24/03/2022 08:40 GMT+7

Thay đổi quan điểm chống dịch

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận ngày 23-3 là trên 130.000 ca, giảm trên 30% so với hơn một tuần trước.

Thay đổi quan điểm chống dịch - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại Hà Nội, địa phương liên tục có số mắc cao nhất từ đầu năm 2022, số mắc cũng đã giảm trong hơn 10 ngày nay. So với cao điểm, số mắc mới ngày 23-3 ở Hà Nội đã giảm hơn 60%.

Các thông số khác xung quanh dịch COVID-19 trong tháng qua cũng cho thấy dù tổng số ca mắc cao gần gấp 7 lần so với tháng trước, số khỏi bệnh cũng cao hơn gần 7 lần, số tử vong và chuyển nặng đều giảm.

So với những lúng túng khi số mắc COVID-19 tăng cao cuối năm 2021, 3 tháng vừa qua cho thấy các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 đã tỏ ra hiệu quả hơn: số mắc tăng cao nhưng không rối loạn trong cung cấp dịch vụ y tế, kiểm soát được số ca chuyển nặng và giảm được số tử vong.

Thời điểm này có thể nói đã qua giai đoạn cao điểm đợt dịch do biến chủng Omicron gây ra tại Việt Nam. Tháng 4 này là tròn 1 năm làn sóng dịch thứ 4 - làn sóng dịch nặng nề nhất ở Việt Nam - xuất hiện và Bộ Y tế vừa nêu một quan điểm mới trong phòng chống dịch COVID-19: chuyển sang kiểm soát ca nhập viện, thay vì kiểm soát số ca mới.

Quan điểm này mới nhưng thực chất không mới, bởi từ cuối năm 2021 việc chuyển đổi đã được nhắc đến, nhất là từ thời điểm Việt Nam phủ vắc xin rộng rãi. 

Nhiều ý kiến từ người có thẩm quyền của Bộ Y tế khi đó cho rằng sẽ chuyển đổi chỉ đánh giá cấp độ dịch trên số nhập viện và tử vong, không đánh giá trên số mắc hằng ngày. Khi Omicron xuất hiện, số mắc tăng cao nhưng số chuyển viện giảm, số tử vong giảm, yêu cầu này càng trở nên hợp lý và cần sớm thực hiện.

Trong khi đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Y tế xem xét những yếu tố để chuyển biện pháp phòng chống COVID-19 tương tự như các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành khác. 

COVID-19 là căn bệnh mới xuất hiện hơn 2 năm, nhưng đã là nguyên nhân của rất nhiều sự kiện "lần đầu tiên" không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới, như dừng bay quốc tế, giãn cách xã hội diện rộng, học sinh phải dừng học trực tiếp và chuyển học trực tuyến kéo dài…

Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân đã bị đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch. Những ảnh hưởng này vẫn đang kéo dài đến tận hôm nay, như học sinh Hà Nội mới được học trực tiếp nửa ngày và các trường chưa mở lại hoạt động bán trú, học sinh mầm non chưa được đến trường…

Đến nay COVID-19 đã thay đổi, cách thức chống dịch và hiệu quả phòng chống COVID-19 cũng đã thay đổi, đã hiệu quả hơn. Chính vì thế yêu cầu "chuyển từ quản lý số mắc sang quản lý số nhập viện" càng cần triển khai nhanh và thiết thực hơn. Điều này cũng phù hợp với tình hình dịch ở giai đoạn hiện nay.

Chuyển sớm ngày nào, đồng bộ chính sách sớm ngày nào thì cuộc sống sớm trở lại bình thường ngày ấy. Mỗi thời kỳ có một cách thức chống dịch khác nhau, "thời kỳ Omicron" cũng cần cách thức riêng. Thay đổi để chuẩn bị cho những ngày bình thường sắp tới.

Tin COVID-19 chiều 23-3: Cả nước 127.883 ca mới, Hà Nội tiếp tục giảm mạnh Tin COVID-19 chiều 23-3: Cả nước 127.883 ca mới, Hà Nội tiếp tục giảm mạnh

TTO - Các địa phương ghi nhận số ca giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-3.009), Hòa Bình (-717), Tuyên Quang (-713). Các địa phương ghi nhận số ca tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+1.122), Hà Giang (+947), Bắc Ninh (+925).

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên