Khi lên 6 tuổi, ông bị đạn bắn trúng tay và mất bàn tay phải. Tuy vậy ông vẫn cố gắng vươn lên, nỗ lực học tập và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò xuyên suốt 44 năm đứng trên bục giảng.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, thầy Nhuận nhấn mạnh vai trò của việc học trong cuộc sống và niềm vui, hạnh phúc khi được truyền lửa cho mỗi học sinh.
Chỉ có học mới thay đổi cuộc sống
* Thưa ông, việc mất bàn tay phải ảnh hưởng như thế nào đối với việc học của ông?
- Tôi nhớ năm 1962 tôi được 6 tuổi, bị tai nạn đứt lìa bàn tay phải. Kể từ đó tôi bắt đầu rèn viết bằng tay trái. Hồi đó được đi học là khó khăn lắm. Gia đình tôi vất vả để tôi đi học nên dù khó cỡ nào tôi cũng cố gắng.
Tôi biết mình đã mất một tay, không chịu học thì lớn lên không thể có tương lai được.
Lúc nhỏ bạn bè hay chọc ghẹo, đi xe cũng là một thử thách nhưng tôi vẫn rèn luyện. Ai nói gì mặc kệ, tôi chỉ chăm chú vào chuyện học và lấy đó làm niềm vui, đam mê.
Lớn lên để chạy được xe máy đi dạy, tôi tự chế một vòng sắt bọc ở tay ga xe máy vừa đủ để đút khuỷu tay vào. Sau đó dùng dây buộc lại và vặn ga theo cảm giác. Thế rồi khi đã đi dạy, dần dần mọi việc cũng ổn theo thời gian.
* Trong suốt 44 năm giảng dạy, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với ông?
- Tôi có một cô học trò tên là Lý Thị Thủy (43 tuổi, hiện là giáo viên Trường Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên). Thủy là học sinh đặc biệt của tôi.
Năm Thủy vào lớp 10 thì gia đình gả chồng. Tuy nhiên Thủy vẫn muốn đi học nên nhờ tôi nói chuyện với gia đình nhà chồng hoãn thời gian cưới lại để em ấy học hết cấp III. Thủy rất thích học nên tôi thương lắm.
Học xong cấp III, Thủy lại đậu đại học và đi học tiếp. Đến năm 3 đại học, Thủy cưới chồng. Sau khi ra trường và có việc làm, Thủy lại nuôi một lúc em mình, chồng mình và em chồng đi học đại học.
Em ấy quá ham học và giỏi giang. Sau này chính Thủy cũng đã nói với tôi là nhờ việc đi học mới giúp em trở thành cô giáo và biến cả gia đình mình thành những người có trình độ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn.
Địa lý cho tôi niềm vui ngập tràn
* Động lực nào thôi thúc ông đi học tiến sĩ khi đã ngoài 60 tuổi và 68 tuổi trở thành tiến sĩ?
- Từ nhỏ, tôi rất thích nghiên cứu, tìm hiểu về môn địa lý. Tôi thấy nó cho mình niềm vui ngập tràn nên tôi quyết tâm phải học thật nhiều về nó để có thêm kiến thức và truyền đạt cho học trò.
Tôi nhớ đến thầy giáo năm cấp III của tôi. Thầy dạy môn địa lý, lịch sử rất hay. Chính thầy đã truyền thêm cảm hứng cho tôi sau này.
Thầy có nói với tôi một câu: Bác Hồ từng nói Lênin khuyên chúng ta học, học nữa, học mãi. Chúng ta cứ hãy lắng nghe lời Bác chỉ dạy. Người là vị cha già kính yêu của dân tộc. Những lời Người dạy dỗ không bao giờ sai nên tôi nhớ mãi và luôn nhắc mình phải tiếp tục học.
Năm 1981, tôi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế với ngành địa lý. Lúc đó tôi muốn học lên nữa nhưng nhà tôi khó khăn quá. Tôi đành gác lại mong ước của mình.
Mãi 20 năm sau ngày tốt nghiệp, từ năm 1997 - 2021, tôi mới được học và tốt nghiệp cử nhân lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế và thạc sĩ chuyên ngành địa lý - giáo dục dân số tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Lúc đó tôi vui lắm.
Và năm 2019, lúc đó tôi 63 tuổi thì mới có điều kiện học lên tiến sĩ. Khi đó tôi là người lớn tuổi nhất lớp và cả trường ai cũng bất ngờ. Cả nhà tôi ai cũng vui và chúc tôi đạt được ước nguyện trên con đường học vấn.
Lúc đó do dịch COVID-19 nên việc học của tôi ngưng trệ và kéo dài đến giờ này. Tôi thật sự rất vui và cũng đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về địa lý.
* Theo ông, việc giảng dạy môn địa lý hiện nay thế nào và ông có lời khuyên gì dành cho các đồng nghiệp trẻ không?
- Để biến môn địa lý trở thành môn học yêu thích của các em học sinh là không dễ mà cũng không khó. Cái khó là làm sao thầy cô giáo truyền được cảm hứng học tập, nghiên cứu, tìm tòi về môn này cho các em học sinh của mình. Như thế, môn học mới trở nên thú vị đối với các em.
Nghĩa là các bạn đừng truyền đạt kiến thức chuyên môn một cách máy móc mà hãy lồng ghép các kiến thức liên quan để gia tăng chỉ số cảm xúc của học sinh, để biến mỗi ngày đến trường của các em trở thành một ngày vui. Khi đó môn học tự nhiên sẽ lôi cuốn học sinh.
Đối với tôi, tôi luôn xem trường học là nhà và học trò là con. Tôi luôn muốn gần gũi và chia sẻ kiến thức với các em học sinh của mình để các em ngày một trưởng thành, giỏi giang hơn và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Tự học tiếng Anh
* Khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông cảm thấy thế nào?
- Thật sự là tôi vui lắm. Tôi vui vì lúc bảo vệ luận án, tôi đã tự học tiếng Anh, tự nghiên cứu và đọc rất nhiều sách, tài liệu nước ngoài và tôi được mở mang tầm mắt rất nhiều.
Tôi tự thấy những hiểu biết của mình về môn địa lý vẫn còn ít lắm. Ngoài kia là cả một bầu trời tri thức mà tôi rất muốn biết và hiểu nhiều hơn nữa.
Thật sự tôi cảm ơn gia đình, đồng nghiệp, cơ quan... đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi để tôi có ngày hôm nay.
* Ông Trần Khắc Lễ (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên):
Tràn ngập đam mê, nhiệt huyết
Thầy Nhuận là một tấm gương cho các học sinh, thầy cô giáo, đồng nghiệp. Ở thầy luôn tràn đầy sự đam mê, nhiệt huyết với nghề giáo và nghiên cứu.
Ở độ tuổi mà nhiều người đã về nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên gia đình nhưng thầy vẫn cặm cụi nghiên cứu, học tập và truyền đạt kiến thức cho học trò thì thật đáng trân quý vô cùng.
* Cô Lý Thị Thủy (giáo viên Trường Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên):
Nếu không có thầy, tôi vẫn làm rẫy ở quê
Tôi có được ngày hôm nay tất cả là nhờ ơn của thầy Nhuận. Ngoài là thầy, tôi luôn xem thầy là ân nhân của đời mình vì đã hết lòng hướng dẫn, chỉ bảo, khuyên nhủ tận tình.
Ngày nhà tôi bắt tôi đi lấy chồng, tôi lo lắm vì ước mơ của tôi là được tiếp tục đi học. Lúc đó gia đình hai bên đều phản đối chuyện đi học của tôi vì lo nếu tôi đi học xong thì sẽ đi luôn không về nữa.
Tôi không biết thầy Nhuận đã nói gì với gia đình hai bên nhưng sau đó mọi người có vẻ tin tưởng hơn. Sau khi tôi học xong và có việc làm, cả gia đình bắt đầu thay đổi suy nghĩ và đầu tư việc học cho con cái. Điều đó khiến tôi rất vui.
Nếu không có thầy Nhuận, bây giờ chắc tôi vẫn còn cặm cụi bẻ mì, nhổ cỏ, làm rẫy ở quê nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận