Song song với việc học văn hóa phổ thông, tôi xin cho Cương vào sinh hoạt với đội vẽ của Câu lạc bộ Thiếu nhi TP Hà Nội.
Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Ở đây Cương được học vẽ với họa sĩ Thẩm Đức Tụ, họa sĩ Đinh Trọng Khang. Theo nền nếp sinh hoạt ở Câu lạc bộ Thiếu nhi, các em thường gọi các thầy bằng anh xưng em theo tình cảm thân thương, trìu mến của các anh chị phụ trách với các em thiếu nhi, nhưng thật ra đây là hai người thầy đầu tiên hướng Cương đến với hội họa một cách hồn nhiên, trong sáng và thật sự ham thích.
Càng học lên đến các lớp trên, Cương càng thể hiện sự đam mê hội họa nhiều hơn. Năm 1978 tôi xin cho Cương vào học lớp họa của thầy Phạm Viết Song ở 13 Thuyền Quang (Hà Nội), được thầy Song nhận dạy tôi rất yên tâm và Cương cũng rất phấn khởi. Hằng ngày Cương tự giác lo làm bài, học bài đầy đủ, sắp xếp công việc nhà như xách nước, lau nhà, rửa ấm chén, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, đấy là những việc Cương được phân công giúp mẹ. Bao giờ Cương cũng làm tươm tất rồi để thì giờ miệt mài với hộp màu và cặp vẽ, tuần nào cũng chăm chắm chờ đến buổi học vẽ với thầy Song.
Còn tôi vào những ngày nghỉ lễ thường đến thăm thầy, lần nào thầy cũng niềm nở đón tiếp và lần nào cũng cho tôi biết những thông tin vắn tắt về tình hình học tập của Cương. Chẳng hạn có lần thầy bảo: “Cương có năng khiếu thật sự... Cương có cá tính”. Có lần thầy lại bảo: “Tôi cảm thấy Cương rất chăm chú nghe thầy giảng nhưng đến khi xem bài của Cương lại thấy cháu vẽ theo ý nó, tôi thích lắm, tôi không giận em đâu, tôi cũng thích các em phải có những sáng tạo riêng”.
Tôi lo lắng nói với thầy Song: “Trăm sự nhờ thầy dạy bảo cháu...”. Thầy Song ngắt lời tôi: “Tôi thấy phụ huynh quan tâm đến việc học của con em như thế này tôi quý lắm”.
Những ngày nghỉ tết đã qua đi, Cương lại quần áo chỉnh tề cắp cặp vẽ đến học thầy Song. Hôm ấy vào ngày 12 tháng giêng năm Bính Thân (1980), Cương chào mẹ để đi học, nhưng chỉ đi một tiếng đã thấy về. Tôi hỏi:
- Hôm nay chưa học hả con?
- Thầy bảo con không nên học thầy nữa, về bảo mẹ đến thầy nói chuyện.
Tôi lo sợ hỏi:
- Sao lại thế, con có làm điều gì phật ý thầy không?
Cương buồn bã trả lời:
- Con chẳng biết, thầy thu bài của cả lớp xong gọi con vào phòng làm việc của thầy và bảo vậy...
Tôi gặng hỏi:
- Có đúng thế không?
- Đúng ạ, thầy còn dặn con thỉnh thoảng cứ đến chơi với thầy với các bạn nhé.
Tôi bỏ hết mọi việc nhà vội vã đến gặp thầy. Vẫn với thái độ niềm nở đón tiếp, thầy mời tôi ngồi xuống ghế trước bàn làm việc, thầy nói.
- Chị ạ! Tôi theo dõi những bài vẽ gần đây của Cương thấy cháu thể hiện cá tính rất rõ rệt, nó vẽ lạ quá. Tôi thấy tôi không nên dạy cháu nữa thì tốt hơn cho cháu.
Tôi lo lắng nhìn thầy:
- Tôi rất quý trọng và tin tưởng thầy, xin được thầy dạy cháu tôi rất yên tâm, nay thầy lại không nhận dạy cháu nữa thì tôi biết cho cháu học ai bây giờ?
Thầy Song nói giọng quả quyết:
- Theo tôi, chị không nên cho cháu học ai cả... Chúng ta không nên làm hại nó.
Thầy Song nâng tấm kính mặt bàn rút ra hai bức vẽ của Cương đưa tôi xem, thầy nói:
- Chị xem này! Tôi ra cho cả lớp một đề tài vẽ “Thiếu nhi đi chơi vườn hoa” mà Cương vẽ thế này thì lạ quá... Thôi chị cứ yên tâm tạo điều kiện để cháu tự phát triển theo ý của cháu.
Tiễn tôi ra cửa thầy lại dặn: “Thỉnh thoảng chị cứ qua chơi với tôi, chúng ta vẫn là bạn bè mà”. Được thầy Song dặn dò ân cần như thế, nhưng trên đường về tôi vẫn chưa hết hoang mang lo lắng. Về đến nhà tôi thấy Cương cùng bác Hưng (thi sĩ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng lúc đó là hàng xóm nhà tôi ở phòng 201- C4 khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) đang rải những bài vẽ của Cương ở lớp thầy Song ra xem. Thấy tôi về, bác Hưng hỏi ngay: “Sao, cô có gặp được ông Song không? Lý do làm sao ông ấy không dạy thằng bé này nữa...”.
Tôi vừa mệt vừa buồn trả lời: “Không phải là thầy không dạy mà thầy nói là: Thầy không nên dạy Cương nữa thì tốt cho Cương hơn...”. Tôi mang toàn bộ câu chuyện vừa trao đổi với thầy Song kể lại cho bác Hưng và Cương nghe. Nghe xong bác Hưng lặng đi một phút rồi bác giơ bàn tay ra trước mặt nói lớn:
- Một người thầy đầy nhân cách, một nhân cách lớn!
Bác hỏi tôi: “Có phải ý thầy là không nên uốn nắn nó, không nên làm hại nó phải không?”. Rồi bác quay sang hỏi Cương: “Thằng học trò bé nhỏ kia, cháu có biết thầy cháu thương lo cho cháu như thế nào không?”.
Bác Hưng đưa hai tay ra sắp lại tất cả các bức vẽ của Cương đang rải dưới chiếu bảo Cương: “Cháu phải coi đây là những tác phẩm của cháu, cháu phải học thầy cháu đấy, phải biết nâng niu giá trị của sáng tạo”. Rồi bác ôm vai Cương nói: “Bác mừng cho con đã gặp được một người thầy có nhân cách lớn, mẹ con con phải biết ơn thầy đấy!”
Đúng như vậy, 35 năm đã qua đi, Cương đã không phụ lòng thầy. Học trò của thầy đã trở thành họa sĩ Lê Thiết Cương. Thầy đã đi xa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận