Dừng bước ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 không phải điều bất ngờ. Điều này đã xuất hiện sau khi đội tuyển Việt Nam thua 2 lượt trận trước Indonesia dưới thời HLV Philippe Troussier. Nhà cầm quân người Pháp bị sa thải, VFF bắt đầu lại với HLV Kim Sang Sik.
Kỳ vọng vào HLV Kim Sang Sik
HLV Kim Sang Sik đã tận dụng 2 trận đấu không còn nhiều ý nghĩa để kiểm tra nhân sự cho đội tuyển. Mục tiêu cụ thể của ông là hoàn thành chỉ tiêu lọt vào chung kết AFF Cup 2024 vào cuối năm. Đó có thể là điều kiện cần để nhà cầm quân người Hàn Quốc gia hạn hợp đồng và lãnh xướng kế hoạch hướng về World Cup 2030.
VFF đã trả bài học đắt giá về cơ hội và thời gian cho HLV Troussier ở vòng loại World Cup 2026. Còn ông Kim được kỳ vọng sẽ vực dậy bóng đá Việt Nam như người tiền bối đi trước Park Hang Seo. Ông Park bắt đầu thành công với chức vô địch AFF Cup 2018, trước khi lần đầu đưa đội vào vòng loại thứ 3 World Cup.
Giám đốc kỹ thuật Phan Thanh Hùng cho rằng: "Nói về World Cup 2030 bây giờ thì rất xa xôi, AFF Cup 2024 mới là thực tại. Trước mắt, đội tuyển cần chinh phục bóng đá khu vực để làm đòn bẩy và gắn bó với kế hoạch của HLV Kim. Từ ổn định chuyên môn và vị thế ở khu vực mới mong có thể bước ra biển lớn".
Dù kỳ vọng vào HLV Kim Sang Sik, nhưng một mình ông tạo nên thành công là điều không thể. HLV Park Hang Seo trước đây giành lấy vinh quang là nhờ vào lứa cầu thủ tài năng. Họ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ chất lượng. Đồng thời được thi đấu cọ xát sớm cả trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm.
Vai trò của VFF
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú chỉ ra: "Cốt lõi của một nền bóng đá vẫn là công tác đào tạo trẻ và chất lượng giải vô địch quốc gia. Chúng ta có vài lò đào tạo tốt nhưng mức độ ở các CLB chưa đồng bộ. Nhiều đội còn không có đội trẻ, thường xuyên mượn người của các đội khác".
"Khi đào tạo trẻ ở mức độ đồng đều thì việc thi đấu là hết sức quan trọng. Các em được thi đấu liên tục thì HLV mới tìm ra được những nhân tố tốt.
Có những trung tâm của CLB Hà Nội hay PVF-CAND thường xuyên cho các em thi đấu quốc tế. Đó là nền tảng tốt, nhưng như vậy là quá ít so với mặt bằng chung".
Cựu tiền đạo Lê Công Vinh nhận định: "Đội tuyển Việt Nam chỉ là phần ngọn phản ánh chất lượng của một nền bóng đá. Ngoài việc đào tạo trẻ thì việc cải thiện giải vô địch quốc gia cũng cần chú trọng. Chất lượng các trận đấu V-League bây giờ đa phần còn chưa tốt, còn thua giải Thai League hay Malaysia".
Vừa qua, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xếp V-League sau Thai League và Malaysia Super League. V-League xếp hạng 14 châu Á và hạng 7 khu vực Đông Á. Vị trí này khiến bóng đá Việt Nam chỉ có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off ở các giải đấu của AFC mùa 2025-2026.
Ông Phan Anh Tú cho rằng như vậy thì cơ hội để các cầu thủ ra sân chơi quốc tế không nhiều. "Cầu thủ mình giỏi đến mấy mà không được chơi các trận trình độ cao thì khó vượt ngưỡng. Thi đấu quốc tế nhiều cho cầu thủ một nền tảng đẳng cấp hơn là chỉ chơi trong nước", ông Tú nói.
Do đó để hướng đến mục tiêu dự World Cup 2030, VFF cần trình bày một chiến lược rõ ràng và kế hoạch cụ thể. Thực trạng bóng đá Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề tồn đọng lâu mà không giải quyết được. Đó là việc hệ thống giải đấu vẫn là kim tự tháp ngược (V-League có 14 đội, hạng nhất có 11 đội).
Đó là còn chưa kể đến nhiều đội bóng yếu kém về mặt tài chính, sẵn sàng bỏ giải khi gặp vấn đề như CLB Bình Thuận, CLB Bà Rịa - Vũng Tàu và gần nhất là CLB Khánh Hòa. Ngoài ra, tiêu cực và tệ nạn của giới cầu thủ ngày càng rõ nét với hàng loạt cầu thủ bị bắt, bị khởi tố vì sử dụng ma túy và cá độ bóng đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận