16/11/2017 11:04 GMT+7

Thầy dạy chúng tôi: học 8, chơi 9, đoàn kết mới 10 điểm!

CAO VIỆT HƯNG
CAO VIỆT HƯNG

TTO - Tôi là đứa 'trẻ trâu' may mắn được gặp và đi theo thấy Võ Đức Chỉnh suốt ba năm phổ thông trung học, thầy vừa là bạn, vừa là anh mà cũng là cha nữa.

Thầy dạy chúng tôi: học 8, chơi 9, đoàn kết mới 10 điểm! - Ảnh 1.

Thầy Võ Đức Chỉnh hướng dẫn học trò thí nghiệm về sự phóng tia lửa điện trong không khí vào năm 2009 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Thầy Võ Đức Chỉnh làm chủ nhiệm suốt ba năm phổ thông trung học của cuộc thử thách " vượt vũ môn" đầu đời của chúng tôi.

Thang điểm chẳng giống ai!

Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước đó, đất nước nghèo gì đâu! Chúng tôi - những đứa trẻ của vùng quê nghèo phụ cận Cần Thơ, được thầy uốn nắn và rèn giũa.

23 tuổi đời, 1 năm 6 tháng tuổi nghề, thầy làm chủ nhiệm của một lớp có 43 đứa gồm cả "con ông cháu cha" lẫn những đứa rặt ri nông dân và tầng lớp cần lao.

Việc đầu tiên thầy làm, cũng là triết lý sống đầu tiên chúng tôi nhận được từ thầy, chính là xóa bỏ cái ranh giới tưởng là vô hình nhưng luôn hiện diện đậm đặc đó. 

Với thầy, học trò là học trò, không có học trò nghèo học trò giàu, con nhà gia thế hay nông dân rặt ròi. Tất cả đều bình đẳng, như nhau.

Thang điểm chủ nhiệm của thầy thuở đó đã thật sự khác biệt: học 8 điểm; chơi 9 điểm và đoàn kết đùm bọc sẻ chia mới là điểm 10 tuyệt đối.

Thầy gặp ngay chướng ngại. Người gièm pha, kẻ bĩu môi, và không thiếu những người đòi đánh giá lại cái thang điểm "không giống ai" đó.

Mặc kệ. Thầy cứ đi con đường của thầy. Như cách mà sau này thầy chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: "Chúng ta là một gia đình/Sống chân tình/Biết hi sinh/Luôn vượt qua chính mình!". 

Từng đứa một trong 43 đứa, thầy biết hết, hiểu hết nét ăn thói ở, biết cả cha mẹ anh chị, gia cảnh. Biết, để chia ra từng nhóm nhỏ, đứa có gia cảnh tốt đi chơi cùng đứa hoàn cảnh xấu, đứa học giỏi đi cùng đứa học dở.

Đi cùng, chơi cùng, từng nhóm nhỏ, như luôn luôn có sự hiện diện của thầy, sao cho cả 43 đứa, không đứa nào cảm thấy mình có hoàn cảnh khác, học lực khác. Mỗi ngày thắt chặt lại, những mảnh rời cuối cùng đã kết lại một khối, như thang điểm 10 tuyệt đối thầy đưa ra những ngày đầu.

A2 cái lớp kỳ quái, cái lớp náo nhiệt và cái lớp chất lượng trung bình ấy, bỗng nổi hẳn lên trong trường. Nổi theo cả hai cách tốt và xấu: học tốt hơn, đùm bọc chia sẻ nhiều hơn mà… nghịch phá cũng chẳng kém ai (thang điểm 9 cho việc chơi mà).

Nguyên lý làm người: tử tế và văn hóa

Thầy dạy chúng tôi: học 8, chơi 9, đoàn kết mới 10 điểm! - Ảnh 2.

Thầy Võ Đức Chỉnh thăm học trò năm 2014 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Tôi không bao giờ quên lời dạy của thầy những năm tháng đó: "Sự trưởng thành của các em là niềm vui của thầy, là hạnh phúc của nghề giáo. Các em thành đạt và định danh mình trên cuộc đời với tâm thế của người tử tế và có văn hóa, đó chính là câu trả lời tốt nhất cho thiên chức của thầy và của nhà trường".

Chúng tôi rồi vào đời, mỗi đứa một phương, mỗi người mỗi việc. Nhưng dù đi đâu, làm gì, chỗ chúng tôi về lại trong nhau chính là người đàn ông nhỏ thó, đôi chân không lành lặn với dáng đi khập khiễng nhưng nhanh nhẹn và đầy thương yêu.

43 thành viên của A2 thuở đó bao năm tháng đã qua đi, vẫn chung một gia đình với người Cha tuyệt vời đã đặt cho chúng tôi viên gạch đầu tiên làm người, dù thành công hay chưa. Viên gạch của sự tử tế!

A2 10 năm, A2 15 năm, A2 20 rồi A2 25 hay 30 năm, những cuộc họp lớp của bạn bè, dù có người giờ là lãnh đạo chủ chốt, quan chức đầu ngành của tỉnh này thành nọ, là doanh nhân thành đạt, là giáo sư, tiến sĩ… thì luôn luôn, chúng tôi là những đứa con trong một gia đình, với thầy là từ phụ nhưng cũng là nghiêm đường, văng vẳng lời dạy "sống sao cho tử tế" bên tai chúng tôi.

Mà đâu phải riêng chúng tôi, thế hệ A2 của cái hồi xưa đó xem thầy như cha. Tôi đã nhiều lần chứng kiến biết bao thế hệ học sinh may mắn đi đúng con đường thầy cầm tay dắt chúng tôi đi. 

Tôi đã không ít lần rơi nước mắt khi nhìn và nghe các em trước giờ rời trường sau lễ tốt nghiệp đồng thanh hô to tên thầy, đầy xúc động và hàm ơn thật lòng: "Tạm biệt cha, chúng con ra trường, xin nhớ mãi lời cha dặn".

Đi tiếp hành trình của thiên chức

"Xin cho con được gọi thầy là Cha" là tựa đề một bài báo trên Tuổi Trẻ số ra ngày 1-11-2009. Tôi đã đọc cho học trò tôi, những sinh viên cùng nghe và thấm thía vô cùng một điều: thiên chức không nằm ở chức vị hay danh xưng, mà nó nằm trong trái tim, trong hơi thở, trong Đức Hi sinh của một người thầy.

Tôi đang đi con đường của thầy: làm một người thầy cùng với công việc quản lý giáo dục. Trong hành trang tôi, đầy đặn và thôi thúc, là những bài học của thầy. Những bài học không chỉ thuần lý thuyết mà còn là thái độ sống, hành vi sống. Đó quả thực là một bảo bối tôi may mắn có được trong đời.

Đối diện với biết bao tình huống khó khăn trong cuộc đời và công việc, tôi luôn tìm được một thái độ ứng xử từ kim chỉ nam của thầy: tử tế - trách nhiệm - tình thương và năng lực.

Cả khi làm người quản lý, tôi cũng nhận từ thầy (nguyên hiệu trưởng trường chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ) những kiến thức hành xử và điều tiết công việc của người quản lý.

Thầy từng nói: "Là lãnh đạo mà hẹp hòi trong suy nghĩ, cảm tính trong giải quyết vấn đề thì ắt hẳn sẽ có nhiều khuất tất từ cấp dưới. Ưu ái người kém năng lực, thích nghe lời ngọt ngào thì ắt hẳn thiên vị và có nhiều điểm chủ quan trong xử lý. 

Khiêm tốn và biết lắng nghe, biết hi sinh những quyền lợi nhỏ bé mới mong có được những quan điểm chỉ đạo sát thực tế và có ích cho sự nghiệp giáo dục".

Những bài học đó, không tự nhiên tôi có được. Tôi may mắn vẫn còn có thầy ở bên cạnh. Nếu không, thất bại hẳn là điều không thể tránh khỏi...

Thầy ơi, đừng buồn!

Biết bao nhiêu học trò đã ra đi từ bến đò Võ Đức Chỉnh… Có bao nhiêu người thành đạt và có bao nhiêu người quay lại nhận lãnh thiên chức cao quý NGƯỜI THẦY?

Và rồi, ai, ai sẽ tiếp tục nối nghiệp của thầy?

Và sẽ còn có bao nhiêu học trò vẫn tâm huyết như thầy, dám nhận trách nhiệm, dám đột phá đi đầu, dám quên những quyền lợi riêng tư để lo cho công cuộc chung?

Vẫn còn đó những học trò phiến diện với cương vị của mình, dè dặt trước thầy, nghi ngại những câu chuyện thầy khởi xướng.

Có mấy ai dám đứng ra quyên góp học bổng cho học trò nghèo hiếu học từ những học trò thành đạt của mình, từ phụ huynh học sinh, từ những lần kỷ niệm họp lớp?

Còn có những lãnh đạo giáo dục nào dám bảo trợ cho học trò nghèo học giỏi và có ý chí suốt ba năm phổ thông trung học như thầy?

Có bao nhiêu hiệu trưởng dám tiên phong như thầy đưa các chuyên đề giáo dục giới tính và nhất là đưa các chuyên đề của giới tính thứ ba vào trường phổ thông học để bàn luận giữa học trò - phụ huynh và giáo viên một cách thấu đáo và đầy đủ ngọn ngành không?

Và có bao nhiêu lãnh đạo giáo dục ủng hộ nhiệt tình về những vấn đề này, hay họ sợ ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của mình mà không dám ủng hộ hay ủng hộ chiếu lệ ậm, ừ?

20-11 năm nay con lại nhận lãnh trách nhiệm tổ chức cho đội ngũ giảng viên của mình đón Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường.

Từ nơi xa, con gởi lời tri ân của con đến thầy, cho con được chúc thầy nhiều sức khỏe, có nhiều hơn nữa những nghĩa cử, những công việc có lợi cho học sinh, cho ngôi trường mà thầy trò ta đã gắn bó thời xa xưa: PTTH Nguyễn Việt Hồng.

Con còn nợ thầy một công việc tâm nguyện, đó là tượng đài anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Việt Hồng. Con hứa là con sẽ thực hiện cùng thầy và con vẫn duy trì học bổng trong quỹ học bổng học trò có hoàn cảnh khó khăn học giỏi của thầy.

Xin lỗi thầy vì 20-11 không có mặt con, nhưng thầy hãy tin rằng con mãi là học trò tử tế, có văn hóa, sống có trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, hết lòng vì học trò và vì thiên thức NGƯỜI THẦY.

CAO VIỆT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên