25/02/2023 07:55 GMT+7

Thấy gì qua vụ tranh chấp thương hiệu Phở Thìn?

Phở Thìn đang là cái tên được nhắc nhiều những ngày qua khi tranh chấp về quyền sử dụng thương hiệu phở mang tên "Phở Thìn" gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Thấy gì qua vụ tranh chấp thương hiệu Phở Thìn? - Ảnh 1.

Nhượng quyền là một hoạt động rất phổ biến trong ngành F&B, nhưng chưa được hiểu thấu đáo - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo các chuyên gia ẩm thực, để xảy ra việc tranh chấp một thương hiệu quen thuộc cũng cho thấy tư duy về sản phẩm F&B của người Việt rất tốt nhưng về quản lý, kinh doanh còn hạn chế.

Phở Thìn "mọc" khắp nơi

Thử làm động tác tìm kiếm "Phở Thìn" ở TP.HCM trên mạng sẽ ra danh sách các quán phở có gắn tên "Thìn" khác nhau trải khắp TP: Thủ Đức, quận 1, quận 4...

Những quán phở này đều được đánh giá cao, thể hiện dưới đánh sao của cộng đồng mạng, một số quán khá đông khách, quảng cáo đây là "phở bò nổi tiếng ở Hà Nội".

Vì vậy, khi lùm xùm "Phở Thìn Lò Đúc" nổ ra, nhiều người mới giật mình: "Phở Thìn mà mình đang thưởng thức là "Thìn nào"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, cho biết chỉ mới chính thức làm nhượng quyền quán phở mang thương hiệu đầu tiên tại quận 7, TP.HCM, khai trương hồi đầu tháng 2-2023.

Những quán "Phở Thìn" khác đều không phải do ông đứng ra xây dựng, đồng hành.

Theo tra cứu thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng "đang giải quyết".

Trong khi đó, nhãn hiệu "Phở Thìn" được cơ quan chức năng bảo hộ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm cho Phở Thìn Bờ Hồ, đã được đăng ký lại nhãn hiệu và thời hạn hiệu lực đến 26-12-2024.

Theo một luật sư, việc đăng ký bảo hộ một thương hiệu thường rất rắc rối và dựa trên rất nhiều thành tố. Và do "Phở Thìn" đã được đăng ký bảo hộ thành công, việc cấp một quyền sở hữu nhãn hiệu khác cho "Phở Thìn 13 Lò Đúc" sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Rủi ro cho người mua

Tại TP.HCM, kinh doanh phở được nhiều người chọn khi món ăn này rất phổ biến và được đông đảo người dân đón nhận.

Do đó, nhượng quyền kinh doanh các quán phở cũng nhộn nhịp không kém. Phí nhượng quyền một quán phở có thể đến hơn 1 tỉ đồng tùy mức độ danh tiếng. Và câu chuyện nhượng quyền không còn đơn giản.

Người kinh doanh chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận trong khi bảo vệ tài sản trí tuệ lại khá mơ hồ. Đôi lúc không cần nhiều kinh nghiệm, chỉ có sẵn mặt bằng, người kinh doanh có thể đặt vấn đề với một quán phở đông khách nào đó để mua nhượng quyền mà ít khi để ý thủ tục pháp lý.

Theo chuyên gia ẩm thực Hoàng Tùng, đây là một rủi ro cho người đi mua nhượng quyền. Bởi bỏ tiền tỉ ra mua nhượng quyền mà thương hiệu không được bảo hộ thì rất rủi ro.

Vì mở hôm nay, ngày mai có thể có người khác mở một cái tương tự với thương hiệu tương tự và bán sản phẩm y hệt nhưng người nhượng quyền không thể làm gì, bên bán nhượng quyền cũng không bảo vệ gì cho người đã mua thương hiệu.

"Trước đây có một người bạn nhờ tôi tư vấn mua nhượng quyền một chuỗi F&B đang lên. Phí nhượng quyền và set up vận hành lên tiền tỉ. Nhưng tôi kiểm tra nhanh xong thì can, bảo đừng mua, vì thương hiệu đó chưa đăng ký bản quyền", ông Tùng nói.

Cũng theo chuyên gia này, có rất nhiều mô hình kinh doanh chưa đủ điều kiện làm nhượng quyền nhưng vẫn đang nhượng quyền rất mạnh.

Điều này sẽ tạo ra những rủi ro rất lớn đối với những người mua nhượng quyền, bởi họ sẽ không được bảo vệ một cách chính đáng và dễ xảy ra tình trạng tiền mất tật mang khi mua phải những thương hiệu này.

Ông chủ Thìn Lò Đúc: nếu sai, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm

Tôi lập hàng phở này từ năm 1979, những người đang làm lùm xùm về tôi, mới là người đổi trắng thay đen.

Họ mới chính là người lừa đảo. Còn tố tôi lừa đảo. Nhiều người hỏi tôi: sao ông lừa đảo nhiều thế mà không ai tố cáo ông?

Ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ tiệm phở Thìn 13 Lò Đúc, Hà Nội, bức xúc nói khi trao đổi với chúng tôi.

* Nhiều giấy tờ cho thấy ông và một người khác cùng thành lập công ty?

- Tôi không có gì liên quan đến công ty đó. Công ty đó tự xưng, tự lập không có sự đồng ý của tôi. Chính vì thế tôi đang kiện công ty đó ra tòa về tội lừa đảo tôi, lập công ty mà không có sự đồng ý của tôi.

Người ta đã tự lấy tên tôi để thành lập công ty đó mà không có sự bàn bạc nào với tôi. Họ lạm dụng sự hiểu biết về pháp luật để thông tin trên mạng để lừa tôi...

* Lừa ở đây là sao, thưa ông?

- Là sử dụng thương hiệu của tôi nhưng lại không có sự đồng ý của tôi. Đi bán nhượng quyền thương hiệu cho những người khác nhưng tôi không biết.

Đến giờ, những thương hiệu đề là Phở Thìn khác ở TP.HCM đều không liên quan đến tôi trừ quán tôi đang có mặt ở đây (quận 7, TP.HCM - PV).

* Ông đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho nhãn hiệu phở của mình?

- Tôi đã gửi hồ sơ lên Cục SHTT nhưng không hiểu sao hồ sơ cứ bị ngâm. Có ai đó bằng cách ăn cắp hình của tôi để đăng ký SHTT. Vì vậy, tôi vẫn chưa được cấp bảo hộ SHTT ở VN, trong khi tên tôi được Nhà nước vinh danh.

Hồ sơ bảo hộ SHTT của nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của tôi đã được bảo hộ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Tôi không hiểu sao không được bảo hộ ở trong nước, khi đây là nơi biết rõ tôi nhất!

* Sau chuyện lùm xùm những ngày qua, ông mong muốn điều gì?

- Dù thế nào sự thật vẫn là những lùm xùm đã xảy ra. Tôi mong cơ quan chức năng nhà nước quyết định làm rõ, kể cả mời tôi ra tòa. Nếu tôi sai, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ai sai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tôi đã nhượng quyền năm cửa hàng ở Nhật Bản, Mỹ có một cửa hàng, Úc một cửa hàng, Indonesia cũng có một cửa hàng. Khi nhượng quyền tôi có luật sư để làm rõ những ràng buộc theo hợp đồng, cốt là bảo vệ cái minh bạch.

N.BÌNH thực hiện

Phở Thìn Bờ Hồ - Quán phở hoài niệm của tôiPhở Thìn Bờ Hồ - Quán phở hoài niệm của tôi

Có một Phở Thìn nho nhỏ đã bảo hộ thương hiệu là Phở Thìn Bờ Hồ. Chủ quán này từng trả lời báo chí: "Chúng tôi chỉ bán phở, không bán thương hiệu".


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên