24/07/2024 12:18 GMT+7

Thắt và gỡ đều phải kịp thời

Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có gần 17.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Trong đó, Hà Nội có 4.672 người bị hoãn xuất cảnh, còn TP.HCM có 2.766 người.

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục thuế TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục thuế TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Con số được Tổng cục Thuế công bố khiến cho nhiều người giật mình đặt câu hỏi: Có khi nào mình cũng rơi vào danh sách bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế mà không biết?

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thu hồi nợ thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Đây cũng là biện pháp cảnh báo cho các đối tượng nợ thuế khác phải nộp thuế đầy đủ để không bị tạm hoãn xuất cảnh.

Theo quy định, trước khi gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan thuế phải rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân đó.

Đồng thời phải gửi thông báo cho người nộp thuế biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường hợp nào cơ quan thuế cũng có thể liên hệ được với người bị tạm hoãn xuất cảnh.

Có trường hợp cơ quan thuế gửi thư thông báo nhưng bưu điện trả về, khi đó cơ quan thuế sẽ niêm yết danh sách ở cơ quan thuế. Nhưng giải pháp này xem ra không hiệu quả do thông tin không đến kịp thời với người nộp thuế.

Vì thế có những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng ra đến sân bay mới biết. Thậm chí nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế số tiền chưa đến 1 triệu đồng…

Trong khi theo quy trình hiện nay phải chậm nhất hai ngày làm việc kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế thì lệnh tạm hoãn xuất cảnh mới được tháo gỡ. Khi đó, họ đã lỡ công lỡ việc.

Đầu tháng 6 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh thành tổng hợp, rà soát lại toàn bộ các thông báo tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đã được ban hành và đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của các cục thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tra cứu thông tin.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những giải pháp hợp lý để người nộp thuế có thể chủ động tra cứu thông tin của mình để sớm phát hiện nợ thuế.

Trong trường hợp khoản nợ đó là đúng, cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp có thể chủ động hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình. Trường hợp bị khai khống thu nhập cũng có thể nhanh chóng khiếu nại lên cơ quan thuế để sớm được tháo gỡ.

Vừa qua sau khi cơ quan thuế triển khai ứng dụng eTax-Mobile, rất nhiều cá nhân đã có thể tự tra cứu thông tin và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Qua đó cũng có nhiều vụ việc doanh nghiệp khai khống chi phí tiền lương, tiền công đã bị phanh phui.

Ngoài giải pháp trên, theo các chuyên gia thuế, một giải pháp căn cơ hơn mà ngành thuế cần thực hiện ngay đó là liên thông dữ liệu với cơ quan xuất nhập cảnh để có thể tháo gỡ ngay lệnh tạm hoãn xuất nhập cảnh tại hải quan cho những trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Như vậy, ngành thuế thu được thuế mà người nộp thuế cũng không rơi vào cảnh nộp thuế rồi nhưng vẫn lỡ công lỡ việc vì lệnh ngăn chặn không được tháo gỡ kịp thời.

Hơn thế, ngành thuế "vừa thu được thuế mà cũng thu được lòng dân" đúng theo phương châm mà ngành thuế đã đặt ra.

Làm sao biết mình nợ thuế và hoãn xuất cảnh?Làm sao biết mình nợ thuế và hoãn xuất cảnh?

Các trường hợp nợ thuế như thế nào sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh? Cá nhân nợ thuế vài triệu đồng có bị tạm hoãn xuất cảnh không? Làm thế nào để người nộp thuế biết mình có nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh hay không?...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên