Võ Thanh Tùng đăng ký dự thi ở năm cự ly: ba cự ly bơi tự do 50m, 100m (sở trường) và 200m cùng 50m ngửa và 50m bướm. Ở cự ly đầu tiên 200m tự do chiều 19-10, Tùng đoạt HCB.
Đối thủ thắng Tùng là một VĐV Myanmar. Tại Nay Pyi Taw (Myanmar), VĐV này cũng đã qua mặt Tùng để đoạt HCV. Nhưng đến Incheon, các chuyên gia của tiểu ban thương tật giám sát trên khán đài đã mời VĐV này lên kiểm tra lại và kết luận nhóm thương tật của VĐV này là S6 (nhóm S5 nặng hơn nhóm S6). Vì vậy kết quả của VĐV Myanmar này bị hủy và Tùng nhận HCV.
Cự ly bơi thứ hai của Tùng là 50m ngửa. Cuộc đua của Tùng với VĐV người Malaysia và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh khốc liệt đến nghẹt thở. Tới khoảng 30m, VĐV Malaysia có vẻ vượt lên, trong 10m tiếp theo dường như VĐV Trung Quốc có ưu thế. Nhưng bằng nước rút tuyệt vời cuối cùng, Tùng đã đoạt HCV khi vượt hơn đối thủ chỉ 28% giây, Chiều 21-10, Thanh Tùng đoạt tiếp HCV ở cự ly 100m tự do. Đây là chiếc HCV thứ ba của Tùng tại Incheon. Với hai cự ly còn lại, có thể Tùng sẽ lấy thêm HCV. Nhưng với 3 HCV hiện có, Tùng đã trở thành một câu chuyện.
Thật ra, Tùng không xa lạ với thể thao khuyết tật thành tích cao. Tùng chính là một trong ba VĐV có HCV tại Asian Para Games 2010 ở Quảng Châu. Năm 2012, tại Paralympic ở London, Tùng chỉ về thứ sáu do bị chấn thương vai.
HLV Đổng Quốc Cường tâm sự: “Lúc ấy tại mình vội quá. Vì gắng nâng thành tích nên cường độ huấn luyện hơi nặng. Nhưng ở năm nay thì tất cả đều phù hợp nên Tùng sung sức và thành tích tăng đều”. Trong lứa tuyển thủ bơi lội tài năng của VN những năm 1950-1960, Đổng Quốc Cường là người duy nhất còn lại trên vũ đài, tiếp tục cống hiến, tiếp tục thành công trong vai trò HLV. Anh Phạm Ngọc Sơn, giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Tân Bình (TP.HCM), cái nôi thể thao người khuyết tật phía Nam, kể: “Từ ngày có thầy Cường, chúng ta mới bắt đầu có thành tích cao trong môn bơi lội”. Các huy chương trong môn bơi tại Incheon lần này đa số đều do học trò thầy Cường đem về”.
Trước khi đi Incheon, thầy Cường nói với Tùng: “Em có HCV, thầy sẽ tặng em cái xe máy của thầy”. Tùng đùa với thầy: “Xe của thầy cũ và nát quá rồi”. Thầy sẵn sàng thay đổi: “Thì mỗi HCV 10 triệu đồng”. Đồng ý. Có HCV đầu tiên, Tùng cười nói với anh Sơn: “Thầy ơi, thầy nhắc hộ thầy Cường vụ cá độ nhe”. Nghe cứ như chuyện đùa, nhưng anh Sơn bảo: “Ông Cường cho thiệt đó. Trong kiểm tra huấn luyện, ông ấy giao chỉ tiêu và nếu ai vượt qua là thưởng liền. Cứ 500.000 đồng đều đều”. Không phải chỉ là thưởng nóng, mà là nóng bỏng.
Gặp anh Cường ở nhà ăn, người viết hỏi: “Sao rồi anh? Tùng bơi thế này thì khéo anh phá sản mất”. Anh đáp: “Học trò đoạt huy chương thì mình mừng chứ sao”. Sau cặp kính lại là đôi mắt cười lấp láy. Rồi anh trầm giọng tâm sự: “Mình xưa là đứa trẻ nghèo ở hồ Bảy Mẫu, Hà Nội và bơi giỏi nhờ... đi bắt trộm cá hồ. Nhưng có lúc bị bắt, bị lôi về đồn. Rồi bị tịch thu quần đùi, cứ thế mà nhông nhông chạy về nhà. Bây giờ làm huấn luyện, lúc nào cũng chỉ thấy thương học trò. Chúng nó được thêm tí gì là mừng thêm tí đó”.
Những ngày Incheon, thêm hiểu rõ một điều: tấm lòng của người làm thể thao khuyết tật đặc biệt lắm. Vừa bao la, vừa thăm thẳm.
Quy trình khám, xếp loại thương tật
Việc khám thương tật cho mỗi VĐV mất trung bình một giờ, cả khám trên cạn, cả khám dưới nước. Không chỉ khám tĩnh VĐV, còn phải khám động trong các tư thế ứng với động tác bơi. Nhiều VĐV có kinh nghiệm khéo giấu khả năng vận động của mình để vào nhóm thương tật nặng hơn nhằm giành lợi thế thi đấu. Nhưng khi vào thi đấu, tất cả sẽ bộc lộ hết và chuyên gia giám sát trên khán đài sẽ chỉ đích danh VĐV bị nghi ngờ để kiểm tra lại và kết luận tại chỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận