29/09/2022 09:35 GMT+7

Thắt ruột gan thương quê nhà chịu bão

MẠNH DŨNG
MẠNH DŨNG

TTO - Cha mẹ đi làm ăn xa rưng rưng thương nhớ con ở quê nhà, có gia đình chỉ trong một năm mà nhà phải mấy lần sửa vì mưa bão...

Thắt ruột gan thương quê nhà chịu bão - Ảnh 1.

Người dân dọn dẹp đổ nát khi bão đi qua xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

"Suốt mấy đêm rồi em mất ngủ, đặc biệt là đêm bão vào 27 sang rạng sáng 28 vừa rồi em không thể chợp mắt được chút nào. Em cứ hết mở điện thoại theo dõi diễn biến bão vào như thế nào, lại thắc thỏm gọi về cho ba mẹ. Quê nhà em ở đó, ngay đường bão vào".

Đó là nỗi lòng cô sinh viên Hồ Thị Cô Lin, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, trong những ngày đi học xa nhưng như "cháy ruột cháy gan" nhớ thương quê nhà lại oằn mình chịu bão tố kéo vào từ Biển Đông.

Qua nay tôi đi bán bị dầm mưa ướt người một chút mà sụt sịt như mắc cảm rồi. Thương đứt ruột hai đứa con và ông bà ngoài quê đang phải chịu mưa to gió lớn suốt mấy ngày trời.

Chị Trần Thị Thảo

1. Lin trải lòng quê mình ở vùng ven thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), bên đường Hồ Chí Minh. Thị trấn ấy tuy ở núi rừng nhưng cũng gánh chịu biết bao trận cuồng phong đã hằn in mãi trong ký ức cô sinh viên 19 tuổi này.

"Ba em mới gọi báo là tạm ổn rồi. Nhà em, nhà bà chỉ bị gió giật bay mái tôn. Gia đình và hàng xóm đều may mắn không sao, bà em đã lớn tuổi và em trai em mới 11 tuổi cũng an toàn hết", Lin tâm sự chuyện vui mà giọng sao nghe nghèn nghẹn vì xúc động. Vừa tranh thủ bán nước trà chanh gần cổng Đại học Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức), cô sinh viên vừa tâm sự với tôi rằng phải đến gần 8h sáng nay khi nghe giọng ba báo mọi người an toàn thì cô mới như "hoàn hồn", lấy lại được bình tĩnh.

Dõi mắt nhìn mây đen vẫn vần vũ bầu trời TP.HCM, nơi rất xa quê hương miền Trung đang chịu bão dông, Lin trải lòng: "Quê em gần như năm nào cũng bị bão. Nỗi lo bão như đã ngấm vào máu rồi, kể cả những người trẻ xa quê như em. Mỗi lần nghe tin bão biển đổ vào là em lại thắt ruột thắt gan, không thể nào ngủ được. Em vẫn ám ảnh những trận bão làm đổ sập nhà cửa, mất mát con người đau thương lắm!".

Cô sinh viên dân tộc Giẻ Triêng, 19 tuổi, nói năng hết sức hoạt bát, tự tin. Tranh thủ buổi được nghỉ học, cô phụ bán trà chanh với tiền công 20.000 đồng mỗi giờ và mỗi tuần cô thu xếp bán được 14 giờ làm để chia sẻ gánh nặng ăn học với cha mẹ ở miền quê nghèo. Cô kể nhà mình khó khăn lắm, cha mẹ cô lại phải chuẩn bị sửa nhà sau trận bão. Mà mùa mưa bão miền Trung vẫn còn rất dài phía trước, chẳng biết lần sửa này đã xong được chưa?

Thắt ruột gan thương quê nhà chịu bão - Ảnh 3.

Trẻ em ở Quảng Nam đi tập trung tránh bão - Ảnh: LÊ TRUNG

2. Ngày 28-9, gió bão vừa tạm qua, mưa lũ lại trút xuống. Tôi đi qua những khu trọ nghèo, những nơi người lao động miền Trung ly hương mưu sinh ở TP.HCM mà nghe bao nỗi niềm khắc khoải nhớ quê xa. Có vợ chồng đang dọn mâm cơm nóng mà rưng rưng thương nhớ con ở quê nhà với ông bà Quảng Ngãi chẳng biết có bị đói không? Có người đi bán thúng xôi, xấp vé số ở thành phố mà ứa nước mắt khi nghe tôi hỏi chuyện bão dông và an toàn ở quê nhà. 

Và họ hay trả lời giống nhau một ý những người khỏe mạnh nhất như họ đã ly hương đi kiếm miếng cơm manh áo rồi, quê nhà trong cơn bão chỉ còn người già, trẻ thơ chống chịu gió bão, thương lắm...

Chị Trần Thị Thảo, 47 tuổi, người mẹ đang để hai con nhỏ cho ông bà chăm ở quê nhà Bình Sơn (Quảng Ngãi), chùng giọng trải lòng: "Tôi đã cho con vào Sài Gòn, nhưng rồi lại phải đưa cháu về gửi ông bà để đi học tại quê nhà vì trong đây ở trọ quá chật chội, xin vào trường lớp không đơn giản. Hai bé còn nhỏ, ông bà thì già rồi. Mấy nay đọc tin bão vào mà lòng tôi như lửa đốt, nuốt miếng cơm cũng không nổi. Thương con, thương ông bà và xót xa cả quê nhà mình". 

Chị Thảo tâm sự vợ chồng đã vào Sài Gòn hơn 3 năm. Chị ngày ngày chở thúng xôi đi bán trước các nhà máy ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, còn chồng chở xe rau quả đi bán dạo. Một mùa hè, họ đã đưa con vào ở cùng phòng trọ, nhưng sau đó lại bấm bụng gửi con về cho ông bà vì nhà cửa và trường lớp ở quê rộng rãi, tiện lợi hơn cho bọn trẻ đang tuổi hiếu động.

Đứng nép mình bên hè phố, lặng buồn nhìn Sài Gòn mưa mù mịt vì ảnh hưởng bão xa, chị Thảo tâm sự mưa gió dầm dề ở thành phố thế này vẫn chẳng là gì so với bão tố miền Trung. 

47 năm tuổi đời, chị kể mình từng trải qua chắc không dưới trăm trận bão và bão lớn, bão nhỏ, cây đổ, nhà sập, người chết, heo bò trôi sông... gì chị cũng từng phải chứng kiến hết. Nên bây giờ, cũng như bao người miền Trung ly hương khác, mỗi khi nghe quê nhà chịu bão tố là chị lại lo lắng, xót xa.

"Quê tôi ở Quảng Nam, theo chồng vào Quảng Ngãi, mà xứ nào cũng là rốn bão nặng nề. Tôi đã từng chứng kiến cảnh vợ chồng phải xa con, đi Nam kiếm sống, chắt bóp bao năm vừa cất được căn nhà thì bão đánh sập tan hoang. Tôi cũng từng nhiều lần thấy cảnh chỉ trong một năm mà nhà phải mấy lần sửa vì mưa bão. Cứ như vậy sao dân quê nghèo không thêm khổ", người phụ nữ bán xôi trĩu giọng tâm sự.

Thắt ruột gan thương quê nhà chịu bão - Ảnh 4.

Nghe tin quê nhà an toàn, cô sinh viên Cô Lin mới "hoàn hồn" - Ảnh: MẠNH DŨNG

3. Chị Thảo kể, chỉ trong buổi chiều và đêm qua, vợ chồng đã gọi về nhà gần 30 cuộc. Bão gió diễn biến như thế nào thì họ coi trên mạng cũng biết được, nhưng họ muốn được nghe tiếng con mình, tiếng cha mẹ mình an toàn hay không. Đứa bé cứ bi bô hỏi bao giờ ba mẹ về với con làm chị như đứt từng khúc ruột. Suốt đêm 27 sang rạng sáng ngày 28, hai vợ chồng ngồi co ro ôm máy điện thoại mà không hề chợp mắt nổi. 

Chị kể khoảng gần 4h sáng, tự dưng vợ chồng gọi về nhà, điện thoại vẫn reo nhưng không ai nghe máy. Họ hốt hoảng gọi liên tục mấy cuộc vẫn không ai nghe máy. Sợ hãi, chị cuống cuồng gọi cho khắp hàng xóm để hỏi thăm mới biết tất cả vẫn bình an. Đến lúc đó, vợ chồng mới lấy lại được tinh thần, chuẩn bị thúng xôi và xe rau quả để đi mưu sinh ngày mới...

Gần quê chị Thảo, anh Võ Em (ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) dù đã gần 30 năm vào Sài Gòn mưu sinh với nghề mài dao kéo nhưng vẫn ám ảnh những trận bão ở quê nhà mà tuổi thơ anh từng trải. "Nên giờ cứ nghe bão vào là tôi đứng ngồi không yên. Mình đi xa rồi, nhưng bà con mình ngoài đó còn đông lắm. Ở thành phố này, gặp chút mưa chút ngập nước đã khổ, bà con mình ngoài đó bị bão vô còn khổ hơn nhiều. Mà năm nào ông trời cũng cho miền Trung quê tôi chịu bão...", anh Võ Em nhẹ giọng tâm sự với tôi như tự sự với chính lòng đang thương nhớ quê mình.

Nghĩa tình lúc hoạn nạn

Rất nhiều đồng bào miền Trung đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Có người đã ổn định, có người đang chật vật kiếm sống qua ngày, nhưng khi nghe nói chuyện hỗ trợ quê nhà ai cũng sẵn lòng sẻ chia.

Bình thường họ đã đi làm để gửi tiền về nuôi con, cha mẹ hay người thân gia đình. Nhưng khi có sự kêu gọi chung tay, họ sẵn sàng tiếp tục lá lành đùm lá rách hoặc lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Chị Thảo, anh Võ Em... kể nhiều trận bão lớn, Nhà nước kêu gọi chung tay giúp đỡ đồng bào bị nạn, họ đều đóng góp chút tiền đẫm mồ hôi của mình. Có khi đó là số tiền bán được từ một thúng xôi 500.000 đồng. Nhiều lần là vài ngày công mài dao kéo của anh Võ Em được 500.000 - 700.000 đồng. Bão đến rồi đi, nhưng tình người sẻ chia vẫn ấm mãi.

Những bài học sau bão Noru Những bài học sau bão Noru

TTO - Cơn bão Noru (bão số 4) có cường độ mạnh, di chuyển nhanh đã tràn qua một số tỉnh miền Trung vào rạng sáng 28-9 đúng như dự báo. Điều đáng kể nhất là đến nay chưa có thiệt hại về nhân mạng, tài sản cũng chỉ chịu mức thiệt hại ở mức tối thiểu.

MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên