19/08/2022 17:04 GMT+7

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng 'Tiếp sức đến trường'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Khi 'Tiếp sức đến trường' bước vào năm thứ 19, mùa học bổng thứ 20, thầy Ngô Khắc Vũ (giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2, Quảng Ngãi) cũng đã có 14 năm gắn bó với chương trình này.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 1.

Thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2, đã gắn bó 14 năm với học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: TRẦN MAI

Năm 2016, thầy Vũ giới thiệu 3 tân sinh viên Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trịnh Hồng Vấn, Trần Quốc Đạt cho học bổng, rồi trực tiếp dẫn 3 sinh viên mồ côi này vào TP.HCM nhập học và xin vào ký túc xá Cỏ May ở.

Bài viết "Thầy đưa trò đi xin tiền học" - Tuổi Trẻ ngày 30-8-2016 kể về câu chuyện của tình thầy trò từng gây xúc động trong lòng bạn đọc. Hiện cả ba đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Còn thầy Vũ vẫn miệt mài đi tìm tân sinh viên khó khăn giới thiệu cho Tiếp sức đến trường.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 2.

Thầy Vũ chở Oanh, cùng Đạt và Vấn vào TP.HCM nhập học. Lo cho 3 học trò mồ côi khó nghèo, thầy như người cha chăm lo cho từng em - Ảnh: TIẾN LONG

14 năm thương học trò nghèo

Học trò thành công là món quà lớn nhất với thầy Vũ. Thầy cười khi nhớ về những học trò từng hướng dẫn làm hồ sơ học bổng: "Thiệt tình những em tôi giới thiệu, em nào cũng nghèo, mồ côi và học giỏi. Tôi rõ tiêu chí xét tuyển học bổng "Tiếp sức đến trường" nên cũng cân đo đong đếm lắm. Chọn em này, bỏ em kia, tôi trằn trọc không ngủ được. Em nào "bị bỏ", tôi tìm cách xin những nguồn khác hỗ trợ".

"Tôi luôn nói với các em, sự tiếp sức nào cũng có giới hạn, ngoài kia còn rất nhiều bạn nghèo khó. Bằng mọi cách phải trụ lại giảng đường. Bỏ cuộc là phụ tấm lòng của mọi người. May sao từ đó đến nay, chưa có em nào tôi giới thiệu cho học bổng bỏ học giữa chừng", thầy Vũ trải lòng.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 3.

Trần Quốc Đạt, chàng trai mồ côi năm nào giờ đã là kỹ sư nông nghiệp loại giỏi - Ảnh: NVCC

Tình thương dành cho trò là điều thấy rõ ở thầy Vũ. Không phải đến khi các em tốt nghiệp THPT thầy Vũ mới đi tìm hiểu gia cảnh, mà từ lớp 10 thầy đã "thuộc lòng" từng trường hợp.

Dù là giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2, thầy Vũ không chỉ xin học bổng cho học trò mình. Thầy nắm thông tin của các em ở trường khác qua đồng nghiệp, học trò.

Năm 2017, em Thới Ngọc Hiệu (Trường THPT Tư Nghĩa 1) đang làm thủ tục bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mẹ qua đời vì đột quỵ. Thầy Vũ lập tức báo cho phóng viên Tuổi Trẻ và trực tiếp kêu gọi mọi người giúp đỡ Hiệu.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 4.

Thầy Vũ không chỉ lo cho trò nghèo. Mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT, thầy lại có những hoạt động giúp sĩ tử và phụ huynh. Trong ảnh: thầy mua báo Tuổi Trẻ tặng cho phụ huynh lúc chờ con thi - Ảnh: TRẦN MAI

Mấy năm Hiệu học ở Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, thầy Vũ thường xuyên liên lạc, tìm cách giúp nếu em cần. Với Hiệu, thầy Vũ như người cha.

Đã đến lúc cho đi nhiều hơn

Từ sự giới thiệu và dìu dắt của thầy Ngô Khắc Vũ, Oanh, Vấn ngày nào giờ đã tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM. Đạt cũng tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Cả 3 học trò cùng cảnh mồ côi, nghèo khó, phải làm thêm từ gia sư, bán hàng, bưng bê cà phê, phát tờ rơi, chạy bàn tiệc cưới… suốt bốn năm đại học ở TP.HCM.

Kể về những ngày tháng đó, Oanh chia sẻ rằng đậu đại học, đứa nào cũng vừa mừng vừa lo. Chính thầy Vũ đã gọi cả ba xuống nhà, tâm sự, hướng dẫn cho họ đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường. Học bổng giúp cả ba trang trải học phí năm đầu bước vào giảng đường.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 5.

Trịnh Hồng Vấn nay đã tốt nghiệp đại học, đang đầu quân cho một doanh nghiệp bán lẻ lớn với thu nhập ổn định - Ảnh: NVCC

Còn Vấn vẫn nhớ những đoạn chông chênh của đời mình, nhất là khi đang học năm cuối thì ba cô phát hiện bị ung thư. Cô phải tạm dừng việc học về quê chăm ba, và cô gái kiên cường ấy tiếp tục trở lại trường học.

"Tụi em chưa đứa nào nghĩ đến chuyện bỏ giảng đường vì khó khăn. Những ân tình của học bổng, ký túc xá Cỏ May và các nhà hảo tâm và đặc biệt là thầy Vũ quá lớn", Vấn tâm tình.

Oanh ngoài công việc quản trị ở một công ty sản xuất, còn học thêm nhiếp ảnh, đi chụp ảnh ngoài giờ kiếm thêm thu nhập và theo đuổi đam mê cô không thể thực hiện trước đây.

Đạt đang đầu quân cho một công ty với công việc quản lý chất lượng sản phẩm đúng với chuyên ngành theo học. Còn Vấn làm công việc quản lý lương thưởng cho nhân viên tại một doanh nghiệp bán lẻ lớn.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 7.

Kiều Oanh, cô học trò khép mình năm nào giờ đã tốt nghiệp đại học loại giỏi. Oanh năng động và hướng đến những mục tiêu kế tiếp của đời mình - Ảnh: NVCC

Tụi mình thực sự biết ơn và trân trọng những người đã đến nâng đỡ trong hành trình vừa qua, để cả 3 đi đến ngày hôm nay. Nếu không có sự giúp đỡ ấy, con đường tụi mình sẽ khó khăn gấp bội phần, và cũng chẳng đứa nào biết cuộc sống hiện tại sẽ thế nào. Mối ân tình đó sẽ đi theo tụi mình mãi. Cũng đến lúc 3 tụi em tiếp nối những giá trị tốt đẹp của sự cho đi.

NGUYỄN THỊ KIỀU OANH

Thầy Vũ là "fan cứng" của báo Tuổi Trẻ. Không chỉ giới thiệu học trò, thầy còn trực tiếp viết bài giới thiệu học sinh nhận học bổng "Bạn tôi người vượt khó", mục "Câu chuyện giáo dục"… 

Thầy rất quan tâm đến chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. "Đó là chương trình nhân văn và ý nghĩa. Tôi hy vọng nhiều học trò nghèo khó cả nước được tiếp sức từ chương trình này để vươn lên", thầy nhận xét.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 9.

Trịnh Hồng Vấn (bìa trái), thầy Vũ (thứ 2 từ trái qua), Nguyễn Thị Kiều Oanh (bìa phải) và Trần Quốc Đạt. Bức ảnh chụp năm 2016, lúc thầy Vũ đưa cả ba trò nghèo, mồ côi vào TP.HCM nhập học - Ảnh: TIẾN LONG

Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, nói: "Thầy Vũ rất tận tình và tâm huyết với học trò. Những tân sinh viên thầy giới thiệu rất có ý chí. Tôi nghĩ thầy đã dạy các em nghị lực vươn lên nghịch cảnh. Hiếm có người nào như thầy Vũ".

Bạn từng là tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường? Mời bạn kết nối lại với báo Tuổi Trẻ trong mùa học bổng thứ 20 này. Những câu chuyện, sẻ chia xin gửi về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 11.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hãy đăng ký nhận học bổng cùng Tuổi Trẻ

Năm 2022, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 63 tỉnh, thành đoàn cả nước để tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 15 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỉ đồng.

Ngoài ra sẽ có 5 suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập, 1.500 balô tặng sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...

Đây là mùa thứ 20 học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên khó khăn từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chia sẻ. Học bổng này đã "tiếp sức" cho 22.370 tân sinh viên không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được 'tiếp sức'

TTO - Thay vì cầm học bổng vào Đà Nẵng nhập học, Nguyễn Duy Hiền (một trong 87 sinh viên Thừa Thiên Huế nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2013) đã nhường khoản tiền này cho hai anh trai khi ấy đang học đại học mà chưa xoay đâu ra học phí.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên