Từ tâm nguyện muốn truyền cảm hứng luyện tập thể thao, nâng cao thể chất cho học sinh và rèn luyện thói quen lành mạnh, một thầy giáo trẻ 34 tuổi tại Đà Nẵng nhiều năm qua đã đến khắp các ngôi trường ở thành phố tới làng quê để gọi học sinh ra các lớp bóng chuyền miễn phí.
Một buổi chiều giữa tháng 5, nhà thi đấu đa năng trong Trường trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chộn rộn học sinh.
Những cô cậu học trò dù đang học lớp 9 nhưng dáng cao lớn, mặc đồng phục thi đấu bóng chuyền đứng kế các giỏ bóng đã bơm căng hơi đợi thầy giáo tới.
Giờ học nụ cười
Chỉ vài phút sau giờ hẹn, có tiếng xe đạp lạch cạch ngoài nhà để xe. Thầy giáo trẻ với nụ cười hiền như tỏa nắng đã có mặt trong sự chào đón, háo hức của học trò.
Chừng 30 học sinh, trong đó có các em là nữ, đã theo suốt hành trình cùng thầy giáo mình là Nguyễn Hải Trường nhiều năm qua để học chơi bóng chuyền, và họ vẫn đang miệt mài với niềm say mê ngày càng lớn.
Người thầy bóng chuyền của nhóm học sinh này là Nguyễn Hải Trường, hiện sinh sống tại Đà Nẵng và đang làm việc chính cho một tổ chức giáo dục của Bỉ.
Thầy Trường cho biết có đam mê đặc biệt với các môn thể thao từ nhỏ. Thầy có thể chơi tốt bóng đá, cầu lông, bóng chuyền và thậm chí biết điều khiển cả... khinh khí cầu.
Sau khi ra trường và đi làm, Trường nói rằng vẫn duy trì thói quen và niềm đam mê thể thao dù công việc bận bịu ra sao. Vào cuối giờ làm, Trường lân la tới các sân chơi thể thao để kết nối thêm bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm luyện tập.
Những năm 2018, sự xuất hiện của Trường ở khu vực Nhà thi đấu Hòa Xuân (Đà Nẵng) đã gây ấn tượng đối với những thanh niên, học sinh ở gần đó.
Trường chơi bóng chuyền hay, đa năng khiến anh gây được sự chú ý. Mỗi giờ chơi, khi chàng trai Quảng Nam tới thì rất đông người ngồi quanh để xem.
"Tôi chú ý thấy có chừng 20 bạn đang là học sinh sinh viên thường xuyên lui tới sân để ngồi theo dõi. Lúc đó các bạn chỉ tới xem để giết thời gian chứ không chơi. Tôi tìm cách làm quen và rủ các bạn tham gia cùng.
Lúc đầu thì có sự ngần ngại, nhưng thấy vui và học cũng không quá khó để biết một món chơi nên mọi người đều hòa với nhau thành một nhóm. Dự án của tôi bắt đầu từ đây" - Nguyễn Hải Trường nói.
Điều rất lạ, theo Trường là trong số nhóm thanh niên mà cậu kết nối được và tham gia chơi bóng chuyền trong lứa "học viên" đầu tiên từ Hòa Xuân thì có em sau này Trường mới biết là dân "ăn chơi", thậm chí có bạn dính vào nghiện hút.
Nhờ bóng chuyền, những thành viên này đã thay đổi hoàn toàn, tinh thần vui vẻ hơn, thể trạng mạnh khỏe từng ngày và thậm chí dần lánh xa được các thói quen xấu.
Bóng chuyền thay đổi cuộc đời
Từ câu chuyện tình cờ trong buổi chiều chơi bóng chuyền tại Hòa Xuân, Nguyễn Hải Trường giờ đã được gọi là "thầy" với một mô hình đưa bóng chuyền về cộng đồng có quy mô, thường xuyên duy trì lượng học viên (đa số là học sinh, sinh viên) tham gia luyện tập hằng ngày với hơn 300 người.
Không dừng lại ở các sân chơi tại khu dân cư, dự án "Bóng chuyền cộng đồng" của Trường đã mở rộng kênh, triển khai về nhiều trường học trên khắp TP Đà Nẵng. Với học sinh, ngoài giờ học trên lớp thì giờ bóng chuyền với thầy Trường luôn là tiết học đặc biệt.
Học sinh không chỉ được học cách chơi bóng chuyền, rèn luyện cơ thể mà còn tìm thấy ở đó những nụ cười, sự vui vẻ tươi tắn và nguồn năng lượng tích cực. Và một điều rất đặc biệt, đó là phần lớn các giờ dạy bóng chuyền của thầy Trường là miễn phí.
Bóng chuyền cộng đồng của thầy Trường được phát triển mạng lưới theo kiểu "người này giới thiệu người kia".
Ban đầu chỉ vài chục người, sau đó thấy vui quá nên bạn chơi lại rủ thêm bạn mới tới sân tham gia cùng. Lâu dần khi mạng lưới quá đông, đòi hỏi phải có người truyền dạy nên Trường tổ chức lại mô hình.
Những học viên có nhiệt huyết, có tố chất sẽ được cho phát triển để trở thành người hướng dẫn. Hiện tại có 15 "thầy giáo" bóng chuyền như thế trong mạng lưới của thầy Trường, tất cả đều là sinh viên học sinh.
Chàng trai quê Quảng Nam Nguyễn Hải Trường giới thiệu cho chúng tôi hai "thầy giáo" đặc biệt. Đó là N.L.K. - hiện đang học năm thứ 3 Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Huỳnh Lê Triều Vỹ - sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Trước khi trở thành "giáo viên" dạy bóng chuyền của dự án "Bóng chuyền cộng đồng", K. từng dính vào tệ nạn xã hội và thường xuyên có mặt trong các vụ gây gổ đánh nhau.
Được "rủ rê" và dạy chơi bóng chuyền, K. đã biến thành một con người hoàn toàn khác: tươi tắn, năng động, khỏe mạnh và luôn tràn đầy năng lượng.
Ngoài giờ học trên lớp, vào cuối ngày K. có thêm khoản thu nhập từ giờ dạy bóng chuyền trong mạng lưới của thầy Trường. K. cũng là người năng nổ giúp Trường thiết kế, lên chương trình để dự án ngày càng lan tỏa.
Trong khi đó, Huỳnh Lê Triều Vỹ - hiện cũng là "thầy giáo" bóng chuyền cho thầy Trường - cũng từng là người ngại giao tiếp, sống khép kín.
Bóng chuyền đã thay đổi hoàn toàn Vỹ, tới nay Vỹ là phó chủ nhiệm dự án "Bóng chuyền cộng đồng", chịu trách nhiệm trong các hoạt động chính.
Đưa lớp dạy bóng chuyền về quê nhà
Dự án "Bóng chuyền cộng đồng" do thầy giáo Nguyễn Hải Trường sau chỉ 5 năm xây dựng nay đã triển khai trên nhiều trường học, các sân chơi ở Đà Nẵng và được học sinh sinh viên đón nhận nhiệt tình.
Để có thêm kinh phí chi trả tiền công cho các hướng dẫn viên, thầy Trường còn hợp đồng với một số trường học có nhu cầu dạy bóng chuyền để mở lớp. Ngoài ra, dự án còn thử nghiệm bán quần áo, giày, dụng cụ chơi thể thao để có thêm nguồn kinh phí mở rộng và lan tỏa.
Không dừng lại ở các trường thành phố, năm 2020 Trường còn về quê của mình ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) để mời gọi học sinh nông thôn thả điện thoại, remote tivi ra để tập chơi bóng chuyền.
Cuối tuần, Trường chạy xe máy vượt đường dài về quê, lũ học sinh ở các làng đã quần đùi áo số đợi thầy sẵn tại sân nhà văn hóa.
Được thầy Trường chỉ cách đánh bóng chuyền, từ việc chỉ biết vùi đầu trong sách vở, tivi, điện thoại thì lũ trẻ quê đã có một niềm đam mê chung với nhau sau mỗi buổi chiều.
Thầy Trường nói rằng tới nay đã mở được nhiều lớp dạy bóng chuyền miễn phí ở hai xã Bình Trung, Bình Tú (Thăng Bình) và sắp tới sẽ còn nhiều xã khác.
Phụ huynh thấy con em mình say mê, háo hức chơi thể thao thì đều rất ủng hộ. Họ "bắt" thầy giáo nhận kinh phí nhưng thầy nhất quyết không thu.
Khoản tiền đó được dành lại để mua bóng, mua quần áo, lưới, sân bãi... thật bài bản để mong thật nhiều trẻ em tham gia chơi hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận