TTCT - Là một cây bút trẻ (giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ tư - 2010), nghề nghiệp hiện tại là nhân viên truyền thông một hãng phim, bỗng dưng mới đây người ta gặp Đỗ Duy hằng ngày đi chợ ở một tỉnh xa trong vai trò... hậu cần. TTCT đã trao đổi với anh về cuộc “rẽ ngang” này. Phóng to Đỗ Duy cùng cô Kiếm trong tổ hậu cần - Ảnh nhân vật cung cấp Đỗ Duy: Tôi muốn kể nhất lúc này là chuyện đi cùng đoàn làm phim Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy. Có được công việc này, đầu tiên phải nhờ đến "sếp" Hồng Ánh. Chắc trên đời không có sếp nào dễ chịu và linh hoạt như chị Ánh. Ở Blue, công việc của tôi lẽ ra chỉ ở Sài Gòn và quanh quẩn bàn giấy, cà phê với các bạn phóng viên, thế mà xin đi theo đoàn phim trong hai tháng, làm công việc mới toanh là lo ăn uống, Ánh đồng ý ngay. Dĩ nhiên, cùng với tôi, trong "tổ ăn uống" còn có hai vợ chồng cô Kiếm, chú Công, những người có nhiều kinh nghiệm trong phục vụ ăn uống ở các đoàn văn công xưa; có chị Linh kế toán kiêm tổng quản công ty. Gặp được ba đồng đội này, tôi vừa an tâm, vừa hạnh phúc như có một gia đình mới. Những quan điểm sống mà người thành phố không bao giờ có... * Vì sao lại là "ăn uống" mà không phải một việc liên quan đến chữ nghĩa, ví dụ chụp ảnh, làm nhật ký đoàn phim? - Tôi muốn một trải nghiệm khác, làm thử một việc mình chưa bao giờ làm. Vả lại trong giai đoạn này tự nhiên chẳng muốn viết, muốn chụp gì nữa. Bình thường tôi cũng thích nấu ăn hơn là làm những việc kia. Khi đi ăn với mọi người chung công ty, tôi cũng thường là người quyết định giùm, nhanh gọn chọn món gì... Tôi nghĩ có vẻ hậu cần là việc hợp nhất với mình lúc này rồi, là việc mình có thể làm tốt nhất cho đoàn phim hơn là chữ nghĩa với hình ảnh. Nhiếp ảnh hiện trường cũng vui đấy, là việc vẫn giữ được thế giới riêng giữa tập thể, nhưng tôi không tự tin lắm sẽ "đảm bảo an toàn" được chất lượng hình ảnh. Tay nghề của tôi khi trồi khi sụt. * Ðoàn phim có bao nhiêu người? Phải lo bao nhiêu bữa một ngày? Một bữa cho đoàn làm phim phải là như thế nào? - Đoàn phim có hơn 50 người, có lúc lên đến 60 hoặc 80, tùy vào yêu cầu của cảnh quay. Không cố định phải lo bao nhiêu bữa trong một ngày vì còn tùy vào thời gian quay trong ngày thế nào, nhưng ít nhất cũng phải lo ăn một buổi, còn nhiều nhất lên đến năm buổi: ăn sáng + ăn trưa + ăn chiều + ăn tối + ăn khuya. Tiêu chí đầu tiên là phải no. Ngon là yếu tố thứ hai. Tiêu chí thức ăn "lạ" thì có phần hơi xa xỉ. * Có khẩu phần đặc biệt cho ai không? Ví dụ diễn viên chính khác diễn viên phụ? Người ăn kiêng, người cao huyết áp?... - Những ngày đầu tiên tôi cứ nghĩ hơn 60 con người này sẽ ăn cùng một món, vừa đỡ cực cho người nấu, vừa không có sự phân bì. Nhưng đi đến ba ngày mới biết có người lặng lẽ ăn cơm trắng với chuối vì không ăn được cá... Sau đó lên danh sách lại kỹ càng thì đoàn có một bạn Tây không ăn hải sản (bất ngờ chưa!), năm bạn tổ ánh sáng và một anh tài xế chỉ ăn thịt heo, một bạn bị tiểu đường mỗi ngày cần có khổ qua, khổ qua luộc, hay nước lá dứa đều cần. Lại có người trong hơn hai tháng đi quay phim chỉ toàn tự lo phần ăn uống cho mình vì ăn kiêng... * Vậy anh phân bổ công việc đi chợ, nấu nướng thế nào? - Trong bữa ăn sáng hoặc ăn trưa ngày hôm trước, phải coi kỹ lịch quay ngày hôm sau: bao nhiêu buổi, bao nhiêu người... Sau đó, cô Kiếm và tôi cùng lên thực đơn sẽ ăn gì, tính toán phải mua bao nhiêu... Hầu hết các bối cảnh quay ở Bình Thuận, ban đầu tôi nghĩ hải sản chắc sẽ thú vị, là khoái khẩu với những người từ Sài Gòn. Nhưng thật ra không phải vậy: rất nhiều người trong đoàn phải lao động chân tay, lại thường xuyên làm việc hơn tám tiếng một ngày nên thịt mới là thức ăn cần thiết muôn năm, luôn luôn phải có. Một bữa ăn có cá, có ốc, có gì đi nữa thì cuối cùng cũng phải có thịt. Thịt bò có vẻ hơi đắt đỏ, thịt gà có người ăn người không, thịt heo là một giải pháp có vẻ an toàn nhất cho người đi chợ. * Nhưng chẳng lẽ thịt heo mãi? - Vâng, đây chính là vấn đề. Từ thịt heo này bạn phải nghĩ ra một thực đơn thay đổi, biến hóa sao để mọi người không nhìn thấy bạn là đoán "Hôm nay lại thịt kho tàu phải không?". Có thực đơn rồi thì gọi điện, bàn bạc với đầu bếp (là người địa phương) xem thực đơn đó có ổn không, họ có nấu được những món đó trong mức kinh phí mà mình đưa ra không. Rồi sáng sớm hôm sau, người nấu bếp sẽ đi chợ mua thực phẩm chính, tôi cũng đi chợ nhưng là để mua trái cây, rau và thức ăn lặt vặt (chè, bánh ngọt, bánh mặn...). Đi chợ cũng là để coi giá cả và có thức gì ngon, nhắm nhe trước để còn về bàn bạc cho ngày hôm sau. Sau đó thì đến nhà người nấu bếp, phụ một tay trong những việc lặt vặt (vì họ không phải là người nấu ăn chuyên nghiệp, vốn chỉ quen nấu cho gia đình 3-4 người một ngày), cũng là để đảm bảo thức ăn được chế biến kỹ, vệ sinh. Có lẽ những lúc như thế là vui nhất, tôi hiểu được thêm nếp sinh hoạt của một gia đình địa phương, được gắn bó với một gia đình như một thành viên, cùng chuẩn bị cho bữa ăn chung, lại ghi được ngôn ngữ địa phương và quan điểm sống mà người thành phố không bao giờ có... Đến khi ra hiện trường, thức ăn được đưa sẵn vào khay, gọn gàng, mọi người cứ thế tự phục vụ thôi. * Cực nhất là bữa ăn nào? - Chính là bữa ăn khuya. Những bữa đó mới đúng là cực nhọc. Hầu như không ai nhận nấu lúc 2-3 giờ sáng. Mặt khác, không thể cứ ăn mãi bánh mì, bánh bao... quá khô khan. Khuya, cần một cái gì đó nuốt dễ trôi hơn, giờ đó vừa mệt vừa buồn ngủ. Nhưng có lẽ tôi phải nhận tội với cả đoàn phim về những bữa ăn khuya ấy, vì cứ tương hết mì gói đến cháo gói, đến hủ tiếu gói... Thỉnh thoảng có bánh chưng, bánh giò, nhưng chắc là ngán. * Vì sao các bạn không nấu sẵn một nồi cháo trắng, có nhân để sẵn, đến khuya là bỏ vào? Hay một nồi xúp to, đêm ăn với bánh mì? - Đã bàn hết rồi, nhưng cuối cùng, theo kinh nghiệm của cô Kiếm, cái bếp gas nhỏ không làm được việc ấy. Đến nỗi bánh canh là món đặc sản của Phan Thiết cũng phải để mọi người tự đi ăn chứ không nấu vào bữa khuya được là vì vậy. Nấu từ chiều bánh sẽ nở ra, còn nếu tối mới nấu thì một nồi to trên bếp gas bé sẽ rất lâu, nguy cơ cao, lại quay toàn ở vùng khô, gió nhiều. Ở Tuy Phong gió cuốn được cả người đi... Có lẽ chúng tôi cũng là "tổ ăn uống amateur" nên không có những dụng cụ chuyên nghiệp như bếp gas lớn một chút. Lần sau thì nhất định là phải có. Nói chung là lỗi tại tôi mà mọi người ăn khuya khổ. May hầu như không có ai than gì. Thấy mì gói là như được trở về với gia đình. Nhất là chị Hồng Ánh, có thể hoàn toàn ăn mì gói trong hai tháng trừ cơm cũng không sao. Phóng to “Tổ ăn uống amateur” của đoàn làm phim Đường đua - Ảnh nhân vật cung cấp Làm việc nào thấy vui và có ích thì làm * Anh có thích công việc này nhất thời, như kiểu người viết văn thích trải nghiệm cái lạ không? Nếu giao thêm một lần nữa anh có đi không? - Từ trước tới nay tôi vẫn thích cả hai việc sau: được nhìn người khác ăn ngon và bản thân mình được tiếp xúc thật gần với một vùng đất. Tôi thấy quan trọng nhất không phải là viết hay là thực phẩm mà là vui. Làm gì thấy vui và có ích thì làm. Nếu việc lo ăn uống khiến mình thành có ích hơn là viết văn thì sao lại không đi làm? Nhìn lại, tôi thấy vui khi mình đã lặn lội hai tháng trời với trong đầu chỉ toàn ý nghĩ "ngày mai cho họ ăn gì?", chứ không phải trăn trở "mình sẽ viết gì?". Tôi có nói với chị Hồng Ánh, lần sau em sẽ đi tiếp. Và có bỏ nhỏ: nhưng tốt nhất là một phim được quay ở địa phương khác. * Nếu đi lần sau, anh có thể cho năm gạch đầu dòng những điều cần tránh và năm gạch đầu dòng những điều cần làm không? - Năm điều cần làm trước nhé: + Rà soát kỹ những khẩu phần đặc biệt. + Chuẩn bị lương khô đa dạng, phòng bất kỳ lúc nào cũng có người bị đói. + Phải đi khảo sát trước để biết bối cảnh mà mình sẽ phải "chinh chiến". Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, tìm ra một người nấu ăn ngon, vệ sinh, trong kinh phí có hạn của đoàn là một việc mất nhiều thời gian và công sức, phải làm trước. + Phải có những dụng cụ tối thiểu của nhà bếp: nồi, chén, đũa, muỗng... (nên sử dụng lại), bình đun nước siêu tốc là cứu tinh, quan trọng vô cùng, và nhất định là phải có bếp gas (to). + Uống quan trọng ngang ngửa với ăn. Tìm nguồn nước sinh hoạt (tại hiện trường), tính toán kỹ lưỡng số nước uống tại hiện trường (căn cứ vào số cảnh quay, thời gian quay, địa điểm quay) sẽ khiến bạn tự tin để lo chuyện ăn. Tốt nhất là trong tổ ăn uống nên có một "chủ tịch nước", chỉ lo và lo thật tốt chuyện này. * Còn năm điều nên tránh? - Cần tránh: + Chủ quan trước những cái tưởng "dễ ăn" (như cá, hải sản...). + Không cần nấu nướng cầu kỳ, vì hầu như mọi người chẳng có thời gian cảm nhận cho sâu đậm. Chỉ cần no, ngon, vệ sinh. + Không nên có bao nhiêu người chỉ nấu bấy nhiêu suất. Nên chuẩn bị dư ra 2-3 phần cơm/bữa, phòng có người đói muốn ăn thêm. + Không nên quá tha thiết với canh, nhưng nhất định phải có rau sống, rửa một rổ thật sạch, thật nhiều, vừa làm mát mắt vừa giúp mọi người ăn ngon, đỡ ngán. + Không nên vì quá "để ý" ai mà thiên vị lộ liễu (cho thêm thịt cá chẳng hạn), bạn sẽ bị cả đoàn phát hiện mà ghép đôi từ đầu đến cuối phim. * Khi nào phim Ðường đua sẽ ra mắt? - Cái này thì tôi chưa nói được. Tôi chỉ biết các bữa ăn theo nghĩa đen đã kết thúc, và món ăn tinh thần thì chưa dọn ra thôi. * Cảm ơn anh rất nhiều. AN BÀNG thực hiện Tags: Văn học tuổi 20Nhân vậtĐỖ DUYCây bút trẻ
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.