13/09/2023 15:18 GMT+7

Thấy gì qua số vụ nhận hối lộ?

Báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho thấy trong năm 2023, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%.

Số liệu nêu trên cần được phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau và từ số liệu này cho thấy có hai vấn đề. Thứ nhất, tình hình đưa, nhận hối lộ còn diễn ra nghiêm trọng.

Thứ hai, điều đáng mừng là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn, phát hiện, xử lý được nhiều hành vi nhận hối lộ.

Thực tế, nhận hối lộ là loại tội phạm "ẩn", diễn ra bí mật giữa người đưa và người nhận. Người nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, trình độ, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu nên rất khó phát hiện.

Điều này càng trở nên khó khăn khi hối lộ liên quan đến quà tặng, vốn là hành vi ứng xử bình thường, từ lâu đã thành tập quán ở Việt Nam. Một số kết quả khảo sát cho thấy nhiều trường hợp quà cáp khi đến cơ quan công quyền đã trở thành thói quen.

Thậm chí có những người còn bảo nhau kiểu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Cùng một bản chất là hối lộ nhưng hành vi này được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức, tính chất.

Do đó khó bị phát hiện và xử lý, thậm chí có những trường hợp hầu như không thể xử lý. Nhất là khi được che đậy dưới các hình thức quà cáp, bồi dưỡng, bôi trơn, cảm ơn, ngoại giao, quan hệ...

Kết quả điều tra, khám phá các tội nhận hối lộ trong năm 2023 là một bước tiến rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Có được điều đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo trung ương, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan điều tra, tư pháp... Điều này cũng thể hiện rõ việc đấu tranh kiên quyết hơn, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" với loại tội này.

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phát hiện, điều tra, khám phá các tội đưa, nhận, môi giới hối lộ.

Như các quy định về khuyến khích, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ...

Đồng thời, đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, thực hiện thanh toán qua tài khoản... góp phần kiểm soát được các dòng tiền bất minh, phục vụ điều tra tội nhận hối lộ. Từ đó việc phát hiện, xử lý các hành vi nhận hối lộ ngày càng tăng.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hối lộ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Thực hiện chống cả đưa, nhận và môi giới hối lộ, nhưng trọng tâm là chống nhận hối lộ.

Cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng pháp luật.

Phải chống tham nhũng, nhận hối lộ ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và việc thi hành công vụ của cán bộ...

ĐẠI BIỂU NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI)

Vì sao có cựu quan chức nhận tiền vụ Việt Á nhưng không bị xử lý tội nhận hối lộ?Vì sao có cựu quan chức nhận tiền vụ Việt Á nhưng không bị xử lý tội nhận hối lộ?

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 9-9, trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - đã có thông tin thêm một số vấn đề liên quan đến vụ Việt Á.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên