29/03/2012 08:02 GMT+7

Thầy cô ít gần gũi học trò

PHÚC ĐIỀN
PHÚC ĐIỀN

TT - Nhiều bạn vi phạm lỗi nhỏ bị trách mắng nặng nề, nhiều giờ sinh hoạt chủ nhiệm thành giờ xử phạt học sinh. Nhiều bạn chán nản buông xuôi chuyện học hành từ kiểu ứng xử lạnh lùng, khô khan của thầy cô mình.

T8XGk12X.jpgPhóng to
Học sinh Võ Thị Quỳnh Như, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, nói: “Học sinh cần được học những bài học về lòng yêu thương con người” - Ảnh: Q.V.

Những tâm tư nêu trên đã được nhiều học sinh giãi bày trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, đại diện Thành đoàn TP.HCM sáng 28-3.

Nguyễn Võ Năng Thức, 11B4 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hóc Môn, TP.HCM, nêu thực trạng: nhiều tiết sinh hoạt chủ nhiệm đã trở thành giờ thầy cô khiển trách. Nên thay vào đó bằng sự lắng nghe để hiểu học sinh (HS) đang gặp trắc trở gì trong học tập. Em mong thầy cô chủ nhiệm phải là người hiểu HS mình nhất.

Thầy cô xa cách quá

Lắng nghe học trò

Có đến 40 lượt HS bày tỏ ý kiến và đề xuất của mình tại buổi đối thoại giữa đại diện HS THPT TP.HCM và lãnh đạo Sở GD-ĐT. Hơn 60 vấn đề nêu ra xoay quanh chuyện quan hệ thầy trò trong trường THPT đang khô khan, lạnh lùng; chương trình học quá tải, không phù hợp, hoạt động thực nghiệm ứng dụng kiến thức giáo khoa hiếm hoi, chưa có nhiều hoạt động phong trào trong nhà trường thu hút được HS...

Thầy Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM, nói: từ những góp ý đối thoại thẳng thắn này, sắp tới các trường sẽ thường xuyên đối thoại để lắng nghe HS. Ít nhất mỗi học kỳ nên có những cuộc nói chuyện giữa ban giám hiệu với HS toàn trường.

Theo Thức, việc lơ là học tập của các bạn cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có khi vì nhà bạn có chuyện buồn hoặc cha mẹ ly hôn nên bạn không có tinh thần học tập. Thay vì chỉ có trách phạt, thầy cô nên tìm hiểu kỹ hơn để hiểu vì sao HS như vậy, các bạn đang buồn việc gì... Giờ sinh hoạt chủ nhiệm, thầy cô liệt kê những trường hợp bị điểm kém, các bạn phải chép phạt hoặc phải làm kiểm điểm mang về nhà cho cha mẹ ký tên trước khi nộp cho thầy cô. Hoặc có những cuộc họp phụ huynh biến thành dịp để cha mẹ nghe “mắng vốn” chuyện con mình... Việc này gây tâm lý ức chế đối với nhiều bạn.

Còn bạn Đàm Lê Quỳnh Giao, HS 10A12 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM, cho rằng: quan hệ thầy trò ở trường THPT xa lạ, ít gần gũi hơn so với THCS. “Một số thầy cô khi HS vi phạm lỗi nhỏ đã có những lời lẽ nặng nề, nhiều bạn cảm thấy mình bị xúc phạm.

Cần nhiều hơn nữa những buổi đối thoại thẳng thắn và tình cảm để HS bày tỏ tâm tư và thầy trò hiểu nhau hơn. Mong có những lời yêu thương, nhẹ nhàng để từ đó HS noi gương thầy cô mình có giao tiếp tốt hơn với bạn bè...”.

Bạn Giao dẫn chứng cho ý kiến của mình bằng câu chuyện ở một lớp 10. Đó là lớp chọn, gồm những HS có điểm đầu vào lớp 10 cao nhất trường. Ở đó có bạn không hiểu bài, xin được giảng lại, cô bực bội: “Tôi có giảng đến 10 năm nữa em cũng không hiểu được...”. Có bạn dưới điểm trung bình đã bị mắng: “Tôi không hiểu vì sao em được đặt chân vào lớp này, em không biết xấu hổ sao?”.

Bạn đó đã chia sẻ với bạn bè rằng bạn đã hết sức cố gắng nhưng có lẽ bạn chưa quen cách học THPT nên học chưa tốt được. Cũng có những thầy cô khác không trách mắng mà gần gũi, kèm cặp, thường xuyên gọi bạn làm bài tập, sửa bài cho bạn... Với những môn được thầy cô quan tâm, bạn chịu khó học hơn và kết quả cũng khá hơn. Cũng có trường hợp các bạn tìm cách gần gũi thầy cô, chủ yếu nhờ giảng lại bài vì trên lớp thời gian ít quá. Cô giảng lại sơ sơ, chưa kịp hiểu, cô khuyên về nhà tự tìm hiểu. Vậy là bạn cảm thấy hụt hẫng, lần sau không dám hỏi chuyện cô.

Phạm Hoàng Dung, HS Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, một trong những trường có nhiều HS trung bình, nêu tình huống: nhiều tiết học kiến thức quá nặng nề, nhiều bạn tiếp thu không kịp đâm chán, mất tập trung, nói chuyện trong giờ học. Thầy cô ghi tên các bạn vi phạm kỷ luật vào sổ đầu bài. Một số bạn học yếu bị ghi tên nhiều lần và thầy cô chủ nhiệm cứ xem theo đó bắt viết bài phạt, rồi hạ đạo đức...

Có bạn bức xúc bày tỏ: bạn cũng muốn học tốt hơn nhưng bị thầy cô xử lý nhiều lần thành ra tâm lý muốn buông xuôi, không học. Bạn mong ước tiết chủ nhiệm thay vì thầy cô la mắng thành gần gũi hơn với học sinh. Bạn cũng mong có thêm nhiều giờ học với cách dạy mới, không khí lớp sôi động, các bạn sẽ tập trung học tốt hơn. Thầy cô cần hiểu và lưu tâm hơn tới những bạn yếu kém, không tập trung. Và cần có thêm nhiều phương pháp đối thoại để các bạn bày tỏ.

“Đặt hàng” cùng thầy cô

Bạn Năng Thức ước mong có nhiều thầy cô như cô Dung, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10 của mình: cô luôn lắng nghe, thấu hiểu học trò. Cô dành thời gian nhắn tin, nói chuyện điện thoại, trò chuyện, viết thư, kể cả đi uống cà phê với học trò để lắng nghe và tâm sự với học trò mình...

Nguyễn Ánh Minh, 12A2 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, kể một câu chuyện ở lớp mình: “Đầu năm, đó là một trong những lớp quậy nhất trường. Nhiều bạn đi học mang theo dao, kéo... Cứ nhìn thấy bạn nào “khó ưa” là đánh. Một bạn nam ẩu đả nghiêm trọng với bạn lớp khác có mang theo cả dao. Cô chủ nhiệm đã đứng ra xin cho bạn không bị kỷ luật ở trường, cô chỉ kiểm điểm bạn tại lớp. Sau đó, bạn tái phạm, lại đánh một bạn trong lớp, cô không nổi giận mà nhẹ nhàng khuyên bảo. Trước sự mềm mỏng của cô, bạn vừa lo âu vừa ngạc nhiên không hiểu vì sao cô không đề nghị mang bạn ra kỷ luật trước toàn trường. Bạn suy nghĩ và đã thay đổi nhanh chóng, không còn đánh nhau nữa.

Góp ý kiến tại cuộc nói chuyện, bạn Võ Thị Quỳnh Như, Trường THPT Lê Quý Đôn, bày tỏ về sự thờ ơ của nhiều người lớn. Theo bạn, HS cần nhiều hơn nữa những cuộc đối thoại về vấn đề yêu thương con người, và rất muốn học về tình yêu thương ấy trong nhà trường.

Nâng cao hoạt động Đoàn, Đội trong trường học

Đó là nội dung chính của buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với 150 trợ lý thanh niên, tổng phụ trách Đội tiêu biểu trên địa bàn TP diễn ra chiều 28-3. Những thủ lĩnh Đoàn, Đội đã chia sẻ khó khăn trong công tác giáo dục học sinh, tập hợp thanh thiếu niên tham gia các chương trình ngoại khóa...

Thông qua buổi đối thoại, nhiều hiến kế đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động Đoàn, Đội trong trường học như tổ chức các sân chơi thiết thực gắn liền với hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng mềm để thu hút đông đảo học sinh tham gia; mở phòng tư vấn và diễn đàn để thông tin, giải đáp những thắc mắc của học sinh; đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách hoạt động Đoàn, Đội...

* Tin bài liên quan:

Đau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7Vì sao 3 học sinh "chết cùng nhau"?

PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên