03/04/2018 14:47 GMT+7

Thay đổi góc nhìn ta sẽ khám phá ra điều kì diệu

NGUYỄN THỊ MAI LOAN
NGUYỄN THỊ MAI LOAN

TTO - Bất ngờ và phấn khởi là cảm giác đến ngay khi tôi được đọc đề thi văn chứa bài toán trên báo Tuổi Trẻ!

Thay đổi góc nhìn ta sẽ khám phá ra điều kì diệu - Ảnh 1.

Học sinh lớp 8 tham quan công viên 30-4

Tôi không hề dị ứng với kiểu ra đề này vì 2 năm trở lại đây (mỗi lần tập huấn chuyên môn văn) được nghe ThS Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM) triển khai các ý tưởng đầy tâm huyết. 

Thầy Thành trong đợt tập huấn gần nhất đã từng sôi nổi phát biểu: Các trường cần chú trọng nâng cao văn hóa đọc, đưa hoạt động này vào chiều sâu, tránh hình thức kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" làm theo phong trào. Từ 2018, tăng cường dạy văn theo hướng dạy kỹ năng - năng lực quan sát - cảm thụ. Tránh hàn lâm hóa kiến thức

Đến nay, trong tư cách thành viên Ban ra đề thi học sinh giỏi, thầy lại chia sẻ: "Một trong những kỹ năng mà học sinh cần đạt được khi học môn văn là năng lực khám phá các vấn đề của cuộc sống."

Chính tâm huyết và cách chuyên viên bộ môn "bật đèn xanh" mà các năm gần đây, bộ môn văn ở TP.HCM chúng ta đã có nhiều đổi mới rất đáng trân trọng. 

Khi người giáo viên được cởi trói (dù chưa toàn diện) tiết dạy sẽ không khô cứng, học thuật hàn lâm, mà trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Bản thân tôi dạy trên 20 năm, nghe chia sẻ từ chuyên viên, đã mạnh dạn đổi thay cách dạy: gom bài cho học sinh học theo chủ đề; đưa học sinh đến những trải nghiệm thực tế "Mở rộng không gian lớp học", "Tiết học không tường thư viện". 

Thay đổi góc nhìn ta sẽ khám phá ra điều kì diệu - Ảnh 2.

Tiết học Mở rộng không gian lớp học

Vừa rồi khi hướng dẫn học sinh thuyết minh về khu du lịch Đầm Sen, tôi nói với các em: đó chính là công trình thanh niên do chính thế hệ 7x, 8x của quận 6, 10, 11 đào ao, xây dựng nên. Điểm du lịch này là quyết tâm biến một "Công trình thanh niên" thành "Lá phổi xanh giữa lòng thành phố".

Học sinh lắng nghe đầy háo hức, có em còn vui vẻ: con sẽ về hỏi ba mẹ con coi hồi xưa có tham gia không. Vậy là Đầm Sen có mồ hôi của ba má tụi con trong đó! Và tôi thấy mình hạnh phúc khi được chia sẻ thực tế xung quanh vào bài học.

Khi trường tôi cho học sinh lớp 8 dã ngoại ở công viên 30/4, học sinh không thụ động theo những hướng dẫn khuôn mẫu từ giáo viên, mà từ gợi ý "mỗi điểm dừng là trải nghiệm yêu thương", các học sinh tự chia nhóm phỏng vấn các cô lao công quét dọn, chú tưới nước cây xanh về công việc của cô chú. Các con ghi hình những em bé đánh giày, cô bán hàng rong. 

Và bài thu hoạch khiến chúng tôi bất ngờ đến thích thú: đó là các con tự hình thành bộ khung thế nào là ứng xử có văn hóa nơi công cộng (không xả rác bừa bải, không chửi thề, không giẫm chân lên cỏ), có hay không văn hóa giao thông khi lái xe leo lề, vượt đèn, lạng lách, vừa đi xe vừa nghe điện thoại....

Ví dụ rất nhỏ thôi, nhưng tôi muốn nêu những việc làm cụ thể khi giáo viên chịu khó thay đổi tư duy trong giảng dạy, thật sự xem việc dạy kiến thức văn chương chính là kỹ năng cảm thụ tác phẩm và cảm nhận cuộc đời thường. 

Đây cũng là lý do tôi dám công khai thán phục đề thi học sinh giỏi vừa rồi. Bởi bằng chính đổi thay của mình và học trò, thầy trò tôi cũng đang góp phần chứng minh cho câu nhận định "đôi khi, chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị".

Thú vị với đề văn chứa bài toán

TTO - Nhiều giáo viên và học sinh lớp 9 ở TP.HCM đang truyền tay nhau đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn năm học 2017-2018. Câu 1 của đề thi bắt đầu bằng một bài toán.

NGUYỄN THỊ MAI LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên