Trong một diễn biến bất ngờ, tối 14-3 (giờ Matxcơva), sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng S. Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov, Tổng thống V. Putin tuyên bố rút bộ phận chủ lực của quân đội Nga khỏi Syria. Tổng thống Nga ra quyết định rút quân sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng S. Shoigu (bìa phải) và Ngoại trưởng Nga S.Lavrov (bìa trái)-Kremlin.ru Tuyên bố được đưa ra đúng vào ngày tại Geneva nối lại những cuộc hội đàm gián tiếp giữa chính quyền Damascus với các đại diện phe đối lập, dự kiến kéo dài tới ngày 24-3. Hội đàm nhằm giải quyết các vấn đề tương lai Syria như bầu cử, thành lập chính phủ mới và chuẩn bị hiến pháp mới. Theo Interfax, tổng thống Nga cho rằng “những nhiệm vụ Nga đặt ra ở Syria đã hoàn thành”, mà cụ thể là “tạo điều kiện để bắt đầu tiến trình hòa bình”, nên ông ra lệnh rút quân bắt đầu từ ngày 15-3. Tuy nhiên, hai căn cứ quân sự của Nga ở Tartus và Hmeymim vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như trước. “Các căn cứ của chúng tôi, một cơ sở hải quân ở Tartus và một cơ sở không quân ở sân bay Hmeymim, sẽ hoạt động như bình thường. Chúng sẽ được bảo vệ an toàn từ đất liền, từ biển và từ không trung” - ông V. Putin tuyên bố. Ngoài ra, một phần quân đội còn trụ lại sẽ giám sát việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Bên cạnh đó, theo expert.ru, người đứng đầu Ủy ban quốc phòng và an ninh của Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) Viktor Ozerov cho biết thêm Nga sẽ “không từ bỏ nghĩa vụ cung cấp cho chính quyền Damascus vũ khí và thiết bị quân sự”. Lựa chọn thời điểm Những diễn biến mới cho thấy Matxcơva rõ ràng không muốn bị lôi kéo vào một xung đột dài hạn và lặp lại “kịch bản Afghanistan”. Quân đội Nga ra đi trong thời điểm khá thành công: quân đội của Tổng thống Assad, với sự hỗ trợ vũ khí và thiết bị quân sự của Nga, đã phản công mạnh mẽ chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Tiến trình thương lượng với phe đối lập ôn hòa Syria đang diễn ra trên đất liền (qua các thỏa thuận ngưng bắn - do Nga và Hoa Kỳ khởi xướng - đạt được giữa chính quyền Assad và phe đối lập vào ngày 27-2-2016) cũng như trên bàn đàm phán ở Geneva. Và Nga có được hai cơ sở quân sự ở Trung Đông, một yếu tố địa chính trị quan trọng. Qua báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng S. Shoigu, có thể tổng kết những gì Nga làm được trong nửa năm tham gia cuộc xung đột Syria (từ tháng 9-2015 đến 14-3-2016): “Các lực lượng Nga ở Syria đã thực hiện 9.000 chuyến xuất kích, với sự hỗ trợ của Nga, quân Syria đã giải phóng hơn 400 khu vực dân cư Syria và 10.000km2 lãnh thổ, tiêu diệt hơn 2.000 tay súng xuất thân từ Nga, trong số đó có 17 chỉ huy chiến trường... Giải phóng tỉnh Latakia, một phần các tỉnh Hama, Homs, nối lại liên lạc thành phố Aleppo, phong tỏa Palmyra...”. Expert.ru dẫn lời chuyên gia cho biết thêm: “Với sự hỗ trợ của người Kurd ở Syria, miền trung Syria đã được ngăn tách với biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, khỏi những dòng vũ khí nhập lậu và lính đánh thuê. Hàng trăm ngôi làng và các thành phố nhỏ được giải phóng. Những nhánh khủng bố nhỏ ở ven biển cũng bị đập tan. Quân đội Syria được một thời gian dài nghỉ ngơi và hồi phục sau hàng loạt thất bại, được tiếp tế và huấn luyện sử dụng những vũ khí tối tân mới của Nga và bổ sung cơ số. Không quân Nga trong khi đó cũng đã triệt hạ một số cơ sở hạ tầng quân sự và dầu khí của bọn khủng bố, đánh bom những tụ điểm buôn bán vũ khí và dầu hỏa, phá vỡ các tuyến hậu cầu và liên lạc của IS. Quân đội Nga cũng đã thể hiện trình độ cao về chiến đấu và phối hợp, khả năng thực hiện nhanh chóng và chính xác nhiệm vụ được giao. Bước ngoặt của cuộc chiến đẫm máu bốn năm ở Syria đã được thực hiện chỉ nhờ một trung đoàn của lực lượng hàng không vũ trụ Nga (một lực lượng vũ trang Nga thành lập năm 2015 bằng việc sáp nhập không quân Nga với hàng không vũ trụ quốc phòng - NV) với tổn thất nhân sự là bốn người”. Trước quyết định rút quân ông Putin đưa ra khá bất ngờ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 14-3 tuyên bố với Reuters: “Tôi chưa thấy những thông báo này nên khó thể đánh giá chúng có tác động gì lên các cuộc đàm phán, những thay đổi nào chúng sẽ mang đến cho tiến trình hòa đàm. Chúng tôi cần phải xem chính xác Nga có những ý định gì”. Có thể nêu ra những giả thiết gì quanh quyết định rút quân được bất ngờ tuyên bố này? Một số giả thiết Thứ nhất, hiểu thế nào về việc “một phần lớn quân đội Nga”? Trên trang web của tổng thống Nga nói rõ đó là “bộ phận chính của nhóm không quân vũ trụ Nga” trong khi vẫn “duy trì hoạt động trong chế độ bình thường” hai căn cứ quân sự. Điều này khiến một số chuyên gia Nga cho rằng có thể Kremlin chỉ giảm bớt số chuyến bay, và từ 60 máy bay hiện diện tại Syria có thể sẽ giảm còn vài mươi chiếc. Cụ thể là các máy bay tiêm kích hạng nặng như SU-34, SU-35 sẽ được rút đi. Trong khi các tổ hợp tên lửa C-400, C-1 sẽ tiếp tục trực chiến. Ngoài ra, có thể Nga sẽ rút các cố vấn quân sự cho quân Syria ở tiền tiêu. Thứ hai, việc rút quân có thể là một phần trong thỏa thuận với Hoa Kỳ. Gần đây trên báo chí Nga xuất hiện những đồn đại về hợp đồng “đổi Syria lấy Ukraine”. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ giảm nhẹ kiểm soát Kiev, ngưng hỗ trợ tài chính để buộc tổng thống Ukraine thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk. Về phần mình, Nga sẽ giúp Hoa Kỳ giữ thể diện bằng cách để Washington triển khai tấn công quy mô lớn ở bắc Syria và trận chiến quyết định đánh vào thủ phủ IS, thành phố Al-Raqqah, dứt điểm cuộc chiến chống IS ở Syria. Trong trường hợp này, căng thẳng giữa Washington và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng do bước đi của Mỹ vô hình trung đứng về phía người Kurd ở Syria mà Ankara từ lâu phản đối do sợ liên kết với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, ủng hộ người Kurd cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ kế hoạch liên bang hóa Syria. Thứ ba, Nga tin tưởng vững chắc vào kết quả hòa đàm ở Syria lẫn ở Geneva. Trong khi các hoạt động quân sự chống IS tiếp tục dưới hình thức chống khủng bố (cần nhắc là kế hoạch ngừng bắn hôm 27-2 không áp dụng với hai nhóm khủng bố ở Syria là IS và Al Nusra), còn tất cả các nhóm đối lập ôn hòa hay ít ôn hòa cũng sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Assad để bàn về tương lai đất nước. Ông Putin đã nhấn mạnh trong tuyên bố rút quân: “Tôi hi vọng quyết định hôm nay là một tín hiệu tốt cho tất cả các bên xung đột. Tôi hi vọng quyết định này sẽ tăng đáng kể niềm tin cho tất cả những thành viên của quá trình (thương lượng) này”. Thứ tư, một số chuyên gia cho rằng bước đi này của ông Putin có thể cho thấy cự ly của Nga và Syria về tương lai của Syria. Từ lâu Nga đã tuyên bố xem Syria như một đối tác bình đẳng chứ không phải một đất nước vệ tinh của Nga. Nhưng từ lâu Damascus cũng đã phản đối kế hoạch liên bang hóa đất nước, nhất là liên quan tới người Kurd và việc trao quyền tự trị cho người Kurd. Còn Nga thì tuy tuyên bố số phận Syria tùy thuộc vào chính người Syria, nhưng cũng từng bóng gió về việc liên bang hóa Syria, nhất là trong bối cảnh của tiến trình hòa bình. Thứ năm, lý do không kém quan trọng là kinh tế. Gazeta.ru cho biết nếu từ tháng 11-2015, Syria và sự hiện diện của quân Nga ở Syria được ông Putin thường xuyên đề cập, thì từ tháng 2-2016 “ông Putin tỏ ra thờ ơ với vấn đề Syria hơn”, mà theo các chuyên gia của tờ báo, lý do là “kinh tế quan trọng hơn Syria”. Rõ ràng giá dầu lao dốc kèm theo các biện pháp cấm vận của phương Tây do Nga sáp nhập Crimea đã khiến tình hình kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn. Việc Nga rút một bộ phận chủ lực khỏi Syria có thể không đủ để phương Tây tháo dỡ cấm vận, nhưng sẽ cho Nga nhiều thời gian và nguồn lực hơn để giải quyết khó khăn kinh tế. Cuối cùng, giả thiết “âm mưu” nhất cho rằng Nga rút quân là để đáp lại tối hậu thư của Hoa Kỳ và các đồng minh. Ngày 14-3, một loạt nguồn tin đã thông báo về quyết định chung của Hoa Kỳ và Saudi Arabia về việc “bắt đầu chiến dịch quân sự chống Assad nếu quân đội Syria trong vòng 24 giờ không thực hiện ngừng bắn”. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đã đổ lỗi cho người Kurd về vụ tấn công khủng bố hôm 13-3 vào một tòa nhà chính phủ ở Ankara (có tới 37 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương trong vụ đánh bom ôtô này). Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố các điều tra cho thấy “những bằng chứng không thể chối cãi về tội ác của người Kurd”, trong khi cảnh sát đã bắt giữ 11 kẻ tình nghi. Sự kiện này có thể là cái cớ cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, Nga cũng đã cảnh báo bước đi này. Dù sao thì một phản ứng dễ thấy là sự hài lòng của phe đối lập Syria trước quyết định của Tổng thống V. Putin, qua phát biểu của đại diện “Hội đồng thương lượng tối cao” Riyad Naasan Agha tại Geneva: “Dĩ nhiên chúng tôi chào mừng quyết định này và mong Nga đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ quyết định hòa bình và thực hiện bước chuyển chính trị bằng con đường thương lượng”. Có thể “diễn dịch” phát biểu này là Nga sẽ gây sức ép lên chính quyền Assad để thực hiện các quyết định đạt được từ cuộc hòa đàm đang diễn ra. Mặt khác, bước đi này của Nga chắc chắn sẽ làm giảm bớt những chỉ trích của phương Tây về hoạt động của Matxcơva tại Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố “phát sợ về những thống khổ của người dân Syria do các cuộc không kích của Nga”, hay Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan từng cho rằng Nga “giết người vô tội ở Syria”, mặc dù theo phía Nga, những lời chỉ trích này không kèm theo được bằng chứng nào thuyết phục cho cáo buộc. Vài giờ sau tuyên bố của ông Putin, đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, cho biết một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra để bàn về quyết định của ông Putin. Trang web của Điện Kremlin sáng 15-3 thông báo: Không lâu sau khi đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria, ông Putin đã điện đàm với Tổng thống Obama về bước đi này, đồng thời nhấn mạnh "sự cần thiết thực hiện các thỏa thuận hòa bình đạt được ở Minsk giữa chính quyền Kiev và các phe đối lập Ukraine”.■ Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ tấn công Raqqa Ngay sau tuyên bố rút quân của ông Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố Matxcơva sẵn sàng hợp tác với liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria để đánh gục hoàn toàn IS ở thủ phủ Raqqa của tổ chức này, theo Hãng tin Interfax. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp hành động với những người Mỹ, vì Raqqa ở phía đông Syria, và liên quân Mỹ hoạt động chủ yếu ở đó - ông Lavrov nói với Interfax trong một cuộc phỏng vấn - Có lẽ chuyện này không có gì là bí mật, nếu tôi nói rằng trong một số giai đoạn những người Mỹ đã đề xuất một hình thức “phân công lao động”: không quân Nga sẽ tập trung vào giải phóng Palmyra, và liên quân của Mỹ với sự hỗ trợ của Nga sẽ tập trung vào giải phóng Raqqa”. Tags: Nga rút quân khỏi Syria
Đài CNN dự đoán ông Trump thắng ở bang Kentucky, bà Harris thắng ở bang Vermont TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Cuộc bầu cử Mỹ vẫn đang diễn ra và các cử tri đang bỏ những lá phiếu quyết định cuộc đua giữa ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Bầu cử Mỹ: Ông Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.