11/11/2015 13:42 GMT+7

Thầy cô "mách nước" học trò dùng kênh khác thay Facebook

TÂM AN
TÂM AN

TTO - Khi các học sinh lên tiếng về việc hộp thư học đường bị hắt hủi, Facebook lên ngôi, một số thầy cô đã khẳng định dùng mạng xã hội không giải quyết được tất cả vấn đề.

Thầy Vũ Đại Hội trò chuyện với học sinh vào giờ ra chơi - Ảnh: Tâm An

Cô Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM) cho rằng việc học sinh lên mạng viết về thầy cô chẳng thể giải quyết được gì.

Uốn... tay nhiều lần trước khi gõ

"Vấn đề cốt lõi không được làm rõ, trở thành một vòng luẩn quẩn khép kín. Chẳng những không giải quyết được vấn đề, khi bị nhà trường phát hiện, các em còn rất dễ bị vi phạm nội quy “xúc phạm giáo viên” - cô Thu Ba chia sẻ.

Theo cô Thu Ba, các học sinh nên tự đặt câu hỏi: đăng lên mạng xã hội với mục đích gì? Chỉ để giải tỏa cảm xúc hay muốn đi đến cùng để giải quyết vấn đề?”...

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Vũ Đại Hội (giáo viên môn vật lý Trường THPT Võ Thị Sáu) cũng chia sẻ: “Ông bà ta có câu “khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”.

Khi các em viết lên mạng xã hội cũng cần phải…"uốn tay” nhiều lần trước khi gõ. Vì điều các em nhận được chỉ là vài lượt like ảo, vài lượt bình luận “hùa theo” nhưng hậu quả để lại thì vô cùng lớn. Sau này khi nhìn lại, các em sẽ thấy hối tiếc vì những gì mình viết với ý xúc phạm người khác".

Theo cô Trần Thúy An (hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM), dù trường không có quy định xử lý kỷ luật học sinh về việc “nói xấu giáo viên” trên mạng xã hội, nhưng từ năm 2015-2016 nhà trường đã đưa nội quy “cư xử có văn hóa trên mạng xã hội” vào sổ liên lạc của học sinh.

Cô Thúy An cho biết: “Nếu xét thấy học sinh có lời lẽ xúc phạm giáo viên, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm căn cứ theo nội quy nhà trường”.

Lá thư gởi thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: TTO

 

Xem thầy cô là... Facebook

Theo thầy Hội, việc học sinh lên mạng bày tỏ bức xúc về giáo viên có một phần trách nhiệm do giáo viên chưa xây dựng được lòng tin cho học sinh.

"Ở lớp tôi chủ nhiệm, tôi thường xuyên tâm sự cùng các em để hiểu được tâm tư, tình cảm và những bức xúc của các em. Từ đó, các em thường hỏi ý kiến của tôi trước khi làm việc gì đó” - thầy Hội nói.

Cô Thúy An cũng cho biết nhiều giáo viên nhà trường đã tạo tài khoản Facebook và các thầy cô cũng kết bạn với học trò để trao đổi tâm tình và quan sát. Nếu thấy học sinh nào đó bức xúc một việc gì, các thầy cô tìm hiểu, tư vấn ngay để giải tỏa. Cũng có khi trao đổi với đồng nghiệp của mình để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

“Việc các em có bức xúc là điều hết sức bình thường, vì ngay cả người lớn đôi khi cũng không hài lòng về người khác. Các em còn đang ở lứa tuổi mà phát ngôn và hành động chưa chín chắn, nên nhà trường không áp dụng những biện pháp kỷ luật quá nặng. Khi phát hiện học trò có tâm tư, các thầy cô thường chủ động nói chuyện và giải thích cho các em hiểu vấn đề, từ đó các em sẽ yêu thương và thông cảm cho thầy cô của mình”, cô Thúy An nói.

Nhu cầu giải quyết cảm xúc của học sinh là hợp lý, nhưng các em phải giải tỏa cảm xúc đúng chỗ để vấn đề cũng được giải quyết. Rất nhiều bạn nói rằng sợ ban giám hiệu, sợ thầy cô nên không dám chia sẻ. Các em nên nhớ các thầy cô là người hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho các em nên các em đừng ngại

Cô NGUYỄN THỊ THU BA

Cô Thu Ba “mách nước” là các bạn học sinh cần nên sáng suốt đánh giá vấn đề, vì không phải tự nhiên mà giáo viên la rầy học sinh. Nếu có chuyện gì khúc mắc, các bạn trao đổi qua giáo viên chủ nhiệm. Giả sử giáo viên chủ nhiệm không quan tâm thì vẫn còn phòng tâm lý luôn trực sẵn sàng. Hoặc nghiêm trọng hơn có thể lên gặp ban giám hiệu để trao đổi và bàn bạc phương án hiệu quả nhất.

Cách đây không lâu, Tuổi Trẻ đã đăng câu chuyện ở Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Trong 200 lá thư gởi thầy hiệu trưởng có thư viết: “Thầy ơi! Sao thầy không mở Facebook để em thông tin và chia sẻ với thầy?”.

Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Sơn trả lời học trò: “Các em hãy xem thầy chính là Facebook nhé, có thể gửi bất cứ thắc mắc gì đến hai cái “Facebook” của thầy (là hai hòm thư góp ý được gắn ngay lối cầu thang hai dãy nhà học). Bất cứ lúc nào thầy sẽ giải đáp”. 

Cũng vậy, thầy Hội cũng tâm sự: “Bức xúc mà không được giải tỏa, dần dần tích lại sẽ dễ gây ra các hành động còn tiêu cực hơn. Vì vậy chúng tôi quan niệm luôn đặt mình vào học sinh để hiểu hơn. Dù sao mình cũng từng trải qua lứa tuổi đó, không nên cứng nhắc áp dụng kỷ luật mà không quan tâm đến giá trị tinh thần của học sinh".

TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên