Yêu cầu sửa biểu giá bán lẻ điện đưa ra cách đây hơn một năm, xuất phát từ bức xúc của người dân về chuyện hóa đơn tiền điện tăng đột biến và từ yêu cầu quản lý ngành phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Vậy mà chờ đợi hơn một năm, dự thảo phương án sửa đổi đưa ra lại gây khá nhiều thất vọng cho cả người dân và giới chuyên gia. Bộ Công thương đưa ra các biểu giá với mức cơ cấu tỉ lệ quá cao, không thấy rõ lợi ích cho đại đa số người dân.
Ngay cả Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận cơ chế điện một giá đang "đánh đồng" các hộ tiêu dùng, không thỏa mãn nguyên tắc trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội.
"Việc tồn tại hai phương án là vô lý, méo mó, đi ngược nhau" - vì vậy bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu rút phương án điện một giá để tập trung sửa đổi biểu giá 5 bậc thang theo hướng đảm bảo tính khả thi cao hơn.
Điện là mặt hàng đặc thù khi sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, không thể lưu trữ. Trong cơ cấu sản xuất điện hiện nay các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỉ lệ lớn, đều là tài nguyên không tái tạo được nên cần thiết sử dụng điện hiệu quả. Nhiều quốc gia trên thế giới khi xây dựng chính sách giá điện cũng ưu tiên mục tiêu này.
Do đó, cơ chế giá cần thỏa mãn cho nhu cầu sử dụng điện của người dân, tránh bù chéo giá điện, nhưng trong bối cảnh thiếu điện thì ưu tiên hàng đầu vẫn là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo tài chính cho ngành điện để có nguồn tái đầu tư, gắn với chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp…
Tất nhiên, rất khó để có biểu giá điện làm hài lòng tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là Bộ Công thương đang ưu tiên cho mục tiêu nào, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người thu nhập thấp, đa số người sử dụng điện ra sao, để cân đối lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Mục tiêu là làm sao khi đưa ra biểu giá bán lẻ, đa số khách hàng chấp nhận, giá điện có tính cạnh tranh để thu hút được nhà đầu tư, đảm bảo sự bền vững trong cơ chế điều hành giá.
Về lâu dài, để tránh những bức xúc của người dân về giá điện, không những sớm sửa nhanh để áp dụng biểu giá mới mà cần tăng vai trò các cơ quan đại diện quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, các kiểm tra viên điện lực, tăng thêm kênh tiếp nhận để người tiêu dùng phản ảnh những bất cập về hóa đơn tiền điện.
Đặc biệt, để người dân có quyền được thỏa thuận giá bán lẻ điện với đơn vị bán lẻ điện mà không có sự can thiệp của Nhà nước, Bộ Công thương cần nhanh chóng thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình triển khai từ năm 2023 với những nền tảng pháp lý, công cụ và chính sách đầy đủ để đảm bảo cho vận hành thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận