06/03/2022 09:27 GMT+7

Thay đổi hàng loạt quan điểm về chống dịch, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

CẨM NƯƠNG ghi
CẨM NƯƠNG ghi

TTO - Không còn đánh số thứ tự F0, cách ly tại nhà, giảm tối đa thời gian cách ly, bỏ một số quy định xét nghiệm, phân bổ thuốc kháng virus đến hệ thống nhà thuốc... là các động thái cho thấy Việt Nam đang dần thay đổi quan điểm chống dịch COVID-19.

Thay đổi hàng loạt quan điểm về chống dịch, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu - Ảnh 1.

F0 tập thể dục buổi sáng tại Bệnh viện điều trị COVID-19 3B, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ảnh chụp sáng 1-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế có biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. 

Tuổi Trẻ giới thiệu thêm ý kiến một số chuyên gia.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế):

Nên dựa vào nhiều yếu tố

Tôi đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là xu hướng của quốc tế. Tuy nhiên, nên gọi là một dịch bệnh lưu hành địa phương vì từ "đặc hữu" không chính xác theo khoa học. Tất nhiên, để tiến tới việc xem COVID-19 là bệnh lưu hành địa phương thì phải có các yếu tố đánh giá kỹ càng từ ngành y tế.

Thứ nhất, chúng ta không đánh giá tình hình diễn biến dịch dựa vào số ca mắc mới và số tử vong mỗi ngày, mà nên xem đó là một dữ liệu tham khảo để xây dựng phương án phòng ngừa. Thứ hai, phải xem xét khả năng chống đỡ, hệ thống điều trị với bệnh này đã đáp ứng tốt nhất hay chưa. Thứ ba, tình hình miễn dịch cộng đồng, yếu tố này có thể đạt khi tỉ lệ bao phủ vắc xin của Việt Nam cao. Thứ tư, về mặt xã hội, tinh thần của cộng đồng, tâm lý của từng người đã bình thường hóa với dịch bệnh hay chưa?

Hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa thống nhất về việc có xem COVID-19 là bệnh lưu hành hay không. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ phải xác định cần một thời gian nữa do sự "chiếm sóng" của biến chủng mới, số ca mắc đang ngày một tăng lên.

Chúng ta cũng không biết được sau Omicron sẽ có thêm những biến chủng nào khác, nên khi nào tình hình dịch đáp ứng được mức độ ổn định về số ca mắc và ca tử vong thì mới nên xem là bệnh lưu hành. Giống như sốt xuất huyết hay các bệnh khác như sởi có thể bùng phát lên từng khu vực, từng vùng, từng mùa nhưng nó cũng đã thành bệnh lưu hành. Bây giờ chúng ta vẫn còn coi COVID-19 là bệnh thuộc nhóm A (nhóm nguy hiểm).

Cho đến khi Nhà nước không căng thẳng chuyện hệ thống y tế phải trực ngày trực đêm để xem có dịch hay không, không phải đầu tư cho việc bồi dưỡng cho cán bộ y tế; khi có thể chuyển việc điều trị qua hệ thống bảo hiểm y tế chi trả đồng thời để hệ thống tư nhân có thể tham gia điều trị, giảm gánh nặng cho y tế... thì lúc ấy có thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành địa phương.

PGS.TS Trần Văn Ngọc (chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM):

Nên đối diện với COVID-19 như bệnh thông thường

Việc tiến tới xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu trong thời gian tới tôi nghĩ là hoàn toàn hợp lý, bởi dù biến chủng mới Omicron lây lan nhiều nhưng tỉ lệ tử vong hiện nay trên mặt bằng chung rất thấp. Dùng từ "đặc hữu" thì có vẻ chuyên môn hóa, chúng ta nên đối diện nó như các bệnh thông thường, vẫn có tỉ lệ tử vong nhưng từ 1-2%, nhập viện thì 5-10%. Với COVID-19, tôi nghĩ chỉ nên xem xét làm sao để giảm bớt tỉ lệ tử vong, chứ không nên xem xét quy mô lây nhiễm.

Điều mà ngành y tế cần quan tâm là kiểm soát sự bùng phát để tránh quá tải trong toàn hệ thống, chú trọng vào nhóm đối tượng nguy cơ, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Việc tiêm vắc xin cho trẻ thời gian qua là phản ứng khá chậm trong khi đã cho trẻ trở lại trường học.

Ngoài ra, để chuẩn bị tâm thế cho việc từ "thích ứng linh hoạt" sang "xem là bệnh thông thường" người dân phải luôn tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành y tế. Vẫn phải áp dụng biện pháp 5K bởi khả năng tái nhiễm vẫn có. Nhiều người chủ quan nghĩ bản thân nguy cơ thấp nhưng rất có thể chính họ sẽ mang dịch bệnh cho người khác.

Về vấn đề xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới sau Omicron, theo tôi đối với bệnh cúm, mỗi năm Tổ chức Y tế thế giới đều tiến hành thu thập các chủng mới từ đó điều chế lại vắc xin cho phù hợp, mỗi năm đều có thay đổi và cập nhật, thì với COVID-19 cũng tương tự vậy. Những lô thuốc về sau của Pfizer đều có cập nhật hiệu lực với cả biến chủng Omicron, thay đổi chất lượng vắc xin.

Thay đổi hàng loạt quan điểm về chống dịch, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu - Ảnh 2.

Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu về số ca nhiễm COVID-19. Trong ảnh: nhiều ngôi nhà ở ngõ 131 Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông treo biển thông báo cách ly y tế vì gia đình có người nhiễm COVID-19 (ảnh chụp chiều 5-3) - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa Y tế công cộng - ĐH Y dược TP.HCM):

Cần thêm thời gian để đánh giá

Bệnh đặc hữu được hiểu là một bệnh thông thường và có tính tương đối ổn định, việc kiểm soát dịch phụ thuộc vào trách nhiệm của người dân, nó không phải là quy định, yêu cầu bắt buộc nữa. Tôi cho rằng tình hình dịch hiện tại của Việt Nam chưa thể tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu được. Theo đánh giá của tôi và một số chuyên gia y tế khác, tối thiểu sẽ có thêm 1 hoặc 2 làn sóng dịch nữa xuất hiện, trong khi khả năng miễn dịch của cộng đồng hiện nay chưa thật sự bền vững, nó chỉ kéo dài vài tháng.

Bên cạnh đó, hiện nay tốc độ tạo xuất hiện biến chủng mới rất cao, không dự đoán được trước về mức độ nguy hiểm và khả năng chống lại các vắc xin hiện tại. Vì vậy không thể chủ quan, không thể nói người dân muốn làm gì thì làm. Tôi đã thấy ở các nước châu Âu họ đã thực hiện phương án này, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu nhưng phải đánh giá kỹ. Họ đã trải qua 4 làn sóng dịch, đã tiêm vắc xin từ rất lâu, nguồn lực vắc xin dồi dào, hệ thống y tế tốt. Họ có thuốc kháng virus hiệu lực đến 80-90%, hệ thống ICU kỹ thuật cao, trong khi thuốc kháng virus của nước ta hiệu lực chỉ khoảng 30%.

Đánh giá vậy không phải phủ nhận khả năng tiến tới "bình thường" sau "thích ứng linh hoạt", mà chúng ta phải cần thêm thời gian để hoàn thiện hơn hệ thống chăm sóc và điều trị, điều này mình có thể phấn đấu trong tương lai.

Thay đổi hàng loạt quan điểm về chống dịch, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu - Ảnh 3.

Hiện công nhân ở TP.HCM tiêm mũi 2 gần 100%, nhiều người đã tiêm mũi 3. Trong ảnh: tiêm vắc xin cho công nhân ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các nước xem COVID-19 là bệnh đặc hữu ra sao?

Bước sang năm COVID-19 thứ 3, một số nước trên thế giới đang cố gắng triển khai những giải pháp để có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 và xem COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng tới. Theo báo Bangkok Post, hướng dẫn để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế công cộng Thái Lan gồm có ba tiêu chí: số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10.000 ca, tỉ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì COVID-19, và hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vắc xin.

Trong khi đó, Tây Ban Nha là một trong số các nước đang kêu gọi xem COVID-19 như bệnh đặc hữu, có nghĩa là một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó như bệnh cúm. Theo Hãng tin AP, nếu xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, giới chức Tây Ban Nha sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới theo ngày, và người có triệu chứng bệnh sẽ không cần phải xét nghiệm dù vẫn được điều trị.

Nhiều bang tại Mỹ cũng đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và một số quy định phòng dịch khác. Theo Hãng tin AFP, từ đầu năm 2022 nhiều nước như Anh và Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch, hướng tới việc sống chung và xem COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.

ANH THƯ

NÓNG: Bộ Y tế đề xuất F0, F1 có thể... đi làm NÓNG: Bộ Y tế đề xuất F0, F1 có thể... đi làm

TTO - Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.

CẨM NƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên