Lê Thị Bích Hạnh - Ảnh cơ quan công an cung cấp |
Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội vừa thông báo tìm người bị hại liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương.
Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Lê Thị Bích Hạnh (32 tuổi, trú tại phố Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Vương Thúy Nga (40 tuổi, trú tại phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội danh trên.
Giả danh cán bộ bệnh viện để lừa đảo
Hai bị can này đã giả danh cán bộ Bệnh viện Phụ sản trung ương có khả năng xin việc, chạy biên chế vào cơ quan nhà nước, thông qua thủ đoạn này chiếm đoạt hơn 4,6 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.
Từ cuối năm 2013, Lê Thị Bích Hạnh đã làm quen với nhiều người, tự giới thiệu là y tá tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, có quan hệ rộng, có khả năng xin việc vào các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương và một số cơ quan công an trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hạnh đã gặp một người tên T. tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội và nói nếu ai có nhu cầu xin việc thì giới thiệu, chi phí là 300 triệu đồng/suất để vào các bệnh viện tuyến trung ương.
Để làm tin đối với các nạn nhân, Hạnh đã thuê Vương Thúy Nga đóng giả là cán bộ phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản trung ương khi gặp những người xin việc để hứa hẹn. Thậm chí các bị can còn cho người xin việc ký khống vào phiếu trả lời câu hỏi dự thi công chức và thu thêm của mỗi người 500.000 đồng lệ phí thi.
Sau thương vụ này, Hạnh đã chi trả cho Nga 4 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ Hạnh còn tự khắc một con dấu “điều dưỡng trung cấp”, một con dấu “Bộ Y tế - phòng cán bộ nhân sự” để sử dụng, đóng vào quyết định điều chuyển nhân sự để đưa cho người xin việc xem, tạo niềm tin đối với các nạn nhân.
Do tin tưởng nên anh T. đã giới thiệu 20 người và chuyển hồ sơ xin việc cho Hạnh, số tiền đã chi hơn 3,1 tỉ đồng.
Thấy lừa đảo dễ dàng, tách ra "làm ăn" riêng
Trong khi đó, Vương Thúy Nga sau khi thấy Hạnh kiếm được nhiều tiền cũng tính chuyện làm ăn riêng và đã giả danh cán bộ phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản trung ương để móc nối khách hàng.
Vương Thúy Nga - Ảnh: cơ quan công an cung cấp |
Do anh T. tin Nga là cán bộ bệnh viện, lại không phải qua trung gian và chi phí thấp hơn nên đã làm việc với Nga. Theo đó, Nga chỉ yêu cầu đặt cọc khi xin việc vào bệnh viện, ngành y tế từ 25-35 triệu đồng, xin vào công an tại Hà Nội đặt cọc từ 50-70 triệu đồng và xin học vào Học viện Cảnh sát là 150 triệu đồng.
Để tạo niềm tin, Nga đã thuê người giả mạo làm thứ trưởng Bộ Y tế, giả làm giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương... để trao đổi với anh T.. Thậm chí còn hứa hẹn giúp anh T. làm trợ lý một cục phó tại Bộ Y tế.
Sau đó, Nga thuê người làm giả 35 thẻ nhân viên tại các bệnh viện đưa cho anh T. chuyển cho các nạn nhân. Bằng thủ đoạn này, Nga đã nhận của anh T. 39 bộ hồ sơ xin việc và số tiền gần 1,5 tỉ đồng rồi bỏ trốn.
Khi cả hai bị can trên bỏ trốn, anh T. mới phát hiện mình bị lừa và rơi vào thế “lửa cháy hai đầu”, đã nhận hàng tỉ đồng của nhiều người nhưng không giải quyết được việc, bị đòi tiền. Do đó, anh T. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Ngày 19-11-2014, anh T. đã tìm được Vương Thúy Nga nên giữ và đưa đến cơ quan công an.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo xin việc của hai bị can trên.
Tại cơ quan công an, cả hai đã khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, riêng Lê Thị Bích Hạnh đã khắc phục hậu quả được hơn 1,66 tỉ đồng.
Số thẻ nhân viên y tế được làm giả để lừa đảo - Ảnh: cơ quan công an cung cấp |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận