26/11/2012 07:00 GMT+7

Thay đổi để giảm nạn vũ phu

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TT - Triển lãm “Nước mắt cười” đang diễn ra ở Hà Nội cho thấy bạo lực gia đình vẫn còn là chuyện bức xúc ở nước ta. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự thiếu hiểu biết của người trong cuộc.

Lkt414Qd.jpgPhóng to

Một bạn trẻ theo dõi hình ảnh trong triển lãm “Nước mắt cười” - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đáng lo ngại rằng do thiếu hiểu biết nên chính người phụ nữ nhiều khi lại tạo môi trường thuận lợi để một số ông chồng phát huy tính vũ phu của họ. Và điều này cần được thay đổi.

Hãy thôi cam chịu

Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và UNICEF về Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ từ năm 2006 đã cho thấy có tới 64% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 chấp nhận hành vi bạo lực của chồng với một trong năm lý do sau: vợ đi chơi mà không nói cho chồng biết, vợ bỏ bê con cái, vợ cãi lại chồng, vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng và vợ nấu thức ăn bị cháy. Kết quả này cho thấy cứ ba phụ nữ thì hai người đồng ý với việc chồng có quyền đánh vợ nếu người vợ có một trong năm khuyết điểm nói trên.

Vì thế, việc phòng chống bạo lực gia đình cần bắt đầu từ nâng cao nhận thức cho người chồng và cả chính người vợ, bởi sự thay đổi nhận thức thường có thể dẫn đến thay đổi thái độ và hành vi. Cần ưu tiên cho việc nâng cao nhận thức trước hết về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình và các quyền con người.

Trong tác động về nhận thức, cần lưu ý đến các đặc điểm về khu vực địa lý, về đặc trưng nhân khẩu học xã hội mà có phương thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ: những yếu tố ảnh hưởng đến sự thiếu hiểu biết bao gồm khu vực cư trú (nông thôn thiếu hiểu biết hơn đô thị, miền núi kém hiểu biết hơn đồng bằng), về trình độ học vấn (học vấn càng thấp càng dễ chấp nhận việc chồng đánh vợ).

Phụ nữ dân tộc thiểu số thường có tỉ lệ chấp nhận bạo lực của chồng cao hơn phụ nữ người Kinh. Người phụ nữ có độ tuổi càng cao càng dễ cam chịu mình có lỗi khi bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Vì nhóm tuổi càng cao càng chịu nhiều ảnh hưởng của quan niệm cũ về thân phận làm vợ và họ cũng ít có cơ hội được tiếp cận thông tin, giáo dục so với nhóm trẻ tuổi.

Một điều quan trọng nữa, nếu phụ nữ còn cam chịu thì rất khó giảm được các hành vi bạo lực gia đình. Cho nên bên cạnh việc nâng cao kiến thức về quyền, luật pháp cho phụ nữ, cũng cần trang bị cho họ kỹ năng phòng ngừa, tự vệ và khuyến khích phụ nữ tự tin, dũng cảm “phá vỡ sự im lặng” cố hữu, không còn là nô lệ theo kiểu suy nghĩ “xấu chàng, hổ ai”.

Điều chỉnh luật để khả thi

Năm trước, chúng tôi tiến hành khảo sát việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình tại bốn tỉnh, thành, trong đó có một xã thuộc ngoại thành TP.HCM, thấy rằng việc tuyên truyền, giới thiệu luật này trong dân cư còn hạn chế. Đáng chú ý rằng, việc thực hiện nghị định 110 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình rất khó khả thi.

Một trưởng công an xã cho biết trong năm đã ra quyết định xử phạt hành chính ba lần với một ông chồng bạo lực nhưng người này chẳng nộp phạt đồng nào (mỗi quyết định xử phạt với mức 1,5 triệu đồng). Với những ông chồng này, hành vi bạo lực gia đình không vì vậy mà giảm.

Thực tiễn này gợi ý rằng việc xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình có lẽ chỉ khả thi với những người có thu nhập trung bình. Mà nhóm người này thường có học vấn, có hiểu biết nên ít có hành vi bạo lực, nhóm này thường hiếm khi bị phạt hành chính. Trong khi nông dân nghèo, học vấn thấp, cuộc sống khó khăn thường dễ có chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong gia đình, từ đó nảy sinh hành vi bạo lực gia đình và dễ bị xử phạt hành chính. Nhưng với nông dân nghèo, ăn còn không đủ lấy đâu nộp phạt?

Mới hay nhận thức phòng chống bạo lực gia đình không chỉ từ những người trong cuộc, mà cả những người soạn thảo văn bản chính sách, luật pháp cũng cần có nhận thức đúng và phù hợp với thực tiễn, đặc điểm cộng đồng. Để Luật phòng chống bạo lực gia đình nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự đánh giá việc triển khai thực hiện luật này như thế nào, nếu chưa phù hợp cũng cần có điều chỉnh.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên