26/02/2016 11:03 GMT+7

Lễ hội muốn bớt xấu phải thay đổi phương thức quản lý

VŨ VIẾT TUÂN GHI
VŨ VIẾT TUÂN GHI

TT - Tiếp tục đi tìm câu trả lời cho vấn đề Tuổi Trẻ nêu ra trong số báo ngày 25-2, chúng tôi ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia trong ngành văn hóa, xã hội học.

Hình ảnh hỗn loạn tại lễ hội
Hình ảnh hỗn loạn tại lễ hội "Đả cầu cướp phết" tại Bản Giản, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 14-2 - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Ở rất nhiều ngôi chùa, lâu nay việc cúng sao giải hạn đã trở thành dịch vụ kiếm bộn tiền, nhà quản lý hiện không thể kiểm soát

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

* PGS.TS Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN):

Cần có chiến lược giáo dục di sản

Lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội được “mở rộng, nâng cấp” từ lễ hội làng thành lễ hội vùng, lễ hội quốc gia, đang có bốn sự thay đổi lớn: cấu trúc tâm linh, chủ thể tổ chức lễ hội, người tham dự và không gian tổ chức.

Bốn thay đổi này nằm trong xu hướng thế tục hóa các hoạt động tế tự mang tính tâm linh thành các sự kiện, các dịp lễ, các kỳ nghỉ với tất cả nhu cầu của một đời sống đương đại.

Qua lễ hội, người ta có thể thấy được các động thái chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của xã hội tổng thể.

 


PGS.TS Lương Hồng Quang. Ảnh: V.V.Tuân

Hiện chúng ta chưa có chiến lược ứng biến tốt với những lễ hội hiện đại có sự thay đổi như vậy. Khi đối tượng quản lý của chúng ta là lễ hội thay đổi thì chúng ta phải thay đổi về nguyên tắc, phương thức quản lý cùng các điều kiện mới đi kèm.

Lễ hội hiện nay thay đổi lớn về cấu trúc nhưng chúng ta vẫn lúng túng coi nó như một lễ hội cổ truyền mà thật ra nó chỉ còn lại cái “vỏ” cổ truyền, nhiều thứ đã thay đổi. Bộ VH-TT&DL cũng đã cố gắng, nhưng lễ hội là hiện tượng của xã hội tổng thể.

Trách nhiệm của bộ chỉ là một phần, còn lại phải là ở vấn đề thể chế tổng thể, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, của UBND các địa phương có lễ hội.

Vấn đề căn cốt là phải có giải pháp ở cấp cao, phải có một cuộc vận động xã hội và cải cách thể chế văn hóa trên tinh thần khoa học, văn minh, về việc con người, xã hội muốn phát triển thì phải dựa vào chính các năng lực của xã hội và từng con người, chứ không thể dựa vào thế lực siêu nhiên được.

Đồng thời, các cơ quan quản lý phải đánh giá lại lễ hội để xây dựng chiến lược ứng phó, chiến lược nâng cao năng lực, quản trị, truyền thông lễ hội.

Cần có chiến lược giáo dục di sản, trong đó lễ hội chỉ là một ví dụ tiêu biểu, bởi không có sự trao truyền, văn hóa sẽ bị đứt gãy.

Sự trao truyền các giá trị và khuôn mẫu văn hóa theo nguyên tắc là các tầng lớp dưới sẽ theo tầng lớp tinh hoa của xã hội, vì tầng lớp tinh hoa tạo ra các khuôn mẫu văn hóa để mọi người noi theo.

Cuối cùng là phải có công nghệ tổ chức sự kiện áp dụng vào các lễ hội. Ví dụ, như đền Trần Nam Định, hằng năm báo chí, dư luận nói mãi về câu chuyện sao lại cướp lộc trên bàn thờ, dù đó đều là những người có học, có chức, có quyền?

Nhưng đó là theo hiệu ứng đám đông vô thức, mà họ không kiểm soát hết được. Ở góc độ tổ chức sự kiện sẽ phải có hình thức tổ chức mới, để giãn cách, kiểm soát đám đông thì mới đảm bảo trật tự, an toàn. Còn nếu vẫn giữ hình thức tổ chức đó thì năm này qua năm khác sẽ vẫn như vậy.

Thanh niên đánh đấm nhau ở Hội Phết Hiền Quan 2016. Ảnh tư liệu.
Thanh niên đánh đấm nhau ở Hội Phết Hiền Quan 2016. Ảnh tư liệu.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN):

Xem lại “tín ngưỡng quan trí”

Tất cả những hành vi mà chúng ta nhìn thấy là phản cảm hiện nay thực chất đã có từ thời Trung cổ, nhưng nó chỉ diễn ra trong phạm vi làng xã, một cộng đồng nhỏ và phù hợp với thời kỳ lịch sử lúc đó, khi con người còn phổ biến niềm tin tín ngưỡng dân dã, thậm chí hoang đường.

Còn bây giờ thì nhiều lễ hội trở thành di sản quốc gia, lượng người tham dự đông hơn, các chính khách cũng về hành lễ, tính chất của lễ hội thay đổi. Nhiều lễ hội được hoành tráng hóa.

Trong lễ hội, với đám đông như thế, rất dễ xảy ra chứng kích động tập thể do hiệu ứng tâm lý đám đông, đó là điều khó tránh khỏi.

Chúng ta đang ở thời kỳ hỗn dung tín ngưỡng, việc đòi hỏi người hành hương phải “có văn hóa lễ hội” trong đám đông khổng lồ dường như là điều không tưởng.

 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền 

Hiện tượng xoa tiền vào tượng, ném tiền lẻ vào kiệu rước, cúng sao giải hạn là những hành vi phản giáo lý nhà Phật lại diễn ra thường niên ở các ngôi chùa. Ngược đời là chính những người đó hẳn cũng rắp tâm nương nhờ sự linh thiêng nơi cửa Phật.

Thế nhưng họ không hề tuân theo giáo lý tu thân trong triết lý luân hồi nhân quả, lại mang niềm tin dị đoan vào cửa thiền mà cho rằng có thể dùng tiền bạc, vật phẩm cúng lễ để thay đổi số phận.

Ở rất nhiều ngôi chùa, lâu nay việc cúng sao giải hạn đã trở thành dịch vụ kiếm bộn tiền, nhà quản lý hiện không thể kiểm soát.

Một quan ngại khác, đó là ngày càng có nhiều cán bộ công chức tham gia các hoạt động lễ hội. Năm ngoái tôi có tâm sự với một nhà nghiên cứu người Pháp, anh ta nói rằng ở Pháp, tổng thống có thể đi lễ nhà thờ, nhưng chỉ đi vào ngày thường với tư cách cá nhân chứ ông ta không bao giờ tham gia vào các cuộc hành lễ với tư cách tổng thống. Bởi như vậy sẽ vô tình gây ra sự thiên vị, bất bình đẳng giữa các tôn giáo tín ngưỡng.

Công chức nhà nước công khai tham gia các nghi thức hành lễ ở đền, chùa, có thể đó là nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cá nhân họ, nhưng trên bình diện quốc gia, cần phải có sự thay đổi.

Mặc nhiên, những hành vi tín ngưỡng của công chức, tạm gọi là tín ngưỡng quan trí, ắt sẽ làm cho dân trí noi theo.

Người dân thường ngầm hiểu rằng những cán bộ công chức đó đi lễ đền, chùa nào thì hẳn nơi đó sẽ rất thiêng, nên họ mới thăng tiến được như vậy và người dân cứ thế noi theo. Hiệu ứng tâm lý đám đông cứ thế bùng phát.

Hoạt động hành hương vì thế càng khó kiểm soát, dù có nơi đã huy động tới cả trung đoàn bộ đội, công an vào cuộc.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học):

Ảnh: V.V.TUÂN
Ảnh: V.V.TUÂN

 

Phải yêu cầu xếp hàng ở lễ khai ấn đền Trần

Đền Trần Nam Định có sự mâu thuẫn rất lớn về không gian hữu hạn của đền và số người vô hạn bởi vì có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người cùng vào đền trong một thời điểm. Vậy thì ban tổ chức phải có cách ứng xử thích hợp.

Không gian đền, chùa chỉ thích ứng với số lượng người nhất định, nhưng đêm khai ấn, đền Trần luôn quá tải.

Để xảy ra tình trạng tranh cướp lộc nhiều năm là do ban tổ chức tổ chức chưa tốt. Với một không gian hẹp thì phải tổ chức đường đi cho tốt và yêu cầu người tham dự lễ hội xếp hàng, mỗi lần sẽ chỉ cho một số lượng người nhất định vào (khoảng 50 người vào, 50 người ra), thành từng đợt như vậy. Nhưng ở đền Trần những năm qua tôi thấy không làm được điều ấy.

Tôi cho rằng yêu cầu du khách xếp hàng vào đền là cách làm khả thi, mà nếu làm nghiêm sẽ không cần đến 2.000 công an, cảnh sát. Bởi trong một xã hội văn minh thì việc giải quyết vấn đề luôn gắn liền với ý thức tự giác, tổ chức văn minh và gắn với pháp luật.

V.V.TUÂN ghi

*Cần dẹp bỏ tự ái và quyền lợi cục bộ ở lễ hội

VŨ VIẾT TUÂN GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên