28/10/2015 09:24 GMT+7

Thay đổi cách làm du lịch, nông nghiệp

 TS VŨ NGỌC HOÀNG
TS VŨ NGỌC HOÀNG

TT- Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, vừa gửi đến báo Tuổi Trẻ bài viết sau đây.

Trồng rau bằng công nghệ thủy canh tại Nông trại Kim Bằng (Đà Lạt) cho thu nhập 5 tỉ đồng/ha/năm, trong khi trồng theo cách cũ tại Lâm Đồng chỉ cho thu nhập hơn 140 triệu đồng/ha/năm - Ảnh: Mai Vinh
Trồng rau bằng công nghệ thủy canh tại Nông trại Kim Bằng (Đà Lạt) cho thu nhập 5 tỉ đồng/ha/năm, trong khi trồng theo cách cũ tại Lâm Đồng chỉ cho thu nhập hơn 140 triệu đồng/ha/năm - Ảnh: Mai Vinh

Để đất nước có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, có nhiều việc quan trọng phải làm. Trong đó, lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển là loại công việc quan trọng hàng đầu.

Nước ta không ít lần đề ra các chiến lược phát triển, trong đó có xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Thậm chí đã viết đầy đủ và toàn diện, có những chỉ tiêu rất cụ thể, có cả những khẩu hiệu và chọn khâu đột phá.

Trong mấy chục năm nay, qua các kỳ đại hội và kế hoạch 5 năm, chúng ta đã xác định hàng chục ngành ưu tiên (mũi nhọn). Đến nay hỏi lại không rõ Việt Nam đang ưu tiên cho mũi nhọn nào và câu trả lời thường không thống nhất

Cần xem lại chiến lược phát triển

Từ thực tế 30 năm đổi mới, nay nhìn lại một cách nghiêm túc và thẳng thắn sẽ thấy có những vấn đề cần phải xem lại. Không thể nói chúng ta đã lựa chọn các chiến lược phát triển tốt rồi, cứ thế mà làm, không có gì phải nghĩ, phải bàn nữa.

Thử xem chúng ta đã có thứ hàng công nghiệp gì của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới? Hầu như chưa có gì đáng kể.

Trong mấy chục năm qua, qua các kỳ đại hội và kế hoạch năm năm, chúng ta đã từng lựa chọn nhiều ngành, sản phẩm khác nhau để phát triển như: công nghiệp nặng, ximăng, sắt thép, cơ khí, ôtô, đóng tàu, công nghiệp chế biến, các nhà máy mía đường, khai thác bôxit...

Đến nay có thể nói về cơ bản chưa có cái nào thành công để tham gia có thương hiệu với thị trường quốc tế. Không ít chương trình đã thất bại (như các nhà máy mía đường, nội địa hóa ôtô, đóng tàu thủy... chẳng hạn).

Ta nói Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng đến nay bình quân giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha rất thấp, thua xa so với những nước không có điều kiện bằng ta. Ta cũng nói Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch, nhưng du lịch của ta còn quá ít, thấp xa so với nhiều nước có điều kiện kém hơn ta nhiều.

Nguồn lao động chất lượng cao còn rất thiếu. Công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Thị trường trong nước bị mất dần, ta thua ngay ở sân nhà. Người Việt Nam phải đi làm thuê ngày càng nhiều, kể cả đi nước ngoài và ngay ở trong nước... Tình hình có đúng như thế không? Nếu đúng thì chiến lược phát triển của chúng ta không thể không có vấn đề.

Phân tích tình hình để suy nghĩ tìm hướng đi mới khả thi và hiệu quả hơn. Muốn tìm được hướng mới thì phải thảo luận thẳng thắn, dân chủ, nhiều người tham gia ý kiến, có phản biện, có tranh luận, lắng nghe nhau. Với tinh thần đó, tôi xin nêu một số ý kiến để các cơ quan liên quan và bạn đọc tham khảo.

Lợi thế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch...

Nước ta có những lợi thế đáng kể để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới; một nền nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm và dịch vụ) và một số ngành công nghiệp phụ trợ.

Nông nghiệp công nghệ cao ở các nước rất nhiều nơi đã đạt 3 - 4 tỉ đồng giá trị sản phẩm/ha, nhiều nơi khác đạt 20 tỉ đồng/ha, riêng Israel cao nhất đã đạt 60 tỉ đồng/ha, trong khi điều kiện của Israel khó khăn hơn ta rất nhiều.

Thực tế ở Việt Nam đã có một số nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm 1 - 3 tỉ đồng/ha, cá biệt có chỗ hơn 10 tỉ đồng/ha, nhưng còn quá ít những nơi như vậy.

Nếu Việt Nam đạt mức 1/10 của họ (20 tỉ/ha) thì chỉ cần 30% diện tích canh tác đã có thể đạt giá trị sản phẩm gấp 1,5 lần GDP của cả nước hiện nay. Lĩnh vực nông nghiệp có giá trị gia tăng khá, giải quyết được nhiều lao động, giảm bớt di dân ra thành phố và giảm ra nước ngoài làm ôsin...

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp; tổ chức tốt công tác thị trường, điều chỉnh chính sách đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu và có thể tự nguyện tích tụ để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; trên cơ sở của kinh tế hộ gia đình phát triển lên, vượt ra ngoài ranh giới của hộ, mà hình thành một cách tự nhiên các đơn vị kinh tế hợp tác nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Ngày nay trên thế giới du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao; được xem là sứ giả hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc.

Du lịch có giá trị gia tăng khá cao, còn tạo thu nhập xã hội gấp hơn hai lần so với doanh thu, các trung tâm du lịch ở thế giới và Việt Nam đều có mức sống cao hơn hẳn các vùng lân cận, ít ô nhiễm môi trường so với công nghiệp, thúc đẩy việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan làm cho đất nước đẹp hơn lên.

Du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác (khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, thương mại, may mặc thời trang, văn hóa dân tộc, sản xuất hàng mỹ nghệ, vận tải hành khách...).

Cứ mỗi việc làm trong ngành du lịch ước tính tạo ra hai việc làm cho các ngành khác. Ẩm thực là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng phát triển tốt.

Ta có nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền rất đa dạng, phong phú, có thể tạo thành “bếp ăn” hấp dẫn của thế giới, nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ “xuất khẩu tại chỗ”, vòng quay của vốn nhanh, tỉ suất lợi nhuận cao. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ra về, khi hỏi họ thích món ăn gì của Việt Nam, họ trả lời rất thích món phở. Làm phở để bán cho khách đối với người Việt không phải là việc khó.

Để phát triển du lịch, nước ta cần mạnh dạn mở cửa, bỏ visa cho nhiều nước nữa, thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch ra quốc tế, quản lý và xây dựng môi trường du lịch tốt, tổ chức thêm các đường bay thẳng, kết nối các tour tuyến du lịch quốc tế để đón khách vào Việt Nam.

Phát triển du lịch, tạo việc làm cho hàng chục triệu người

Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho du lịch không quá khó, sử dụng lao động nhiều, gấp ba lần ngành tài chính, bốn lần ngành khai thác khoáng sản, sáu lần ngành sản xuất ôtô. Ở Việt Nam, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vậy mà đã sử dụng được 1,7 triệu lao động (năm 2013), nếu phát triển gấp 10 lần so với hiện nay (hoàn toàn khả thi) thì có thể sử dụng hàng chục triệu lao động.

Con số ấy thật có ý nghĩa khi Việt Nam đang còn nhiều lao động không có việc làm. Ngoài việc thu được kinh tế, du lịch còn thúc đẩy phát triển con người (do tiếp biến với các nền văn hóa khác nhau, với con người ở nhiều nước văn minh đến, chứ không phải tiếp xúc chủ yếu với máy móc như công nghiệp cơ khí).

__________

Kỳ tới: Đừng đi lòng vòng, tốn công sức

TS VŨ NGỌC HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên