Gần đây, các nhà khoa học đã chỉ ra: Đàn ông không hề “bưng tai bịt mắt” trước mức độ lộn xộn - họ có thể thấy những thứ bừa bãi hệt như phụ nữ, chỉ là họ ít bị “hành xác” hơn nếu nhà cửa không sạch sẽ gọn gàng.
Bất bình đẳng trong khối lượng việc nhà
Một nghiên cứu năm 2018 đã xác nhận, các cặp đôi chia sẻ việc nhà thường hạnh phúc hơn, ít cãi vã và có đời sống tình dục thăng hoa hơn, trong khi đó tranh cãi về công việc nhà là lý do ly hôn của 1/4 gia đình Mỹ.
Dẫu thăng tiến về học vấn hay sự nghiệp, phụ nữ nói chung vẫn làm việc nhà nhiều hơn đàn ông. Trung bình một ngày chị em dành ra 80 phút nấu ăn, dọn dẹp và giặt ủi. Một phần ba số này dành cho dọn dẹp. Tuy nhiên, đàn ông chỉ mất có nửa tiếng để làm các công việc này, trong đó lau dọn chỉ chiếm đúng… 10 phút.
Kể cả khi công việc bận bịu hơn hay phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn, chênh lệch này vẫn rõ mồn một. Tại Thuỵ Điển, đất nước có chính sách ủng hộ bình đẳng giới mạnh mẽ, phụ nữ vẫn nai lưng làm việc nhà mỗi ngày nhiều gấp đôi đàn ông, trong khi vẫn có xu hướng có công việc việc toàn thời gian nhiều hơn phụ nữ các nước khác.
Cái nhìn giống nhau…
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phương pháp luận Xã hội học, các nhà khoa học của ĐH California và ĐH Melbourne đã yêu cầu 327 người đàn ông và 295 phụ nữ ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau đánh giá một bức ảnh gồm phòng khách và nhà bếp.
Một số người được yêu cầu đánh giá bức ảnh căn phòng bừa bộn - chén bát chưa rửa, áo quần chưa xếp - trong khi những người khác xem một phiên bản gọn gàng hơn của căn phòng ấy. Tất cả sau đó được yêu cầu chấm điểm xem căn phòng dơ và cần dọn dẹp “khẩn cấp” đến mức nào.
Khác với quan niệm phổ thông, đàn ông và phụ nữ nhìn thấy cùng một đống bê bối: cả hai giới đều đánh giá mức độ bẩn và sạch của căn phòng y như nhau.
Nhưng kỳ vọng khác nhau
Vậy nếu đàn ông không hề “mù quáng” về tình trạng lộn xộn, dơ bẩn trong nhà, tại sao phụ nữ vẫn làm việc nhà nhiều hơn đàn ông?
Có người nói rằng vì xã hội có những kỳ vọng khác nhau dành cho hai giới. Phụ nữ có thể bị đánh giá khắt khe hơn nếu ngôi nhà của họ không tươm tất, và vì ý thức được kỳ vọng này, họ có động lực để dọn dẹp nhiều hơn.
Trong nghiên cứu đề cập ở trên, thú vị thay, mọi người đánh giá những bức ảnh khác nhau dựa theo việc họ biết được đây là phòng của đàn ông hay phụ nữ. Khi nghe nói đây là phòng của cô A, những người tham gia thử nghiệm, cả nam lẫn nữ, đánh giá phòng dơ bẩn hơn và nhiều khả năng bị khách đến thăm nhận xét tiêu cực hơn cũng một căn phòng dơ y hệt, nhưng được nói là của anh B - một người đàn ông.
“Đàn ông lười nhớt thây”
Khi được đề nghị đánh giá tính cách chủ nhân căn phòng, tính cách của anh B lại bị chấm tiêu cực hơn cô A vì có một căn phòng lộn xộn, phản ánh một quan niệm phổ biến là “đàn ông lười nhớt thây”. Thế nhưng mọi người lại không cho rằng anh B sẽ chịu đựng đánh giá tiêu cực từ các vị khách nhiều hơn so với A, từ đó cho thấy quan niệm này không gây nhiều bất lợi cho đàn ông trong xã hội.
Cuối cùng, đa số mọi người vẫn tin là Jennifer nên chịu trách nhiệm chính trong việc dọn dẹp. Theo những người này, công việc nhà là “trách nhiệm” của phụ nữ nhiều hơn, bất chấp nghề nghiệp của cô ấy là gì.
Bớt phán xét sạch dơ
Nhìn chung, kỳ vọng về mức độ sạch sẽ, gọn gàng đối với phụ nữ cao hơn hẳn đàn ông, và như thế phụ nữ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn. Càng mất thời gian nhiều cho việc nhà, thời gian ngủ nghỉ, làm việc và giải trí của phụ nữ càng ít ỏi.
Một số phụ nữ sẽ chấp nhận tiêu chuẩn của xã hội, nhưng với nhiều người trong số họ, hành động dọn dẹp không hề xuất phát đam mê sạch sẽ, mà là từ nỗi sợ hãi bị người khác đánh giá.
Đây cũng là một trong những lý do khả dĩ giải thích việc nhiều quý cô hối hả dọn dẹp nhà cửa trước khi có khách đến thăm.
Tin vui là những kỳ vọng cổ hủ của xã hội vẫn có thể được thay đổi, bắt đầu từ việc chúng ta nên hạn chế phán xét tình trạng nhà cửa của người khác, và nhất là của… chính mình.
(Tổng hợp từ Livescience, DailyMail)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận