13/12/2013 00:56 GMT+7

Thất thoát và lãng phí tràn lan

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Ngày 12-12, nhiều vấn đề “nóng” của năm 2013 đã được đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang chất vấn, yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan giải trình. Trong đó có việc buông lỏng quản lý tài nguyên cát sông, án xử xong bị hủy nhiều, công trình kém chất lượng...

RTqrDe0j.jpgPhóng to
Khai thác cát trên sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: Vân Trường

Khai thác 10, khai báo thuế 1

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang, chất vấn UBND tỉnh về tình trạng buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn hiện nay. Ông nói khai thác cát lậu, trái phép diễn ra tràn lan không ngăn chặn được. Còn các doanh nghiệp được cấp phép khai thác thì cơ quan chức năng cũng không quản lý được sản lượng khai thác thực tế của họ dẫn đến thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tiền Giang đã bầu ông Lê Văn Nghĩa (52 tuổi, bí thư Huyện ủy Gò Công Đông) làm phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với 61,4% số phiếu đồng ý. Ngoài ra HĐND tỉnh cũng phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đối với ông Lê Văn Hưởng do ông được Ban thường vụ Tỉnh ủy điều động làm bí thư Huyện ủy Gò Công Đông.

Ông Thắng dẫn chứng: “Qua công tác thanh tra, chúng tôi phát hiện có doanh nghiệp được cấp phép khai thác 1 triệu m3 cát, nhưng khai báo để nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chỉ có 91.000m3, tức là chưa được 10% sản lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy tỉnh chỉ thu được khoảng 20% thuế tài nguyên từ hoạt động khai thác cát, thất thoát tới 80%”. Ông đề nghị UBND tỉnh phải có giải pháp khắc phục tình trạng này và đánh giá tác hại môi trường của việc khai thác cát sông vừa qua.

Trả lời vấn đề này, bà Trần Kim Mai - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tỉnh đã cấp phép cho 12 doanh nghiệp khai thác ở 20 khu vực mỏ, nhưng hiện chỉ có 5 doanh nghiệp còn hạn khai thác. Năm 2012 đến nay tỉnh chưa cấp mới hay gia hạn giấy phép nào. UBND tỉnh đã bổ sung một số cơ chế quản lý, trách nhiệm cụ thể, chấn chỉnh những nội dung còn thiếu sót để quản lý khai thác cát hiệu quả hơn. Ngoài ra, đã củng cố, bổ sung trách nhiệm tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, huyện trong việc kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh... chống gian lận và thất thu thuế tài nguyên.

Tuy nhiên để quản lý hiệu quả, tỉnh đã đề xuất trung ương cho thực hiện cơ chế khoán thuế cho từng mỏ cát, nhưng hiện chưa có phản hồi. Bà Mai cũng thừa nhận tình trạng sạt lở bờ sông có nguyên nhân do khai thác cát đúng như đại biểu phản ánh cùng với nhiều nguyên nhân khác. Tỉnh đang phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu đánh giá để có giải pháp khắc phục.

Lãng phí do xây dựng chậm tiến độ

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang chất vấn UBND tỉnh về việc đa số công trình xây dựng cơ bản đều không đạt tiến độ, phải gia hạn thời gian. Mà gia hạn thường kéo theo việc tăng kinh phí đầu tư do trượt giá, nhất là giá nhân công, ca máy gây lãng phí. Có tình trạng nhà thầu cố tình kéo dài thời gian để được tăng kinh phí. Giải pháp khắc phục ra sao?

Nghĩa trang liệt sĩ xây 2 năm đã xuống cấp do thời tiết (?!)

Đại biểu Huỳnh Thị Kim Thân (huyện Cai Lậy) chất vấn: “Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cai Lậy mới bàn giao hai năm đã xuống cấp. Tỉnh phải bỏ thêm 2 tỉ đồng để khắc phục. Xin hỏi giám đốc Sở LĐ-TB&XH trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Trần Vĩnh Hưng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trả lời công trình nghĩa trang liệt sĩ huyện Cai Lậy hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010 với vốn đầu tư hơn 17 tỉ đồng. Quá trình sử dụng thì xảy ra sụt lún, xuống cấp, bia mộ bị nứt...

Về trách nhiệm, ông Hưng đổ cho thiết kế và thời tiết: “Nguyên nhân là do thiết kế có vấn đề. Hệ thống sân, đường, lối đi xa hệ thống thoát nước nên khi mưa thì đọng vũng. Ngoài ra bia mộ bị tác động của nắng, bụi nên bị rạn nứt. Tỉnh đã đầu tư để dán gạch men khoảng 4.000 ngôi mộ và làm lại hệ thống thoát nước để đảm bảo ổn định lâu dài”. Một số đại biểu xôn xao, tỏ ý không đồng tình về câu trả lời này. Ông Trần Kim Trát (chủ tọa kỳ họp) gợi ý đại biểu Kim Thân chất vấn thêm, nhưng tiếc rằng đại biểu này đứng lên nói “Xin cảm ơn ông giám đốc Sở LĐ-TB&XH!”.

Bà Trần Kim Mai cho rằng không phải công trình nào chậm cũng để được tăng thêm chi phí trượt giá. “Một số công trình chậm tiến độ do chậm giao mặt bằng để nhà thầu thi công, do năng lực một số nhà thầu kém, thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống, công trình phải thay đổi thiết kế. Tuy nhiên trong việc này UBND tỉnh cũng có một phần trách nhiệm” - bà Mai giải thích. Để khắc phục tình trạng nói trên, UBND tỉnh đang trình Ban thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban quản lý dự án tỉnh Tiền Giang để tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm. Bổ sung quy định của chủ đầu tư, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chọn lựa nhà thầu có năng lực kém làm ảnh hưởng tiến độ dự án, đồng thời rà soát lại năng lực làm chủ đầu tư của các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ quan hệ quốc tế không lưu loát ngoại ngữ

Đại diện Sở Ngoại vụ cho rằng quy định về tuyển dụng công chức hiện nay chưa ổn, nhiều trường hợp tuyển đúng quy trình nhưng không đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng gây lãng phí. Cụ thể năm 2012 Sở Ngoại vụ cần tuyển một cán bộ cho phòng báo chí và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên khi thi tuyển công chức thì chọn được người đứng đầu kỳ thi nhưng không lưu loát ngoại ngữ. Vì thế sở phải bố trí người này làm công tác... văn phòng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng - phó giám đốc Sở Nội vụ - cho biết đã làm đúng quy định của pháp luật về thi tuyển cán bộ, công chức. Ông hướng dẫn: “Hội đồng thi tuyển tổ chức thi chung cho tất cả cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện. Đối với Sở Ngoại vụ, khi thí sinh đã trúng tuyển thì ngoài kiến thức chung đã thi tuyển, căn cứ vào vị trí việc làm của cán bộ, công chức mà sở có kế hoạch cử đi tập huấn, học tập, bồi dưỡng thêm kỹ năng nghe, nói, viết ngoại ngữ cho phù hợp với việc làm đang đảm nhận”.

Một kiểu lãng phí khác đang rất phổ biến được đại biểu chất vấn UBND tỉnh là hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều gây lãng phí nguồn nhân lực, kinh phí của Nhà nước và gia đình. Năm qua có 300 sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm thi tuyển vào các trường THPT nhưng chỉ có 80 người trúng tuyển. Bà Trần Kim Mai trả lời: “Tâm lý của các bậc phụ huynh đều muốn con em mình phải học đại học, cao đẳng chứ ít chịu cho đi học nghề, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ”. Ngay cả trong ngành giáo dục hiện nay còn thiếu giáo viên sử, địa, văn thư lưu trữ... thì không có nguồn tuyển.

Án bị hủy nhiều nhưng không phải án sai?

Giải trình chất vấn của HĐND tỉnh “vì sao tỉ lệ án bị hủy của cấp tỉnh năm 2013 khá cao, chiếm 1,43%?”, ông Trần Ngọc Quang - chánh án TAND tỉnh Tiền Giang - thừa nhận năm qua có 19 vụ án bị hủy, trong đó có 12 vụ bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, số án bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm đều ở những năm trước. Lý do án bị hủy là việc áp dụng pháp luật mới khi xét xử có những điều luật quy định chờ hướng dẫn nhưng khi áp dụng thẩm phán không xem xét hết hoặc áp dụng chưa đầy đủ dẫn đến bị cấp giám đốc thẩm hủy án.

Ngoài các nguyên nhân trên, một số thẩm phán còn kiêm nhiệm các công việc khác cũng ảnh hưởng đến công tác xét xử. Trung bình mỗi thẩm phán giải quyết trên 83 vụ/năm. “Người ta cho rằng án bị hủy là án sai, nhưng không phải vậy. Án hủy không phải vì tòa xử oan, xử sai mà chỉ là thiếu chứng cứ hay sơ suất về mặt văn bản. 99% bản án bị hủy khi xử lại vẫn tuyên y như bản án trước đó” - ông Quang nói.

Để khắc phục tình trạng án bị hủy nhiều, TAND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức rút kinh nghiệm chất lượng xét xử của từng thẩm phán có án bị hủy, sửa. Ngoài ra thẩm phán có án bị hủy, sửa còn bị xem xét xếp loại cán bộ, xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo... Ông Quang nhấn mạnh: “Trường hợp thẩm phán có án bị hủy, sửa nhiều trong nhiệm kỳ sẽ bị xem xét không tái bổ nhiệm thẩm phán”.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên