Tương lai của Thủ tướng Theresa May và Brexit phụ thuộc vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà vào tối 16-1, giờ địa phương - Ảnh: REUTERS
Báo Guardian nhấn mạnh đó là thất bại lịch sử của bà May khi bị các thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền chống lại. Thất bại nặng nề này diễn ra hai tháng rưỡi trước thời hạn London rời EU.
Các kịch bản
Khi bà May quyết định lùi cuộc bỏ phiếu dự thảo Brexit tại Quốc hội đến ngày 15-1, giờ địa phương, bà hẳn đã tin rằng các nghị sĩ sẽ chịu áp lực trước nguy cơ Anh ra đi mà không có thỏa thuận nào. Nhưng với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận Brexit của thủ tướng, đẩy tương lai của Brexit và của cả bà May đến bờ vực.
Như vậy, kịch bản sắp tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nơi mà các nghị sĩ Anh sẽ chọn lựa giữa thỏa thuận Brexit và chính quyền của bà May. Bởi cho đến nay, vẫn không có thỏa thuận khả thi nào khác cho Brexit.
Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn đang thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng, với hi vọng buộc Anh phải tổ chức bầu cử sớm. Ông Corbyn cam kết nếu đắc cử thủ tướng sẽ đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Nếu bà May không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, London sẽ phải lập chính phủ mới trong vòng 14 ngày nếu không muốn tổ chức bầu cử. Trong trường hợp bầu cử, dự kiến kéo dài 6 tuần, Anh có thể được gia hạn điều 50 của Hiệp ước Lisbon và gia hạn hạn chót Brexit ngày 29-3.
Nhưng nếu "sống sót" và khả năng này cũng không nhỏ, bởi Đảng Bảo thủ chắc chắn sẽ không để ông Corbyn làm thủ tướng, bà May buộc phải trình kế hoạch B lên Quốc hội trong vòng ba ngày, cho phép các nghị sĩ có quyền kiểm soát cao hơn đối với quá trình Brexit. Bà sẽ phải tìm đến các lãnh đạo châu Âu khác để xin, hoặc thậm chí đe dọa, nhằm dàn xếp lại thỏa thuận hoặc thay đổi toàn bộ chiến lược.
Cơ hội cho Thủ tướng May không mấy khả quan khi EU sau kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Anh đã hối thúc London nhanh chóng làm rõ các giải pháp cho Brexit, nhưng đồng thời khẳng định không nhượng bộ thêm và sẵn sàng cho khả năng sẽ không có thỏa thuận nào.
"Dù không muốn nhưng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục phòng bị để đảm bảo EU hoàn toàn sẵn sàng" - Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nói.
Không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Anh và EU sẽ gãy ngang mà không có giai đoạn chuyển tiếp.
Tuy nhiên, ngày 16-1 cũng đưa ra những tín hiệu mới khi nhà đàm phán cấp cao EU Michel Barnier cho rằng vẫn có khả năng đàm phán lại nhưng chỉ khi Anh thay đổi các đòi hỏi quan trọng, khi đó cả hai sẽ bỏ hoàn toàn thỏa thuận hiện tại.
Một viễn cảnh khác là tổ chức trưng cầu ý dân Brexit lần hai cũng nhận được sự ủng hộ trong Quốc hội Anh. Những người ủng hộ kịch bản này cho rằng theo luật EU, Anh hoàn toàn có thể đơn phương hủy bỏ Brexit mà không cần sự đồng ý của các nước còn lại. Tuy nhiên, đây cũng là một ván cược đầy may rủi bởi chưa chắc sẽ cho kết quả như mong đợi.
Dù kịch bản nào xảy ra, nó cũng sẽ không hề suôn sẻ trong bối cảnh chính trường Anh chia rẽ sâu sắc, hàng loạt bộ trưởng từ chức vì bất đồng và kinh tế đi xuống.
Châu Á âu lo
Không chỉ riêng London và châu Âu, kết quả cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh, dù không phải không được dự báo trước, vẫn gửi tín hiệu tiêu cực đến nhiều quốc gia. Đức lo ngại London hạ cánh "cứng" sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp từ xe hơi, kỹ thuật đến hàng không, tài chính.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, thất bại của bà May trút thêm lo ngại vào khu vực vốn đang thấp thỏm trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các thị trường tại khu vực ngày 16-1 bối rối trước kết quả khi chỉ số Nikkei của Nhật giảm 0,7%, trong khi chứng khoán Úc tăng 0,2%.
Giới chuyên gia cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng ở London lên châu Á rất lớn, từ các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược cho đến chính phủ các nước phải cân nhắc các thỏa thuận thương mại mới.
"Chúng tôi hi vọng sẽ có một thỏa thuận êm thấm và nhanh chóng. Chúng tôi không muốn Anh ra đi mà không có thỏa thuận" - Nikkei Asian Review dẫn lời Takaaki Hanaoka, tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Anh, nói.
Giới doanh nghiệp cho rằng hậu quả của việc Anh hạ cánh "cứng", nếu xảy ra, có thể nhận thấy "chỉ trong vài giờ".
Hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng vào cuộc với hi vọng trấn an các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc Lee Ho Seung ngày 16-1 tổ chức cuộc họp khẩn với các quan chức liên ngành để thảo luận các biện pháp ứng phó trong trường hợp Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Nhật tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi Úc cam kết sẽ tiếp tục đàm phán các thỏa thuận mới.
Brextinct
Trên trang bìa số 16-1, tờ The Sun đã chơi chữ bằng cách ghép hai từ "Brexit" + "extinct" (tuyệt chủng) thành "Brextinct" với thông điệp rõ ràng: nhiệm kỳ thủ tướng của bà May giờ cũng chỉ mong manh và ngắn ngủi như thỏa thuận Brexit. Chạy giữa trang nhất này là dòng chữ "May’s Brexit deal dead as a dodo" (Thỏa thuận Brexit của bà May đã tuyệt tích như loài chim dodo).
Cả hai đều tin rằng loại bỏ thỏa thuận là phương án tốt nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận