11/02/2010 21:39 GMT+7

Thay đổi trong chính sách nhập cư tay nghề của Úc: Cái nhìn từ 2 phía

ĐẶNG VINH (chuyên viên Văn Phòng Tư Vấn Định Cư Úc Khai Phú)
ĐẶNG VINH (chuyên viên Văn Phòng Tư Vấn Định Cư Úc Khai Phú)

TTO - Bộ trưởng Bộ di trú và Quốc tịch Úc Chris Evans vừa công bố những thay đổi lớn trong chính sách nhập cư theo diện tay nghề.

Theo đó, một số ngành nghề lao động phổ thông, như cắt tóc, đầu bếp hoặc thợ sửa xe sẽ không còn được ưu đãi như trước. Thay vào đó, chính sách nhập cư mới, theo như được thông báo sẽ tiếp tục có cải tổ sâu rộng hơn vào tháng 6-2010, sẽ ưu tiên cho các đương đơn có tay nghề cao phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế trung và dài hạn của Úc.

Số liệu của Cục thống kê Úc cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2004-2008, số du học sinh đến Úc học các nghề phổ thông đã tăng lên chóng mặt. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, số du học sinh các khóa học nghề (TAFE) tăng từ khoảng 32.000 trong năm 2004 đến trên 100.000 trong năm 2008. Số visa cấp cho các khóa học tiếng Anh (ELICOS) cũng có mức gia tăng tương tự.

Phần lớn sự gia tăng du học sinh đến từ Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc và Việt Nam. Các khóa học được ghi danh đông đảo nhất là nấu ăn, làm tóc và du lịch khách sạn. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì chính sách nhập cư tay nghề trước đó đã dành quá nhiều ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp những ngành này được trở thành thường trú nhân tại Úc. Thậm chí, Bộ di trú và Quốc tịch Úc còn thừa nhận một thợ tóc hay đầu bếp có nhiều khả năng được định cư tại Úc hơn là một tiến sĩ khoa học tốt nghiệp từ Đại học Harvard!

Tin bài liên quan

Úc thay đổi chính sách nhập cưAnh cắt giảm lao động nhập cư tay nghề cao EU "mở ngỏ" cho lao động nhập cư tay nghề cao Thiếu nhân công, Úc nới lỏng chính sách nhập cư

Hiện nay những thay đổi quan trọng có hiệu lực tức khắc là:

Hủy bỏ danh sách ngành nghề đang cần, đồng nghĩa với việc chấm dứt việc ưu tiên cho những ngành lao động phổ thông. Thay vào đó, sẽ có một danh sách mới các ngành nghề được phép nhập cư phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Ấn định quota cho các hồ sơ xin visa tay nghề nộp trước ngày 1-9-2007. Sau khi đã hết quota, các hồ sơ chưa được giải quyết sẽ được trả về.

Thay đổi thứ tự ưu tiên giải quyết hồ sơ, qua đó ưu tiên cho những ngành nghề kỹ năng cao cấp.

Xét lại hệ thống tính điểm diện tay nghề.

Hệ thống trường dạy nghề và các nhóm vận động cho chính sách nhập cư cho rằng Chính phủ đơn giản chỉ muốn giảm số dân nhập cư vì áp lực chính trị và xã hội, mà không tính đến các lợi ích khác. Như việc, hàng tỉ đôla mỗi năm được du học sinh mang vào nước Úc, hay những đóng góp tích cực của di dân tay nghề phổ thông trong việc bù đắp cho những thiếu hụt nguồn lao động này tại Úc. Các trường dạy nghề e ngại rằng họ vừa mới thoát khỏi những khó khăn của khủng hoảng tài chính toàn cầu nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chính sách mới, sẽ làm cho nhiều trường phải cắt giảm số khóa học hoặc thậm chí phá sản. Việc này không chỉ làm mất công ăn việc làm của hàng ngàn nhân viên và giáo viên mà có thể còn tác động tiêu cực tới thanh danh của Úc như một điểm đến của du học sinh.

Trong khi đó, các nhóm chính trị và xã hội cánh hữu tại Úc hết lời ủng hộ. Họ cho rằng đây là việc đóng cánh cửa sau nhà đối với dân nhập cư trình độ thấp mà lẽ ra đã phải làm từ lâu. Nhiều di dân tay nghề phổ thông đã có cuộc sống không mấy sáng sủa tại Úc: một số thất nghiệp vì tình trạng kinh tế khó khăn 2 năm vừa qua; một số có trình độ Anh ngữ kém dẫn đến những khó khăn trong hòa nhập. Vô hình trung, việc chấp thuận cho di dân qua, mà không quan tâm họ sẽ làm gì, đã đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực. Việc giảm số di dân tay nghề phổ thông cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn cho dân bản xứ, giảm áp lực cho nguồn tài nguyên có hạn tại Úc và cho nền kinh tế mới phục hồi sau khủng hoảng.

Việc siết chặt chương trình định cư tay nghề tại Úc không có nghĩa là nó sẽ chấm dứt. Mỗi năm, Chính phủ Úc vẫn có kế hoạch nhận khoảng 100.000 di dân tay nghề từ khắp thế giới. Chính sách mới theo hướng ưu tiên chọn lọc những ngành nghề có trình độ cao như kỹ sư, bác sĩ, y tá, giáo viên, khoa học gia, cử nhân đại học, cao đẳng… Được cho là sẽ phục hồi niềm tin của xã hội vào chính sách nhập cư, những thay đổi phức tạp và quan trọng do Bộ di trú và Quốc tịch Úc đưa ra sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu nhân lực tay nghề cao cho sự phát triển kinh tế về lâu dài của nước Úc.

ĐẶNG VINH (chuyên viên Văn Phòng Tư Vấn Định Cư Úc Khai Phú)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên