11/11/2012 05:06 GMT+7

Thầy cô nói có, phụ huynh nói không!

Nhóm PV NST
Nhóm PV NST

TT - Đề nghị hạ tuổi thành niên từ 18 xuống 16 đã nhận được hai luồng ý kiến trái chiều giữa phụ huynh và thầy cô.

5nZ1diGu.jpgPhóng to
Sự trưởng thành của tuổi 16 được thể hiện ở khả năng xử lý tình huống, cách nhìn nhận, đánh giá và phân tích các vấn đề gặp phải trong cuộc sống - Ảnh: minh đức

Trong khi các thầy cô cho rằng việc công nhận tuổi 16 trưởng thành cũng đồng nghĩa trao cho các bạn trẻ quyền được khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội; thì các phụ huynh cho ý kiến: “Ở tuổi đó có chăng thì gọi là “ranh” thôi, chứ trưởng thành thì chưa đâu!”.

* Cô Ngô Thị Mộng Thu (giáo viên phụ trách phòng tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Nên công nhận để các em có động lực cố gắng

Tuổi 16 ngày nay rất khác trước. Xét về nhận thức, nhiều em đã rất chín chắn khi nhìn nhận về các vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội. Dù vậy, đa số các em vẫn không được cất lên tiếng nói, không được lắng nghe. Sự phủ nhận đó không những đụng đến lòng tự trọng mà còn làm tổn thương tình cảm của các em, khiến các em cảm thấy thừa thãi trong việc cùng cha mẹ giải quyết những vấn đề của gia đình.

Trong độ tuổi 16-18, học sinh đã nhận thức khá đầy đủ về chính mình và có nhu cầu khẳng định cái tôi độc lập, nhưng đại đa số vẫn chưa được tự quyết các vấn đề của bản thân, đặc biệt trong chuyện học hành, hướng nghiệp. Chính tâm lý ức chế khi bị kìm kẹp quá sát và không được lắng nghe, tôn trọng như một người đã thành niên là nguyên nhân dẫn đến việc các em có những biểu hiện tiêu cực như nổi loạn hoặc sống thu mình.

Tóm lại, việc công nhận tuổi 16 đã trưởng thành về mặt thể chất và có nhận thức đầy đủ là trả các em về đúng vị trí mà các em xứng đáng được tôn trọng, lắng nghe như một người thành niên. Dù các em vẫn thiếu hụt các kỹ năng giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm của người lớn, nhưng cũng nên công nhận để các em có động lực cố gắng hoàn thiện mình hơn.

* Bà Nguyễn Thị Minh Phượng (64 tuổi, nghỉ hưu):

Tuổi 16 còn thiếu bản lĩnh

Ngay từ khi đọc được thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Cá nhân tôi không ủng hộ đề xuất này bởi cách giáo dục của chúng ta không tập cho các cháu tính tự lập và tính biết chịu trách nhiệm từ khi còn bé. Tôi có thời gian sinh sống ở Đức trước khi trở về Việt Nam nên nhận thấy đây là nét khác biệt lớn giữa cách giáo dục trẻ ở nước mình so với các nước phương Tây. Nhìn chung, một đứa trẻ 16 tuổi ở nước ta tuy xét về tuổi là không còn nhỏ nữa nhưng các cháu vẫn chưa trưởng thành. Cách giáo dục của ta còn bảo bọc các cháu nhiều quá. Phong trào dạy kỹ năng sống nổi lên vài năm gần đây nếu xem xét kỹ lại chỉ là những phép sống, những điều giáo dục công dân bình thường nhất mà các thế hệ trước đều biết.

Tôi rất hiểu bức xúc của thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ khi đưa ra đề xuất này vì “sự kiện Lê Văn Luyện”, nhưng không vì thế mà chúng ta hạ tuổi thành niên xuống. Tuổi 16 ở ta các cháu còn rất thiếu bản lĩnh!

* Thầy Nguyễn Văn Cải (hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM):

Trao thêm quyền để gắn liền với trách nhiệm

Ở tuổi 16, cần trao cho các em những quyền cơ bản của một công dân trưởng thành để các em khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Gắn liền với quyền là nghĩa vụ, trách nhiệm với chính mình, trước pháp luật của một công dân trưởng thành.

Tuy nhiên, để đảm bảo tuổi 16 là “thành niên”, cần rà soát lại việc quan tâm, định hướng của gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương dành cho các em trước 16 tuổi ra sao. Cần trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết, các bài học làm người thực thụ, các kiến thức pháp luật cơ bản và quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm của một công dân trưởng thành. Đặc biệt, nhóm bạn trẻ gần 16 tuổi cá biệt “có vấn đề” về nhận thức và hành vi thì phải được đặc biệt quan tâm, chia sẻ và giúp họ tiến bộ trước khi đủ 16 tuổi. Làm được điều đó, tôi nghĩ xã hội sẽ mạnh dạn công nhận tuổi 16 đã thành niên.

Ngược lại, nếu chúng ta vẫn xem tuổi 16 là vị thành niên thì cũng nên trao cho các em một số quyền và nghĩa vụ cơ bản; đưa vào các luật có liên quan những quy định ràng buộc phần nào quyền và trách nhiệm của các em.

* Nguyễn Ngọc Long (43 tuổi, bác sĩ):

Lứa tuổi này đã qua tuổi vị thành niên

Con trẻ bây giờ sống trong thời đại thông tin bùng nổ, được tiếp cận với nhiều thông tin đa chiều, được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ nên cả tâm sinh lý đều phát triển sớm hơn thế hệ chúng tôi. Trong thực tế, nhiều gia đình xung quanh tôi rất đau đầu vì giáo dục những đứa con ở cái tuổi dở dở ương ương này. Khi những bậc cha mẹ coi tụi nhỏ như trẻ con thì thường bị chúng chống đối bằng cách làm ngược lại những điều bố mẹ dặn; chúng bắt chước và soi xét cả những cư xử, hành động của người lớn. Nếu chúng ta bực mình vì con trẻ không nghe lời và trách phạt như những trẻ nhỏ thì việc giáo dục trẻ bị phản tác dụng rất lớn.

Có lẽ chúng ta cần coi lớp trẻ ở lứa tuổi này đã qua tuổi vị thành niên và trở thành những thanh niên thật sự. Chúng rất thích khẳng định mình và muốn mọi người xung quanh coi mình như một người lớn trong gia đình. Nếu người làm cha làm mẹ biết sát sao và quan tâm đến con, coi chúng như những người bạn, đề cao ý thức trách nhiệm của chúng đối với gia đình, cho con cái tham gia bàn luận những công việc gia đình (nếu có thể), phát huy tính tự lực, tự cường, tự làm chủ của các con thì rất tốt. Chúng ta cần nhìn con trẻ dưới góc độ của người đang tập làm người lớn thì sẽ giúp các con bước vào đời tốt hơn.

Nhóm PV NST
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên