09/08/2015 08:22 GMT+7

​Thay đổi để giữ chợ, hiệu tạp hóa

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
LÊ SƠN - DŨNG TUẤN

TT - Cửa hàng tạp hóa truyền thống, sạp chợ... ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ chân khách, do đâu?

Khách chọn mua hàng tại tiệm tạp hóa Thiên Anh (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) khuya 5-8. Để cạnh tranh và tồn tại, nhiều cửa hàng tạp hóa mở đến 2 - 3g sáng phục vụ khách - Ảnh: Lê Sơn

Cùng với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ, hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini... đua nhau mọc lên tại các đô thị lớn khiến cửa hàng tạp hóa truyền thống, sạp chợ... ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ chân khách. 

Không gian chật hẹp, dịch vụ đi kèm không có, chưa theo kịp xu thế người dùng mới là những lý do khiến cửa hàng truyền thống hay chợ đang bị thu hẹp thị phần. Nhiều cửa hàng và tiểu thương phải xoay xở thay đổi để tồn tại.

Không thể phủ nhận những dịch vụ đi kèm của cửa hàng tiện lợi, nên các cửa hàng tạp hóa buộc phải giảm lợi nhuận để giữ khách

Gồng mình chống chọi

Quá nửa đêm, anh Trần Văn Thơi (đường Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM) mới tan ca về nhà. Tấp vào cửa hàng Shop & Go trên đường Ngô Quyền, anh Thơi lựa nhanh vài ly mì, một lốc sữa mua về xài liền. Theo lời anh Thơi, do làm công nhân phải tăng ca thường xuyên nên về khuya thường vào mấy shop bán hàng ven đường mua hoặc ăn cho lẹ.

“Mắc hơn mấy tạp hóa ban ngày, được cái tiện, cũng sạch sẽ, lại ngồi ăn uống được. Quan trọng là họ bán nguyên đêm, mình mua giờ nào cũng được nên cũng hay mua” - anh Thơi cho biết.

Khảo sát trong bán kính chưa đầy 1km tại Q.Tân Bình có đến gần chục cửa hàng tiện ích, siêu thị mini của các thương hiệu B’mart, Circle K, C-Express, Vinmart... mọc ra trong hai năm gần đây với mặt hàng rất phong phú, được trưng bày ngăn nắp với quầy kệ, tủ chứa bảo quản, máy lạnh, bàn ghế cho khách ngồi đợi...

“Ngoài sự sạch sẽ và mát mẻ, có nhiều chương trình khuyến mãi, tôi chọn cửa hàng tiện ích vì có thể thoải mái dạo quanh, tự do lựa chọn sản phẩm ưa thích, đối chiếu giá cả, chất lượng từng mặt hàng mà không bị ánh mắt dò xét hay lời càm ràm “hỏi gì lắm thế?” của chủ tạp hóa” - chị Minh Huyền (Q.Phú Nhuận) cho hay.

Dù đã gần 11g đêm, cửa hàng tạp hóa của bà Vy trên đường Trần Văn Dư (P.13, Q.Tân Bình) vẫn còn sáng đèn, hàng hóa bày ra tới tận cửa để “săn” khách. Ngồi ngáp ngắn ngáp dài, bà Vy cho biết giờ có thức khuya cũng chẳng bù cho 3 - 4 năm trước bán không ngơi tay. “Hồi đó cả khu này có mình tui bán à, giờ thì chật vật, cửa hàng tiện ích vây quanh hết rồi” - bà Vy nói.

Theo bà Vy, sau nhiều năm không có “đối thủ”, chỉ trong vòng hai năm gần đây liên tiếp các cửa hàng tiện ích mọc ra với gần chục địa điểm nên cửa hàng của bà Vy trở nên ế ẩm hơn. Chỉ tay về phía trong cửa hàng tạp hóa rộng chừng 20m2 chất ngồn ngộn hàng hóa, bà Vy liệt kê có cả ngàn mặt hàng được bày bán không thiếu thứ gì, nhưng “vẫn không ăn thua các chú ạ!”.

Cách đó không xa, chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) mới đầu giờ chiều nhưng các sạp tạp hóa đã đóng im ỉm, không bóng người. Chị Hoàng Thị Thủy, tiểu thương còn sót lại tại chợ này buôn bán, kêu ca: “Chật vật lắm chú ơi, cửa hàng rồi cả chục, hàng trăm người bán “vây” quanh, may mà mình còn mối sỉ với khách quen”.

Phía bên ngoài cổng chợ, cách chừng hơn 100m đã có một cửa hàng tiện ích mọc ra. Đếm cả đoạn đường này có tới 3 - 4 cửa hàng tiện ích với đủ loại mặt hàng, phục vụ “tận răng” người tiêu dùng.

Chị Thu Hồng, tiểu thương chợ Rạch Ông (Q.8), cho biết qua từng năm khách của chị lại giảm chút ít. “Chục năm trước muốn mua sạp chợ chen chúc nhau mệt mỏi mới kiếm được, nay nhiều chợ treo biển sang sạp cả mấy tháng trời mà không ai ngó ngàng” - chị Hồng kể. Dạo quanh các chợ truyền thống hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất chính là cách chọn vị trí của các cửa hàng tiện ích. Để cạnh tranh trực tiếp, hầu như ngay gần cổng các chợ xuất hiện đủ loại cửa hàng tiện ích với rất nhiều mặt hàng, mở cửa gần như suốt ngày đêm.

Thay đổi để tồn tại

Anh Nhân Lương, chủ tạp hóa Thiên Anh trên đường Linh Đông (Q.Thủ Đức), cho biết để cạnh tranh, cửa hàng liên tục bỏ vốn, cập nhật hàng hóa mới, đa dạng mặt hàng. Từ card điện thoại đến cây kim sợi chỉ, pin tiểu, thậm chí cả đồ tiền, vàng mã cũng được đưa về cửa hàng phục vụ khách. Ngoài việc đảm bảo đa dạng nguồn hàng, các quầy kệ được anh đầu tư bài bản tạo sự ngăn nắp bắt mắt, đầu tư thêm gần 5 triệu đồng cho bảng hiệu, hệ thống đèn LED cho khách dễ nhận biết.

Thay vì đóng cửa sớm như thường nhật, cửa hàng thay phiên bố trí người trực bán đến 3g sáng mới đóng cửa. “Không thể phủ nhận những dịch vụ đi kèm của cửa hàng tiện lợi, nên các cửa hàng tạp hóa buộc phải giảm lợi nhuận để giữ khách. Có thể dễ dàng nhận thấy đa số mặt hàng của họ từ thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo... có mức giá cao hơn cửa hàng tạp hóa 500 - 2.000 đồng” - anh Lương phân tích.

Ngoài ra, các chủ tạp hóa cho biết nhờ nắm rõ tâm lý khách hàng, chỉ cần xe máy khách dừng lại phải bố trí ngay người đón, hỏi thăm. Khách mua nhiều lần thì người bán phải nhớ rõ mặt hàng khách hay mua, có hàng mới thì tư vấn, phân tích cho họ biết những cải tiến mới so với cũ, thậm chí giúp họ phân biệt hàng thật - giả.

“Khá nhiều khách hàng nghe thông tin khăn giấy, băng vệ sinh, sữa, dầu ăn... giả, nhái nhưng không có cơ sở, chúng tôi chỉ tường tận cho khách để họ tránh mua nhầm, qua đó tạo niềm tin cho khách vì mình đã chặn hàng giả, nhái ngay từ đầu cho họ” - chị Hòa,  chủ  cửa tiệm tạp hóa trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình), cho hay.

Chị Hòa cho biết cái khó của các cửa tiệm tạp hóa là dù có giảm giá đến mức không còn lợi nhuận vẫn bị chê đắt, khác với cửa hàng tiện ích khách mua theo giá niêm yết. Do đó ngoài việc giảm giá thêm để giữ khách, các tiệm tạp hóa hiện giữ nguyên sản phẩm khuyến mãi cho khách chứ không dám “ăn bớt” như trước.

Nhiều cửa hàng tạp hóa lớn cũng ý thức hơn trong việc tuyển chọn nhân viên, huấn luyện nhân viên mới trong việc phục vụ khách theo kiểu “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”. Dù doanh số không tăng, thậm chí giảm, nhưng nhiều tiệm tạp hóa hiện cũng sắm thêm máy tính có trang bị phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp.

Trong khi đó thay vì ngồi chờ như trước, nhiều tiểu thương cũng bắt đầu chủ động tìm khách. Ông Hưng, chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp) - chủ sạp thịt tươi sống, cho biết: “Hôm nào có món gì “độc” là alô khách liền, khách ăn là mình chế biến, gói sạch sẽ đem đến tận nơi cho họ, chứ giờ họ bận rộn và lười biếng ra chợ lắm”. 

Tương tự, hơn một năm nay chị Thu Hương - tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) - cứ đến giờ trưa sẽ alô cho khách để “chào hàng” từ sườn xào đến ba rọi quay giòn... “Nhờ vậy mới giữ được khách mối, chứ không là bán không nổi đâu em ơi” - chị Hương nói.

Sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn

Theo khảo sát của Kantar World, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn chiếm 61% thị phần tại bốn thị trường lớn là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng, trong khi tỉ lệ này tại nông thôn là 77%. Cũng theo kết quả khảo sát này, các cửa hàng tạp hóa truyền thống có thế mạnh là ở vị trí gần nhà, giá cả tương đối rẻ, nhưng mặt hạn chế là số lượng chủng loại không đa dạng bằng các kênh khác.

Thời gian qua, sự cạnh tranh của các cửa hàng tạp hóa diễn ra chủ yếu với siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, chưa kể các tập đoàn bán lẻ như Aeon, Citimart, Vinamart và Lotte đang tiếp tục “bành trướng” cùng sự xuất hiện thêm nhiều nhà bán lẻ mới sẽ càng gây khó khăn hơn cho hệ thống cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Theo thống kê đến năm 2014, hệ thống Shop & Go có 130 cửa hàng và Co.op Food có 150 cửa hàng, dự kiến Ministop đạt 500 cửa hàng vào năm 2017, Circle K đạt con số 550 điểm mua sắm vào năm 2018, chưa kể nhà bán lẻ sắp vào VN là 7 Eleven cũng đặt kế hoạch mở 100 cửa hàng tiện ích trong ba năm đầu và đạt mức 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.

 

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên