31/05/2018 11:58 GMT+7

Thầy cô nói trò không nghe, lỗi tại ai?

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG
NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG

TTO - 'Mình nói học trò không nghe là do lời nói của mình chưa đủ lực, chưa thấu tình đạt lý, mình chưa đủ đức để nói cho nó nghe chứ không phải tại nó', thầy tôi đúc kết.

Thầy cô nói trò không nghe, lỗi tại ai? - Ảnh 1.

Cô giáo ký tên lên áo học trò làm kỷ niệm trong lễ tri ân và trưởng thành của học sinh Trường THCS Kim Đồng, quận 5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Năm học kết thúc, đọc sổ liên lạc tiểu học của con thấy đầy lời yêu thương cô trò dành cho nhau. "Em thương cô lắm vì em biết cô cũng thương em", nghe thật xúc động. Có vẻ đây là cô giáo con quý nhất trong 3 năm gần đây. 

Nhớ năm ngoái, con cũng viết một đoạn chia tay cô, lời lẽ yêu thương lắm nhưng con khẳng định: con nói xạo đó, bà cô này tụi con chán lắm, vừa dữ lại cho bài khó. 

Chẳng biết do cô hay do trò hư, chỉ hay nghe con kể cô cứ gọi học sinh là mấy anh, mấy chị là nghe xa cách, không chút yêu thương.

Với học trò, thầy cô là cả bầu trời. Chỉ cần một lời khen, câu khích lệ là sẵn sàng thức đêm hôm học bài, làm bài hết sạch mới thôi, thậm chí còn xin cô thêm bài để làm. 

Học lớp 5, tôi miệt mài tìm sách đọc, ghi lại những đoạn văn hay làm tư liệu, viết lại các bài văn, bài thơ trong sách giáo khoa vì nghe cô nói làm vậy văn mới hay, chữ mới đẹp! 

Ngày xưa tôi còn nghĩ là cô lấy bài của mình để dạy lại cho đàn em nên cố tìm những ý hay nhất để viết. Giờ con cũng vừa hết lớp 5 mà sao kêu gọi con tự giác khó quá, mới ngẫm lại biết ơn cô giáo cũ, nhờ cô truyền cảm hứng chứ chẳng phải tôi tự có ý thức cao.

Ngồi cùng bạn bè ôn lại kỷ niệm, bọn tôi bao giờ cũng nhớ đến những thầy cô vào lớp với sự thoải mái, không quan trọng hóa vai trò của môn mình dạy cũng như không khoe khoang bản thân. 

Bọn tôi rất thích học tiết vật lý vì thầy vui tính, dạy dễ hiểu. Có lần muộn giờ vào tiết, thầy vờ ngạc nhiên nhìn chúng tôi: "Sao thầy vô trễ mà mấy đứa không về đi, ngồi đây chờ thầy làm gì, thầy không cho tụi bây nghỉ học được nhưng mấy đứa cho thầy nghỉ dạy được". 

Năm đó thi tốt nghiệp môn sinh nên đứa nào thi khối B được thầy cho nghỉ tiết vật lý, tranh thủ ôn bài vì không còn nhiều thời gian. Chúng tôi được nghỉ và chắc chắn sẽ mất một số bài.

Một số bài đó so với cả một cuộc đời thì có đáng gì, chắc gì đám bạn thi khối A còn nhớ những bài cuối năm 12, nhưng việc đó tạo cho chúng tôi sự thoải mái, thích thú hơn nữa đó là bài học đầu tiên về sự linh hoạt trong cuộc sống. 

Dù thầy thường nói học sinh học khối B cần gì học vật lý nhưng không ai trong chúng tôi coi thường môn thầy dạy, luôn học bài và làm bài đầy đủ.

Bẵng đi nhiều năm, nhân dịp Ngày hiến chương nhà giáo, gặp lại thầy, vẫn nét vui vẻ, cười đùa thuở nào. Thầy tâm sự: "Ngày xưa la rầy đứa học trò nào mà nó không nghe, thầy giận lắm, cho là nó hư hỏng.

Nhưng qua thời gian, thầy thấy rằng học trò nó không nghe mình là do lời nói của mình chưa đủ lực, chưa thấu tình đạt lý, mình chưa đủ đức để nói cho nó nghe chứ không phải tại nó". Chúng tôi tròn mắt, ai cũng nghĩ được như thầy học trò đỡ khổ quá. 

Nhiều năm sau, tình cờ nghe đoạn phát biểu của thầy nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường cũ mà học trò quay lại, đăng trên Facebook, tôi mới biết thầy đã nghỉ hưu vài năm rồi. 

Trước toàn thể giáo viên, thầy chân thành: "Thầy cô nên dỗ rồi mới dạy, dỗ học trò nghe lời mình rồi thì mình dạy gì nó mới nghe nấy. Chưa gì mình đã ra oai làm bọn nó sợ, nó ghét làm sao mà dạy nó được". 

Rồi thầy kể trường hợp một cô giáo bị học trò một lớp giỏi chống đối mà theo thầy biết là do cô "gây sự" trước. Học trò mà chống đối rồi là không làm gì được nó đâu. 

Thầy lại kể tiếp điều thầy nghiệm ra được mà theo thầy nói từ trước khi nghỉ hưu thầy đã thấy: "Việc học văn hóa là một phần trong cuộc đời học sinh, không phải là tất cả, nhà trường cũng vậy, việc dạy văn hóa cũng chỉ là một phần. 

Chúng ta không nên quan trọng hóa việc học tập để rồi thầy cô, học sinh, phụ huynh và cả xã hội đều mệt mỏi vì việc ấy". Phát biểu của thầy gây ấn tượng mạnh với tôi, tôi tâm đắc vô cùng.

Với học trò, nói thầy cô là cả bầu trời không quá chút nào. Học trò cần nhất sự khơi gợi, động viên, khích lệ, hiểu tâm lý, thay vì những lời giảng sáo rỗng hệt trong sách giáo khoa. 

Ước mong các học sinh có được thầy cô như thầy cô tôi để thấy được cuộc đời còn những điều quý giá, đáng trân trọng biết bao.

Thầy dạy chúng tôi: học 8, chơi 9, đoàn kết mới 10 điểm!

TTO - Tôi là đứa 'trẻ trâu' may mắn được gặp và đi theo thấy Võ Đức Chỉnh suốt ba năm phổ thông trung học, thầy vừa là bạn, vừa là anh mà cũng là cha nữa.

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên