gia đình tôi đến Việt Nam sống một năm, từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020. Khi đó, vợ tôi được mời đến Việt Nam cố vấn cho một số chương trình Anh ngữ. Còn tôi có thời gian vừa giảng dạy online, vừa thăm thú nhiều nơi tại Việt Nam từ Hà Nội, Sa Pa đến TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc...
* Và thế là mối lương duyên của những chuyến đi tình nguyện của ông tại Việt Nam cũng bắt đầu...
- Đại dịch làm chúng tôi không thể trở lại Việt Nam như dự định mà phải đợi đến hè năm 2022. Khi đó, tôi nhận lời anh Nguyễn Anh Tuấn, sáng lập Ngôi nhà trí tuệ, để tham gia các hoạt động giao lưu, dạy học trong mạng lưới Ngôi nhà trí tuệ ở khắp Việt Nam.
Ở nhiều địa phương tại Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi Ngôi nhà trí tuệ cũng là một địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vậy là mỗi khi tôi đến, dường như cả làng đều có mặt, trẻ em có, người lớn có, nông dân có, đại diện chính quyền địa phương cũng có.
Trong mỗi buổi, chúng tôi chia sẻ nhiều về việc học tiếng Anh. Tôi gửi đến các em nhỏ nhiều lời khuyên nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh. Chúng tôi dành nhiều thời gian để hỏi đáp với các em bằng tiếng Anh. Và chúng tôi giới thiệu cho các em về Alaska, thảo luận nhiều hơn về những khác biệt giữa văn hóa Mỹ và văn hóa Việt Nam...
Ngoài các địa điểm trên, chúng tôi đến rất nhiều trường phổ thông để nói chuyện với học sinh, giáo viên. Năm nay, tôi đến nhiều trường ở Đồng Nai. Thường thì khi chúng tôi đến, hàng ngàn học sinh đã chờ đợi và cổ vũ chúng tôi nồng nhiệt.
Bạn biết đấy, ở những trường vùng sâu vùng xa, rất nhiều học sinh chưa từng có cơ hội gặp người nước ngoài và ít khi được nói tiếng Anh, nên họ rất trân trọng những dịp như thế...
Và cũng vì vậy, chúng tôi luôn muốn các em có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh trong mỗi buổi giao lưu. Đầu mỗi buổi, tôi sẽ nói một vài câu tiếng Việt. Các học sinh thường sẽ thấy tôi nói tiếng Việt không tốt, vậy thì việc các em nói chưa giỏi tiếng Anh cũng bình thường thôi. Các em sẽ thấy tự tin hơn khi đứng lên giao lưu, mắc sai lầm một xíu cũng không sao.
* Ngoài tiếng Anh, điều gì ông chia sẻ với học sinh Việt Nam?
- Chúng tôi nói rất nhiều về văn hóa đọc và tầm quan trọng của đọc sách. Thường thì tôi sẽ dành tặng nhiều quyển sách cho các em. Ngoài giao lưu với học sinh, chúng tôi cũng sẽ trò chuyện với giáo viên của các trường, thảo luận với họ nhiều về những cách dạy học mới...
Có ngày, tôi tham gia 4 - 5 sự kiện tại các trường học hoặc những địa điểm của Ngôi nhà trí tuệ. Có những lúc giao lưu vào buổi tối, bà con vẫn tụ tập rất đông nghe chia sẻ. Sự trông chờ và hưởng ứng của người dân luôn là nguồn năng lượng giúp chúng tôi không biết mệt.
Ngoài những hoạt động tại các vùng quê, chúng tôi cũng có các chương trình tại những thành phố lớn. Hè năm nay, chúng tôi đã đến giao lưu tại nhiều trường đại học ở TP.HCM, Hà Nội. Tại đây, chúng tôi thường nói chuyện với sinh viên về cách học ở bậc đại học, về những cơ hội du học... Tất nhiên không thể thiếu những phần giao lưu văn hóa...
Người Việt rất coi trọng giáo dục
* Dành thời gian nhiều tháng rong ruổi tại Việt Nam như thế, công việc của ông tại Đại học Alaska như thế nào?
- Thành phố Anchorage nơi Đại học Alaska của tôi đang đặt cơ sở có đến 107 ngôn ngữ đang được sử dụng, dù chỉ có khoảng 300.000 người. Một điểm lý thú nữa, 57% người ở Anchorage nói tiếng Anh, 13% nói tiếng Tây Ban Nha và 8% nói tiếng Mong. Bạn không nghe lầm đâu, rất nhiều người Mong tại Anchorage có nguồn gốc từ Việt Nam.
Do sở hữu văn hóa đa dạng, đại học của tôi rất ủng hộ các giảng viên có những chuyến đi hoặc có thể dạy online một khoảng thời gian trong năm cho những dự án thực tế. Trường khuyến khích chúng tôi đi để có những trải nghiệm để làm giàu hơn về văn hóa, vốn sống và kinh nghiệm của chính chúng tôi, từ đó có thể đưa ra những ý tưởng mới và giảng dạy sinh viên tốt hơn khi trở về Alaska.
* Ông cảm nhận giáo dục Việt Nam như thế nào?
- Người Việt Nam rất coi trọng giáo dục, tôi thấy rõ giá trị của giáo dục ở từng nơi tôi được đặt chân đến. Chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam được thế giới đánh giá cao, nằm trong tốp đầu một số bảng xếp hạng về chỉ số đọc viết, làm toán. Tôi nghĩ trình độ chuyên môn của các thầy cô giáo Việt Nam cũng rất đáng nể.
Tôi cảm nhận giáo dục Việt Nam đang có sự biến chuyển, từ mô hình giáo dục cũ sang phát huy tư duy, truyền cảm hứng, tăng cường khả năng phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tôi nghĩ tốc độ chuyển đổi cần nhanh hơn và tác động trên phạm vi rộng hơn nữa.
Điều cốt lõi là học không chỉ để biết, mà hãy cho học sinh biết cách áp dụng những gì đã học vào thực tiễn. Muốn như vậy, theo tôi hệ thống đánh giá cần đa dạng hơn. Không nên tập trung đánh giá học sinh chỉ bằng các kỳ thi, điều này sẽ khiến các em học đối phó và chạy theo điểm số. Hãy có nhiều hoạt động áp dụng kiến thức ngay trong trường học hơn và đánh giá học sinh ngay trong những hoạt động thực tiễn ấy.
Tương tự ở bậc đại học, giáo dục đại học tôi nghĩ không chỉ là để các em có cái nghề. Sâu xa hơn, giáo dục đại học cũng không ngoài giúp sinh viên trở thành những người tốt hơn. Bên cạnh một người có chuyên môn tốt là một công dân tốt, một người cha, người mẹ tốt. Những kiến thức, kỹ năng ngoài chuyên môn ấy cũng sẽ giúp các sinh viên tốt nghiệp có thể linh hoạt thích ứng với những biến đổi của thế giới.
* Ông đã học tiếng Việt từ khi nào, thưa ông?
- Tôi học tiếng Việt được gần hai năm. Hè này, tôi thấy tiếng Việt của mình cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Một lý do tôi học tiếng Việt cũng là để hiểu nhiều sinh viên của mình khi học một ngôn ngữ mới.
Tôi học tiếng Việt bằng Duolingo hằng ngày cùng với một số quyển sách ngữ pháp. Tôi cũng thường đọc báo Việt Nam để học tiếng Việt. Tôi rất thích Tuổi Trẻ News, gần như tuần nào tôi cũng đọc khi trở về Alaska. Tuổi Trẻ News là một trong những kênh giúp tôi giữ được sự kết nối của mình với Việt Nam.
Dự án học tập cộng đồng
Phó giáo sư Shannon Gramse hiện đang giảng dạy các học phần viết tiếng Anh tại Đại học Alaska, Anchorage (Mỹ). Còn dự án Ngôi nhà trí tuệ mà ông tham gia tại Việt Nam có khoảng 170 không gian học tập cộng đồng tại Việt Nam, đã giành giải thưởng "Literacy Awards" (Giải thưởng Xóa mù chữ và phổ biến tri thức) năm 2023.
Phát triển bản thân cho học sinh
Thầy Lê Văn Quyền, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương (Nghệ An), chia sẻ ông Shannon Gramse đã từng có ba lần đến trường, mỗi lần đều truyền cảm hứng rất lớn về học tập và phát triển bản thân cho học sinh.
"Trường chúng tôi có 20% học sinh dân tộc thiểu số, nên việc các em có cơ hội tiếp xúc với những giảng viên từ nước ngoài là vô cùng quý báu", thầy Quyền nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đông, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ấn tượng với sự thân thiện của phó giáo sư Shannon Gramse. Ông thầy người Mỹ rất gần gũi khi tiếp xúc với những học sinh, bà con vùng thôn quê.
Đặc biệt, năng khiếu nói chuyện của ông giúp những chia sẻ về việc học tiếng Anh, kỹ năng học tập, thói quen đọc sách... rất dễ đón nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận