Các xe chở nông sản Việt xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch bị ùn ứ tại cửa khẩu - Ảnh : N.A.
Phía Trung Quốc cũng áp hạn ngạch thuế quan và chỉ định cửa khẩu nhập với một số mặt hàng, như trái cây bắt buộc xuất qua Quảng Tây, Vân Nam... Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, tập trung xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, dẫn tới hàng bị ùn ứ, ép giá.
Ông TRẦN THANH HẢI (phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương)
Theo các chuyên gia, với các quy định mới này, Trung Quốc sẽ không còn được xem là thị trường "dễ tính" và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn làm ăn với thị trường này phải thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh, chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch thay vì "chăm chăm" xuất khẩu tiểu ngạch.
Tìm đường xuất khẩu chính ngạch
Có đầm nuôi tôm cao sản với quy mô gần 20ha tại Quảng Ninh, Công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu với sản lượng lớn, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo bà Đặng Thị Dịu - giám đốc Công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải, việc bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc thường được giá cao và chi phí bán hàng thấp nhưng rất rủi ro và bấp bênh bởi các thương lái này mua hàng kiểu "tùy hứng", chẳng có đơn hàng ổn định. Do đó, công ty bắt đầu tính đến việc tìm đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Tuy nhiên, theo bà Dịu, khi tìm hiểu các thủ tục nhập khẩu chính ngạch của thị trường này, công ty được phía đối tác đưa ra yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời phải đáp ứng các quy định mới về dán nhãn, bao gói hàng hóa theo đúng quy định.
"Khác với kiểu thuận mua vừa bán, thương lái thu gom và vận chuyển về nước theo đường tiểu ngạch, nếu muốn xuất khẩu chính ngạch, tới đây chúng tôi phải thay đổi toàn bộ quy trình nuôi, các quy định mới về đóng gói, bảo quản... Bù lại, đây là thị trường rất tiềm năng" - bà Dịu cho hay.
Cũng đang tìm cơ hội để xuất khẩu trái cây và gạo vào thị trường Trung Quốc, bà Phùng Thị Thu Hương - tổng giám đốc Công ty CP thương mại và xuất khẩu Green Path - cho biết do định vị chiến lược là thị trường cao cấp nên công ty phối hợp với nông dân xây dựng các vùng trồng chuyên canh lúa gạo và trái cây chất lượng cao. Bởi vậy, công ty tự tin sẽ gặp thuận lợi để vào thị trường Trung Quốc.
Theo bà Hương, nhiều DN thường quen với việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vì thấy thuận tiện hơn và không phải đáp ứng quy định, yêu cầu cao từ đối tác. Khi tiếp cận thị trường bằng con đường chính ngạch, DN cảm thấy khó khăn nên quay lại xuất khẩu tiểu ngạch.
Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang ngày càng bị thu hẹp bởi thị trường này đang siết lại các quy định.
"Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này có tiềm năng rất lớn, ít rủi ro và ổn định hơn bởi đây là thị trường lớn, gần Việt Nam nên rất thuận tiện logistics. Tuy nhiên, DN phải nâng cao năng lực, chấp nhận đầu tư nghiêm túc và thay đổi tập quán sản xuất kinh doanh" - bà Hương cho hay.
Quả thanh long được bày bán tại một siêu thị của Trung Quốc - Ảnh: THÀNH THỰC
Không còn là thị trường "dễ tính"
Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - cho biết dù hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 16,6 tỉ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hải, nguyên nhân là do từ giữa năm 2018, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động, thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu. Chẳng hạn, quả chuối xuất sang phải có hộp đóng gói đầy đủ, in nhãn bằng tiếng Trung, dưa hấu cũng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc...
Trong khi đó, ông Tô Ngọc Sơn - phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương - cho biết theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, từ ngày 1-10-2019, chính phủ nước này sẽ áp dụng quy định quản lý, giám sát ghi nhãn đối với bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra nhãn cũng như vấn đề an toàn vệ sinh với thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu.
"Với quy định này, nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trường hợp cơ quan hải quan thực hiện thẩm tra mà không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không được nhập khẩu" - ông Sơn nói.
Để kiểm tra, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ lấy mẫu kiểm tra xác suất tại hiện trường hoặc kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhà nhập khẩu cần cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện nhập khẩu, tài liệu gốc và bản dịch nhãn mác, mẫu nhãn mác tiếng Trung và các tài liệu khác cho nhân viên hải quan. Nếu nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng hoặc nghi ngờ vi phạm, cơ quan hải quan nước này cũng sẽ thẩm tra, xác minh.
Điều này đồng nghĩa DN xuất khẩu phải đáp ứng mọi quy định trên khi xuất hàng, đảm bảo nghĩa vụ về thủ tục và chất lượng sản phẩm để nhà nhập khẩu thực hiện tại Trung Quốc. "Như vậy, nếu muốn xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, các DN Việt Nam sẽ phải thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh, làm ăn bài bản hơn chứ không thể trông chờ vào sự "dễ tính" của thị trường này nữa" - ông Sơn nói.
Cơ quan chức năng kiểm tra trái cây xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: HỒNG NỤ
Phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh
Ông Nguyễn Tuấn Việt - giám đốc Công ty Vietgo, chuyên tư vấn DN xuất khẩu - ví von Trung Quốc như một "gã khổng lồ ăn khỏe" ngay bên cạnh Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam mỗi năm vào khoảng 3 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm đến 75%.
Theo ông Việt, so với các thị trường như Mỹ, EU hay Nhật Bản, thời gian qua Trung Quốc được xem là thị trường khá "dễ tính", tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm không cao như các thị trường khó tính khác. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng rất thuận tiện do thời gian vận chuyển ngắn, nhu cầu và thói quen tiêu dùng tương đồng, thanh toán thuận tiện...
Tuy nhiên, các DN chưa tận dụng hiệu quả để xuất khẩu vào thị trường này bởi nhiều DN Việt thường có tâm lý thích "khách sang" nên hầu hết đều dành những sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao cho các thị trường khó tính, cao cấp mà không mấy mặn mà với thị trường Trung Quốc. Với những sản phẩm cấp thấp, các DN chỉ "chăm chăm" xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc dù rủi ro rất cao.
Tại hội thảo phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - khẳng định Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Và nếu làm tốt, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được tại thị trường này bằng đường chính ngạch.
Do đó, cần phải thay đổi tư duy của nền sản xuất hàng hóa chưa cao như hiện nay bằng sản xuất hàng hóa tập trung hiện đại. "Tập trung giải quyết các khâu như thông tin thị trường, thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường chuỗi giá trị bằng chế biến hiện đại chứ không phải chỉ bán tươi, xây dựng thiết chế hạ tầng công nghệ hiện đại thúc đẩy xuất khẩu" - ông Cường khuyến cáo.
Chưa nhiều nông sản xuất khẩu chính ngạch
Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến nay mới có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, dưa hấu, mít, măng cụt.
Cũng theo bộ này, phía Việt Nam cũng đang ưu tiên đàm phán với Trung Quốc để được phép xuất khẩu chính ngạch với một số loại sản phẩm nông sản như sầu riêng, khoai lang tím, thạch đen. Một số quả khác đang gửi hồ sơ như chanh leo, bưởi, dừa, na, roi (mận) và xây dựng hồ sơ với quả bơ...
Theo bà Lê Hoàng Oanh, vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), việc xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua gặp nhiều rủi ro do tư duy và nhận thức của chính nhà xuất khẩu Việt Nam. Các DN xuất khẩu cho rằng thị trường này "dễ tính" nên không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm.
"Các DN cũng thường đưa hàng lên biên giới để chào bán, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, mà không chú trọng xuất chính ngạch, mở rộng sang các vùng khác nên khi thị trường này siết lại hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch, hàng hóa nông sản Việt Nam bị ùn ứ, phải bán tống bán tháo hoặc đổ bỏ. Do đó, đã đến lúc các DN thay đổi tư duy làm ăn, tập trung xuất khẩu sang thị trường này bằng đường chính ngạch" - bà Oanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận