TTCT - Thông điệp mới của Bộ GD-ĐT là: “Từ năm 2013 sẽ hướng đến việc tạm dừng mở mới các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý”. Phải chăng lại sắp có một quyết định theo lối tư duy “không quản được thì cấm”? Phóng to Nhu cầu học tập của sinh viên là rất chính đáng, cần cho phép những trường đủ năng lực đào tạo để mọi người nâng cao tri thức theo nhu cầu - Ảnh: Minh Đức Kiến nghị của Bộ GD-ĐT có lẽ xuất phát từ sự cả lo cho tỉ lệ thất nghiệp gia tăng của sinh viên khối ngành kinh tế (kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh) trong năm vừa qua và xu hướng sẽ còn khó khăn do khủng hoảng kinh tế chưa thể tháo gỡ. Thay vì “lăm lăm nhát kéo” cắt giảm nguồn cung sao không tác động vào lượng cầu sẽ căn cơ hơn? Tinh lọc Cốt lõi không phải giảm lượng đào tạo mà tinh lọc và chọn lựa phù hợp cả ở khâu tuyển chọn và trong suốt quá trình giảng dạy. Thực tế bao giờ cũng cần những chuyên viên kinh tế/tài chính/quản lý… giỏi. Thời kỳ khủng hoảng càng rất cần người đủ sức lèo lái, tháo gỡ, riêng giai đoạn hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây thì lựa chọn nhân viên có phần dễ dãi khiến nhiều người đổ xô đăng ký nhóm ngành này. Vậy hãy bắt đầu từ sửa đổi môn thi tuyển sinh, thay vì các môn toán, lý, hóa (ban A) hay toán, văn, ngoại ngữ thì nên cân nhắc chuyển sang các môn có gắn/gợi mở tư duy kinh tế nhằm tuyển chọn đầu vào phù hơp. Vì thật sự suốt 4-5 năm học hành nhóm ngành này không hề đả động gì đến văn chương, càng chẳng nhắc nhở gì về lý, hóa. Nếu duy trì các môn thi đầu vào như hiện nay chẳng khác nào nhằm chốt lại một phần tri thức đã học chứ không phải là bước đệm cho vấn đề sẽ học. Dẫn đến dễ chọn lựa sinh viên trúng tuyển sai hướng ngay từ đầu vào, khiến quá trình học và làm sau này đều khó thể phát huy tối đa. Muốn thế nên chăng đưa vài môn sơ lược về tài chính cá nhân, quản trị bản thân… vào giảng dạy ở bậc phổ thông trung học làm nền thi/xét tuyển đầu vào đại học nhóm ngành kinh tế? Thứ hai, không nên cố hạn chế việc mở ngành đào tạo nhóm ngành này với lý do thừa mứa bởi người ta học nhóm ngành này đâu chỉ để xuất sắc trong vai trò làm thuê mà còn nhằm khởi nghiệp, hoặc đơn giản nhằm bổ sung kiến thức, mà kiến thức kinh tế, quản lý… rất nhiều người cần cho bản thân, gia đình và công việc. Cho phép các trường đủ năng lực mở nhóm ngành này sẽ tạo thuận tiện cho mọi người nâng cao tri thức theo nhu cầu - nhu cầu học tập rất chính đáng. Và nâng chất Do đó, điều cần là nghiên cứu xây dựng nâng chất - nâng chuẩn chương trình một cách thực chất, tăng điều kiện mở ngành một cách khoa học, không chỉ chuyện cắt gọt còn bao nhiêu tín chỉ, loay hoay chuyện viết khóa luận tốt nghiệp hay chỉ học thêm hai môn bổ sung… nhằm tạo ra được nguồn chuyên viên kinh tế thật sự giỏi nghề. Để tránh lãng phí xã hội trong việc đào tạo sai ngành, cần thông tin mang tính dự báo càng chính xác càng tốt mức thất nghiệp của các ngành để học sinh và phụ huynh cân nhắc kỹ việc chọn ngành dự thi, không theo tâm lý bầy đàn, cũng không vì dễ đậu hay dễ học, mà quan trọng có phù hợp năng lực bản thân và nhu cầu nhân sự của xã hội. Một câu hỏi không thể không đặt ra: Việc tạm dừng mở mới nhóm ngành kinh tế sẽ kéo dài đến bao giờ? Nếu vài năm nữa khủng hoảng qua đi, hoạt động kinh tế - kinh doanh khởi sắc trở lại, những người đã và đang học các ngành này liệu có hoàn toàn đáp ứng tốt? Có thể lúc đó lại... tuyển sinh ồ ạt? Bộ hướng tới các trường đại học, vậy sinh viên có thể vươn đến các trường cao đẳng và trung cấp? Các trường này vẫn đào tạo nhóm ngành kinh tế thì sao? Tất yếu dẫn đến tình thế: những người học lực kém hơn dễ được học nhóm ngành kinh tế và ngược lại. Việc thẳng thừng thắt triệt mở các ngành kinh tế, tài chính, quản lý... của các trường chẳng khác nào tăng tính độc quyền cho nhóm trường đã mở được các ngành này (mà chắc gì họ đã làm thật sự tốt). Những trường này từ nay càng chẳng cần cố gắng bởi đã giảm sức ép cạnh tranh từ những trường ngoài. Tags: Tuyển sinhSinh viênNgành kinh tếNgưng đào tạoKim Oanh
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.