Trụ sở Sở NN - PTNT đang hoạt động tốt nhưng UBND tỉnh Gia Lai đề xuất đưa vào dãy nhà liên cơ quan mới với kinh phí xây dựng hơn 240 tỷ đồng. Đề xuất này đã bị HĐND tỉnh bác - Ảnh: T.B.D |
“Hiện nay đi xuống các địa phương thấy hệ thống trạm xá, trường học, trụ sở làm việc của xã rất xập xệ, nhiều nơi cán bộ, học sinh phải học trong điều kiện khó khăn. Liệu có quá lãng phí khi xây trụ sở liên cơ quan hoành tráng trong khi tỉnh đã có một trụ sở trước đó? Tôi đề nghị dành tiền này để xây trạm xá, trường học cho dân”.
Ông Đỗ Ngọc Thành - bí thư Huyện ủy Phú Thiện - đề nghị thẳng như vậy trong buổi thảo luận chung tại hội trường của kỳ họp đang diễn ra. Ý kiến của ông Thành cùng những phản ứng mạnh mẽ của các đại biểu khác đã được HĐND tỉnh Gia Lai lắng nghe.
Theo dõi kỳ họp HĐND cuối năm ở các địa phương, chúng ta thấy những ý kiến nói thẳng như vậy, thậm chí gay gắt, được đặt ra ở một số địa phương và rất được dư luận ủng hộ, làm cho các kỳ họp sôi động hẳn lên khi bàn về vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
Cũng tại Gia Lai, đại biểu Nguyễn Văn Thắng - phó Ban nội chính Tỉnh ủy - nêu đích danh tại hội trường chuyện giám đốc Sở Công thương Gia Lai sử dụng bằng giả, một lãnh đạo khác đã có sai phạm nhưng không những không bị xử lý mà còn được... khen thưởng rồi đề bạt lên vị trí cao hơn, hay lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Gia Lai đã được thanh tra xác định có sai phạm tài chính lên tới hàng tỉ đồng, thanh tra kết luận từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý.
Hoặc tại Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Quốc Bình - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Đà Nẵng - yêu cầu “cần phải chuyển qua cơ quan điều tra để làm rõ, phải xử lý nghiêm mới phát hiện chống tham nhũng được” khi ông chánh thanh tra trả lời không tìm ra được việc vượt thẩm quyền nên không xử lý trách nhiệm cá nhân trong vụ bố trí đất không đúng quy định...
Điều đáng tiếc là từ trước đến nay, người dân các địa phương nếu quan tâm đến hoạt động của các đại biểu dân cử thì chỉ chú ý những ý kiến của các đại biểu trên nghị trường Quốc hội.
Trong khi đó, các cuộc họp HĐND tại địa phương mình lại ít được người dân quan tâm, dù được phát thanh - truyền hình trực tiếp hay được báo chí đưa thông tin đầy đủ cũng bị dư luận nhiều nơi cho là “chán”.
Vì sao “chán”? Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là các “ông, bà hội đồng” không đưa những vấn đề an sinh bức xúc của dân ra trình bày để tìm cách giải quyết, không dám nói thẳng, không truy đến cùng vấn đề. Lý do không dám nói thẳng có phần do ngại đụng chạm, nể nang.
Mỗi kỳ họp HĐND kéo dài nhiều nhất chỉ ba ngày, những vấn đề của địa phương lại không được mang ra thảo luận thấu đáo, hoặc được đề cập nhưng không được nói thẳng, không đi đến cùng sự việc, nhiều đại biểu dự họp chỉ để giơ tay biểu quyết theo kiểu “nghị gật”... đã khiến người dân bàng quan với kỳ họp.
Mọi chính sách muốn thay đổi phải bắt đầu từ địa phương. Nếu không thay dân nói trong các kỳ họp thì chưa làm đúng vai trò của một đại biểu dân cử, còn nếu không nói quyết liệt, ngại đụng chạm khi gặp vấn đề mà dân cho là “nóng bỏng” thì chưa làm tròn trách nhiệm và người dân “chán”, không quan tâm hay không tin nữa là chuyện đương nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận