29/03/2024 08:57 GMT+7

'Thấy bạn trẻ Nhật đến nhà mình nhặt rác, khi ấy mặt tôi có cảm giác như bị dày lên'

Từ câu chuyện mắt thấy tai nghe, nhà báo Huy Thọ hỏi: Bạn nghĩ gì khi vào một ngày đẹp trời, có mấy người hàng xóm bỗng dưng vào ngôi nhà của bạn và họ cặm cụi nhặt rác làm sạch cho nhà mình?

`

Cậu bé Nikki 12 tuổi đến từ Nhật Bản đang lượm rác sáng chủ nhật 24-3 - Ảnh: HUY THỌ

Cậu bé Nikki 12 tuổi đến từ Nhật Bản đang lượm rác sáng chủ nhật 24-3 - Ảnh: HUY THỌ

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta tốt hơn cũng như nâng cao ý thức người dân, chuyên mục BẠN ĐỌC LÀM BÁO giới thiệu góc nhìn của ông.

Chúng ta hay nói những điều to tát, nhưng những điều đơn giản nhất thì không làm được, đến độ các bạn nhỏ từ Nhật sang nhặt rác giùm!

"Bạn nghĩ gì khi vào một ngày đẹp trời, có mấy người hàng xóm bỗng dưng vào ngôi nhà bẩn của bạn và họ cặm cụi nhặt rác làm sạch cho nhà mình?

Thực tế là chuyện người nước ngoài đến TP.HCM cặm cụi nhặt rác là có thật!

Chủ nhật rồi, ra đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) trao giải cuộc thi Khoảnh khắc Tết, tôi đã bắt gặp một bạn nhỏ tay cầm túi ni lông, tay cầm chiếc gắp cặm cụi đi nhặt từng mẩu rác.

Cách đó vài chục mét là rất nhiều bạn trẻ Việt đang trà sữa lề đường, selfie sáng chủ nhật với vẻ đầy dửng dưng với rác quanh chân mình.

Chuyện này thì có lẽ không cần phải nói nhiều, vì đã có quá nhiều lời than phiền sau những lễ hội kiểu như đêm Noel, đêm giao thừa… thì bao giờ cũng có một bãi chiến trường rác để lại giữa trung tâm TP.HCM.

Sau giao thừa đủ các loại rác trên mặt đường, vỉa hè của công viên bến Bạch Đằng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sau giao thừa đủ các loại rác trên mặt đường, vỉa hè của công viên bến Bạch Đằng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trở lại câu chuyện một bạn nhỏ cặm cụi đi nhặt rác sáng chủ nhật nói trên, tôi lại bắt chuyện thì mới biết bạn nhỏ ấy tên Nikki, 12 tuổi, đến từ Nhật Bản. Bạn đi theo một chương trình thiện nguyện, như một khóa học.

Khi ấy, mặt tôi có cảm giác như bị dày lên.

Không xấu hổ sao được…

Nó y như cách đây hơn chục năm, khi trò chuyện với Emiko - một cô gái Nhật làm điều phối viên cho BAJ, tôi cũng mắc cỡ khi hỏi vì sao bạn đến Việt Nam xắn ống quần lội xuống kênh Lò Gốm nhặt rác?

Khi ấy, Emiko tỏ ra ngạc nhiên với câu hỏi lạ lùng này (với người Nhật, chứ với ta thì bình thường), và đáp: "Bọn em làm sạch cho Trái đất!".

Với họ, tầm nhìn không còn là quốc gia nữa, mà là toàn cầu. Giữ nhà sạch rồi. Giữ TP mình ở sạch rồi. Giữ quốc gia của mình sạch rồi, giờ là đi giữ cho Trái đất sạch sẽ.

Cũng hồi ấy, một lãnh đạo Đoàn nhờ tôi kết nối với BAJ để phối hợp làm các chương trình về môi trường. Tuy nhiên, họ cười ý nhị và bảo: "Tụi em làm không bằng Đoàn đâu. Tụi em không thể nào huy động được cả chục ngàn bạn trẻ vào ngày chủ nhật ra đường dọn rác…".

Nhưng, sau ngày chủ nhật ra quân thì đâu lại vào đấy.

Còn các dự án be bé của BAJ ở Huế thì tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ ngoài ấy, bạn nào vừa gỡ giấy kẹo xong thì cũng vừa đưa kẹo vào miệng vừa đảo mắt tìm thùng rác. Nếu không thấy thùng rác thì vo giấy kẹo lại bỏ vào túi quần! Emiko nói với tôi rằng: "Để các bạn nhỏ ở Huế có thói quen ấy, bọn em mất 8 năm đấy ạ!".

Chúng ta hay nói những điều to tát, nhưng những điều đơn giản nhất thì không làm được, đến độ các bạn nhỏ từ Nhật sang nhặt rác giùm!

Hồi này, rác có vẻ ngày càng nhiều hơn trên đường phố, khi mà dịch vụ foods ship phát triển quá dữ dội. Đi cùng sự phát triển này là ly nhựa, chén nhựa, ống hút nhựa… lên ngôi, từ thị trường đến rác thải bừa bãi.

Chúng ta đắm đuối với những sáng tạo kiểu ống hút gạo, ly từ bã mía… nhưng nó chỉ có giá trị trình diễn, bởi nó quá mắc so với đồ nhựa.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019, Việt Nam mạnh dạn tuyên bố đến năm 2025 Việt Nam không còn sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Từ nay đến năm 2025 chỉ còn 3 quý, mà đồ nhựa dùng 1 lần ngày càng nhiều, vứt bừa bãi ra đường ngày càng lắm…".

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có đồng ý với góc nhìn của tác giả?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến BẠN ĐỌC LÀM BÁO. Chúng tôi sẽ chọn lọc đăng tải ý kiến của bạn trong phần bình luận dưới bài viết. Trân trọng!

BAN BẠN ĐỌC

Sao cứ đi đến đâu xả rác đến đó?Sao cứ đi đến đâu xả rác đến đó?

Rác tràn ngập sau lễ hội, rác nổi lềnh bềnh trên kênh, rác chất thành đống ở góc đường, hè phố và bây giờ xả rác trên đường cao tốc… Vậy làm cách nào để thay đổi thói quen xấu xí này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên