'Thầy giáo 3 điểm', ai dạy, dạy ai?

NGỌC HÙNG
NGỌC HÙNG

TTO - Từ khóa “thầy giáo 3 điểm” đột nhiên xuất hiện với tần suất dày đặc trong nỗi lo sợ về chất lượng sinh viên ngành sư phạm. Họ sẽ dạy cho ai và dạy như thế nào?

Ảnh: Unscrambled.sg
Tại nhiều nước, sinh viên sư phạm được tuyển cực kỳ khắt khe và giáo viên của họ ra trường đều là người giỏi, yêu nghề - Ảnh: Unscrambled.sg

Một thí sinh có điểm thi khoảng 9-10 điểm đã có thể đặt chân vào cổng trường cao đẳng sư phạm ở nhiều địa phương. Thế nên chẳng thể trách được dư luận đang “dậy sóng” vì những thầy giáo 3 điểm. Con số ấy gây sốc mạnh bởi điểm 3 đang ở bậc đánh giá Kém ở phổ thông.

Ai sẽ vực dậy một sinh viên có đầu vào thấp kỷ lục như vậy trở thành một giáo sinh giỏi và một giáo viên vững tay nghề trong tương lai?

Tôi khẳng định là dù trường sư phạm có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, giáo trình vượt chuẩn, chương trình giảng dạy tiên tiến bậc nhất đi chăng nữa cũng chẳng thể nào hô biến một sinh viên kém kiến thức trở thành người khá giỏi!

Ai sẽ là “vật thí nghiệm” cho năng lực sư phạm của những thầy giáo 3 điểm ấy? Chính là con em của chúng ta!

Nếu quá trình tuyển sinh và đào tạo thuận lợi, sau 4,5 năm nữa thôi, những thầy giáo 3 điểm ấy sẽ tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân như bao người. Và biết đâu chính họ sẽ được tuyển dụng, bố trí lớp dạy và bắt đầu hành trình vùng vẫy giữa “vùng trời của ta’.

Hồi chuông báo động điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm thấp kỷ lục đã được ngân dài từ mấy năm trước. Vậy mà bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm vẫn mãi xám xịt, thậm chí ngày càng ảm đạm hơn.

Những người có trách nhiệm hàng đầu trong bộ máy giáo dục hình như cứ mải miết chạy theo những chiến lược cải cách về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy mà bỏ quên mất vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Và điều tiên quyết đầu tiên chính là nâng cao điểm chuẩn đầu vào!

Câu hỏi “Bao giờ điểm chuẩn các trường sư phạm mới vươn lên tốp đầu như y khoa, quân đội, công an?” sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng. Bởi sức hấp dẫn của ngành nghề đang giảm sút đến mức trầm trọng.

Đặc thù công việc dạy chữ - dạy người với áp lực lớn trong khi lương thưởng và các chế độ đãi ngộ thấp cùng tình trạng thất nghiệp tràn lan đang là bài toán nan giải đối với Bộ GD-ĐT.

Dẫu con đường kéo người tài về với sư phạm còn chông chênh, gập ghềnh nhưng điều đó không có nghĩa là ngành giáo dục buông xuôi, thả nổi công tác tuyển sinh cho các trường. Hãy nhanh tay chặn đứng cái thảm họa “thầy giáo 3 điểm” ấy.

Hãy mạnh dạn dừng tuyển sinh đối với những ngành nghề đang dư thừa nguồn giáo viên và đóng cửa các trường sư phạm yếu kém về chất lượng.

Và điều dư luận lo lắng nhất lúc này chính là thực tế công tác tuyển sinh của ngành đang đi ngược lại lý thuyết giảm chỉ tiêu.

"Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã duyệt chỉ tiêu đào tạo đến năm 2020 sẽ bổ sung số giáo viên khoảng 60.000 người. Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ riêng năm 2016 tổng chỉ tiêu đã xấp xỉ 60.000".

Thông tin ấy vừa được cập nhật trên báo Tuổi Trẻ và câu trả lời của đại diện Bộ GD-ĐT về việc không dám tuyển sinh “vì sợ… giảng viên không có việc làm” hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Vì bảo toàn sự sống cho các cơ sở đào tạo sư phạm cũng như “cứu” giảng viên mà Bộ GD-ĐT “thả cổng” cho công tác tuyển sinh ồ ạt, dư thừa, tạo gánh nặng và gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội ư?

Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay từ tháng 3, chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo. Đáng buồn là chưa hề có một sự khởi động mạnh mẽ nào cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc siết chỉ tiêu tuyển sinh và nâng cao chất lượng đầu vào.

Bằng chứng là số cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay vẫn khá cồng kềnh: 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.

Xin đừng để thảm họa “thầy giáo 3 điểm” tiếp tục trở thành nỗi nhức nhối lớn hơn. Muốn vậy thì cần lắm những hành động thiết thực, quyết liệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nghề vẫn được mặc định là “quốc sách hàng đầu”.

Xem thêm: 

>>  

>>  

>> ' 

>>  

NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên