09/01/2017 10:46 GMT+7

Thay đổi hai bờ sông Hàn để phát triển du lịch

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Khách du lịch đến Đà Nẵng đông nhưng theo các chuyên gia, cảnh quan hai bờ sông Hàn vẫn còn thiếu sự hài hòa, hiện đại... nên chưa được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.

Bến du thuyền và nhà ở san sát nhau phía bờ đông sông Hàn gây nên cảnh chật chội, bức bách trong kiến trúc, không gian đô thị - Ảnh: V.HÙNG
Bến du thuyền và nhà ở san sát nhau phía bờ đông sông Hàn gây nên cảnh chật chội, bức bách trong kiến trúc, không gian đô thị - Ảnh: V.HÙNG

Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển các phương án kiến trúc cho hai bờ sông Hàn. Khi chủ trương kéo dài bờ biển Đà Nẵng đã làm được với những khu du lịch sang trọng thì việc biến sông Hàn thành điểm nhấn đô thị vẫn còn hạn chế.

Mỗi buổi tối chỉ lẻ loi vài chiếc tàu cũ kỹ chở vài mươi du khách ăn uống, ngắm cảnh dọc sông Hàn rồi tắt đèn, nằm bờ, sông Hàn lại chìm trong yên tĩnh.

Sông Hàn sáng đèn: vẫn chỉ là ý tưởng

Những người lãng mạn khi phác thảo sông Hàn sáng đèn “trên bến dưới thuyền” hàng chục năm trước giờ vẫn chỉ là ý tưởng. Năm 2015, TP chỉ mới cấp phép xây dựng một bến tàu trên sông Hàn đã làm dậy sóng dư luận, nên việc xây bến mới trên sông Hàn thời điểm này rất nhạy cảm.

Theo TS.KTS Đỗ Tú Lan - nguyên phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, việc khai thác cầu cảng sông Hàn chưa hiệu quả, không đón được tàu du lịch lớn, chưa tạo được cảng du thuyền cao cấp để khai thác hiệu quả không gian mặt nước.

Hơn hai thập niên đô thị hóa Đà Nẵng, cả không gian TP biến chuyển nhanh chóng, nhưng một bản quy hoạch tổng thể và phát triển không gian hai bờ sông Hàn vẫn còn loay hoay.

Thực tế nhìn lại hàng chục kilômet sông Hàn từ Cẩm Lệ đến cửa biển Thuận Phước, do chú trọng “lấp đất đôn nền” hai thập niên qua nên các khu dân cư nằm dọc sông từ quận Sơn Trà chạy vào Ngũ Hành Sơn, từ Hòa Phước xuống đến Hòa Xuân phát triển tự phát, kiến trúc các công trình, nhà cửa lộn xộn, xấu xí.

TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng chất lượng đô thị hóa hạn chế, các khu dân cư ven sông (Sơn Trà, Tuyên Sơn, Hòa Xuân...) vẫn quy hoạch theo lối tiểu khu nhà ở cũ, không hình thành được các khu phố đa chức năng.

Ông Liêm cho rằng việc kéo dài sông Hàn hiện chưa đạt được, chưa gắn kết với sông Cổ Cò đến Thu Bồn (Hội An) và sông Túy Loan đến chân núi Bà Nà nên không khai thác chuỗi tuyến du lịch sinh thái biển, sông, núi về phía nam, tây bắc TP.

Vì vậy, việc tận dụng sông Hàn để phát triển các dịch vụ du lịch, lôi kéo du khách không như kỳ vọng, ban đêm dòng sông vẫn tối mù, thiếu sức sống của con sông giữa lòng TP.

Để sông Hàn sống động

Bà Trần Thị Nam Phương (Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng) chỉ ra những bất cập trong quy hoạch ở những đầu cầu qua sông Hàn ở phía tây đã tạo nên quá tải nghiêm trọng đối với hạ tầng giao thông và gây ách tắc, mất an toàn giao thông.

Các nút giao thông đầu cầu Sông Hàn, cầu Rồng là khu vực rất nhạy cảm về giao thông, điểm nhấn hết sức quan trọng trong đô thị nhưng chưa bao giờ nhận được sự quan tâm đúng mức về bố trí quỹ đất.

Kết quả sau một thời gian sử dụng là giao thông bị ách tắc, khó cải tạo, mở rộng nút và cảnh quan đô thị lộn xộn.

KTS Đỗ Tú Lan đề nghị quy hoạch phát triển không gian hai bên bờ sông Hàn theo quan điểm sinh thái. Phải khắc phục được những bất hợp lý như mật độ xây dựng dày đặc, không gian xanh quá ít...

KTS Bùi Huy Trí, trưởng phòng quản lý quy hoạch Sở Xây dựng Đà Nẵng, công nhận hiện một số kiến trúc bờ tây sông Hàn là nửa cổ nửa kim, thô vụng nên cần có thiết kế đô thị riêng với định hướng hiện đại, sang trọng, không lai tạp.

Ông Trí cũng đồng tình số lượng các công trình cao tầng cần khống chế ở mức vừa phải, không để tạo thành hai bức tường khổng lồ bên bờ sông, phải hết sức hạn chế việc lấn sông...

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, quy hoạch chi tiết xây dựng hai bờ sông Hàn lâu nay chưa có những ý tưởng mới, độc đáo. Vậy cần sớm nghiên cứu quy hoạch không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kéo dài sông Hàn về phía nam để khai thác chuỗi tuyến du lịch.

“Không gian rộng mở sông Hàn phải nối những di tích Champa, thành Điện Hải, Ngũ Hành Sơn... để sông Hàn sống động, khai thác triệt để, hiệu quả trên bờ, dưới sông” - TS Liêm đề xuất.

Theo KTS Hoàng Sừ (nguyên chủ tịch Hội KTS Quảng Nam), dẫu Đà Nẵng phát triển rất nhanh 20 năm qua, trở thành một TP đáng sống nhất nước, nhưng phân tích các bất cập thì thấy Đà Nẵng phát triển chưa bền vững, khai thác cạn kiệt tài nguyên đất đai, ít quan tâm đến cây xanh.

Ông dẫn chứng không nhiều địa phương có sông Hàn chảy giữa TP như Đà Nẵng, là không gian tuyệt vời để tổ chức bộ mặt kiến trúc độc đáo, nhưng giờ tổ chức một không gian xuyên suốt kết nối sông Hàn ra biển Mỹ Khê rất khó thực hiện.

Ông Sừ cho rằng cần chấm dứt cấp phép các dự án nhà ở thấp tầng, chia lô và rà soát, thu hồi những khu đất chưa xây dựng ven sông Hàn nhằm gia tăng diện tích mảng xanh.

* Ông HUỲNH ĐỨC THƠ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng): Tìm sức sống mới cho dòng sông 

Sông Hàn là báu vật của thiên nhiên, là tài sản vô giá của TP Đà Nẵng, nên việc tìm kiếm ý tưởng phát triển cảnh quan hai bên bờ sông và các giải pháp quy hoạch, kiến trúc phù hợp là hết sức cấp thiết.

TP đã, đang và sẽ luôn kỳ vọng những ý tưởng về thiết kế cảnh quan tốt nhất cho sông Hàn nhằm mang lại sức sống mới cho dòng sông, góp phần nâng tầm thương hiệu TP, hướng đến những giá trị cốt lõi về một TP hòa hợp với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Sông Hàn phải được kiến tạo cảnh quan có tính biểu tượng và bản sắc, có môi trường sống tốt cho mọi người và cuốn hút du khách.

Tọa đàm “Giải pháp quy hoạch cảnh quan sông Hàn - Đà Nẵng”

Quy hoạch tổng thể và định hướng sự phát triển không gian hai bờ sông Hàn - Đà Nẵng không chỉ là mong muốn của lãnh đạo, người dân TP, mà là vấn đề được đông đảo bạn đọc, doanh nghiệp đầu tư, bất động sản, du lịch... trong và ngoài nước quan tâm.

Mới đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” và chọn ra một số phương án nhằm thí điểm thực hiện trong tương lai.

Đa số phương án đều nghiêng về việc xây dựng cảnh quan hai bờ sông Hàn với không gian xanh, quy hoạch các công trình phục vụ công cộng mang hơi thở hiện đại.

Thực tế hiện nay cảnh quan hai bờ sông Hàn vẫn nhếch nhác, thiếu sự hài hòa, chưa tạo được điểm nhấn cho TP được mệnh danh là “TP của những cây cầu”.

Thực trạng quy hoạch cảnh quan, xây dựng các dự án ven sông Hàn hiện nay ra sao? Lộ trình quy hoạch, triển khai các giải pháp thiết kế được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?...

Những vấn đề này sẽ được các khách mời trong buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp quy hoạch cảnh quan sông Hàn - Đà Nẵng” tổ chức ngày 10-1 tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Đà Nẵng (số 9 Trần Phú, TP Đà Nẵng).

Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.

Tham dự tọa đàm có đại diện các sở ngành Đà Nẵng: Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị, Sở Du lịch, Sở Tài nguyên - môi trường cùng các chuyên gia đô thị, quy hoạch, văn hóa... và các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng bất động sản...

L.SƠN

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên