Phố phường Hà Nội nhìn từ tháp Rùa - Ảnh: THÁI LỘC
Càng ra giữa mặt hồ, không khí càng mát mẻ và thanh khiết. Theo người chèo đò, nước hồ mát trong chỉ mới gần đây, kết quả của dự án nạo vét, thanh tẩy nước hồ.
Trước đó, nước xanh đục đầy rêu tảo; lớp nước mặt chỉ trên dưới 1m, trong khi lớp bùn rất dày, tanh hôi. Sau nạo vét, nước hồ có chỗ sâu đến 3m.
Thờ cúng ở cả 3 tầng
Sự bất ngờ trước tiên là 3 tầng của đều dành cho thờ cúng. Ở tầng 1, ngay giữa nền gian giữa có một lỗ gần vuông thông xuống đất khá sâu - kiểu "lỗ thông thiên" thường thấy ở nhiều mộ phần, dưới lỗ có nhiều tiền lẻ. Cạnh đó là ô thờ hai bức tượng nhỏ dạng ông Địa và thần Tài.
Tầng 2 cũng có ô thờ đặt lư hương, đỉnh đồng, nến thắp và hoa tươi. Gian thờ chính ở tầng 3, ô thờ hướng ra phía tượng đài Lý Thái Tổ, đặt tượng Phật, thánh, tượng Bác Hồ và nhiều pháp khí.
"Chúng ta đang đứng ở trái tim của hồ Gươm - trái tim của Hà Nội và là trái tim của cả nước!" - một người đi cùng xúc động. Từ bên trong tháp nhìn ra bốn phía thông qua những ô cửa tròn hay cửa đỉnh nhọn kiểu Gothic, khung cảnh phố xá, cây cối cứ như bồng bềnh, lung linh trên mặt nước hồ.
Bước xuống chân tháp, đứng trên bãi cỏ gò Rùa nhìn quanh phố xá trải dài trên mặt nước thoáng rộng. Chỉ có đèn xe là chuyển động giữa những tán cây xanh và những vệt ánh bạc phản chiếu của đèn đường lên mặt nước hồ.
Ngoài mấy khối cao ốc xa xa, phần lớn nhà cửa ven hồ thấp thoáng sau những rặng cây yên bình, khiến cho không gian trở nên thật lạ, thật bình dị.
Trong rất nhiều người viết về hồ Gươm, nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy trong sách Phố phường Hà Nội xưa diễn giải rằng hồ Gươm từng nằm trong dòng chảy thông suốt giữa các hồ trong "thành phố hồ" Hà Nội: "Hồ Tây đi từ Nhật Chiêu qua Trúc Bạch, thông đến hồ Cổ Ngựa, ở Hàng Than. Tiếp theo là hồ Ngõ Miễu giữa Hàng Buồm và Hàng Bạc, rồi đến hồ Hàng Đào chảy dưới một cây cầu gỗ vào hồ Gươm, tức hồ Tả Vọng, nối luôn với hồ Thủy Quân là hồ Hữu Vọng...".
Tác giả cho biết thời Lý: "Dân các phường ở từ Bưởi, đến hồ Gươm, lúc ấy đã đông vui, vì để xây một ngọn tháp 12 tầng, tháp Báo Thiên (nay là nhà thờ Lớn - NV), nhà vua đã chọn đất ở bên chiếc hồ xinh xắn. Chỉ có lúc ấy chưa có tên hồ Gươm, mà gọi là hồ Lục Thủy, dân phố gọi là hồ Hàng Hương".
Đến thời Lê trung hưng, chúa Trịnh ra Đông Đô lập phủ nhìn ra hồ Gươm và theo vị kiến trúc sư đi cùng, ở vị trí hiện nay là trụ sở ngành điện lực thành phố (lúc ấy gọi tên là hồ Tả Vọng).
Giờ này, chúng tôi được đứng giữa gò Rùa chân tháp, trong một cảm xúc đặc biệt giữa không gian văn hóa và lịch sử đáng tự hào của dân tộc, bên này là tượng đài Lý Thái Tổ, đằng kia là đền Ngọc Sơn thờ Đức Thánh Trần và bên kia nữa là đền thờ vua Lê theo truyền thuyết gươm báu đánh giặc mang lại cái tên khác cho hồ Gươm - Hoàn Kiếm...
Công trình kiến trúc hoài niệm
Một số ghi chép cho rằng tháp Rùa do vị bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng giữa cuối thế kỷ 19, chủ ý chôn tro cốt cha mẹ, và chuyện tro cốt người cha đã được chôn nhưng sau đó bị người ta vứt xuống lòng hồ. Trong một thời gian ngắn, tháp từng đóng vai trò làm "bệ tượng" nữ thần Tự Do cho "bà đầm xòe".
Tháp Rùa cao gần 9m, nền móng tầng 1 rộng gần 30m2 (6,28m x 4,54m), hình thức bên ngoài bốn tầng: hai tầng dưới xây các cửa vòm nhọn gần như kiến trúc Gothic, rất giống với hầu hết cửa của những ngôi nhà cổ trên phố Nhà Thờ Hà Nội hiện còn.
Hai tầng trên nhỏ hơn, có chút dáng dấp kiểu kiến trúc đền miếu Việt. Tường tháp rất dày, thô ráp, dân dã.
Nhiều người còn nhớ chừng 20 năm trước, ngành văn hóa Hà Nội tiến hành sửa chữa tháp. Kiến trúc gần như được giữ nguyên, chỉ có làm sạch cỏ cây và trát lại bằng vữa ximăng. Dư luận, báo chí lúc ấy phản ứng dữ dội.
Theo nhận xét của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: "Tháp Rùa không phải là một công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc. Nhưng tháp đã trở thành một thành phần không thể tách lìa khỏi khung cảnh đặc sắc của hồ Gươm, nó là một công trình kiến trúc hoài niệm".
Cột mốc số 0
Tháp Rùa về đêm - Ảnh: THÁI LỘC
Hồ Gươm nằm ở vị trí trung tâm thủ đô nên Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng cột mốc số 0 của thủ đô, hầu hết phương án đều nằm ven bờ hồ. Có hai phương án nhận nhiều sự đồng thuận và đang được cân nhắc: một là cạnh giao lộ Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng và một ở vòi phun nước giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ.
Trước đó, khoảng đầu thập niên 1960, theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, các chuyên gia đến từ Liên Xô sang giúp Việt Nam làm quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội, phương án của họ đưa ra là giữ hồ Gươm làm trung tâm Hà Nội cũ; lấy hồ Tây làm trung tâm Hà Nội mới.
Với diện tích khoảng 500ha, phương án chọn hồ Tây được GS Hoàng Đạo Kính nhận xét hợp lý, đủ để "tải" cho một thành phố đông dân cư, phát triển hiện đại...
Thế nhưng vì một số lý do, nhất là chiến tranh, nên phương án này không được thực hiện, dẫn đến thực trạng xây dựng quanh hồ Tây không có quy hoạch, tự phát, một phần mặt hồ bị lấn chiếm, cho nên khó có khả năng trở thành trung tâm Hà Nội mở rộng thời nay.
Và dù gì thì gì, vẫn như trong ký ức, là trái tim Hà Nội và cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận