Nguyễn Khánh Diệu Hồng (trái) và Vũ Lại Xuân Hiệp |
Zeolit là một hóa chất tổng hợp, đắt tiền và thường được sử dụng để làm nguyên liệu cho các sản phẩm xử lý nước ao, hồ nuôi tôm. Nhóm sinh viên Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Phạm Minh Hảo, Nguyễn Xuân Phi, (Khoa Công nghệ Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội) đã tìm cách điều chế Zeolit từ... đất sét! Thành công này đã mở ra triển vọng mới cho việc sản xuất Zeolit trong nước, không phải nhập ngoại như trước đây
Từ phòng nghiên cứu đến hợp đồng trị giá 8 tỉ đồng
Diệu Hồng, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nguồn tài nguyên chủ yếu để tổng hợp ra hóa chất này là cao lanh (đất sét trắng) thì ở Việt Nam có rất nhiều. Hơn nữa, độ mịn trong cao lanh của VN cao hơn so với Thái Lan, việc xử lý ao hồ vì vậy sẽ tốt hơn. Trong khi hóa chất Zeolit A dùng để xử lý nước cho ao hồ nuôi tôm phải nhập từ Thái Lan và Đài Loan với giá thành là 2,5 triệu đồng/ tấn, tại sao không tận dụng những gì mình có... ?
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu phải bươn chải đi tìm cao lanh ở nhiều địa phương như Yên Bái, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Nếu chụp hiển vi, phân tích kiểm định chất lượng đầy đủ của các mẫu cao lanh thu thập được thì phải chụp hết 50 mẫu, giá 400.000 đồng/ mẫu. Để tiết kiệm, nhóm quyết định chỉ chọn 6 mẫu tốt nhất để kiểm tra. Họ thay phiên nhau túc trực 24/24 để đun dung dịch thí nghiệm. Một lần, khi đã có được sản phẩm thì chẳng may nhiệt độ quá nóng khiến bình chứa dung dịch bị vỡ. Nhóm phải làm lại từ đầu. Sự kiên trì đã đem lại kết quả, nhóm đã tổng hợp ra Zeolit từ cao lanh dạng viên và bột mịn. Qua thử nghiệm đã thu được kết quả tốt, khi đưa Zeolit xuống hồ thì khả năng hút chọn lọc rất cao, hồ không đầy lên, không gây độc cho nước.
Từ kết quả này, được sự hỗ trợ của các thầy trong Khoa Công nghệ Hóa học là TS Tạ Ngọc Đôn, TS Vũ Đào Thắng, nhóm đã chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu chứa Zeolit với công suất 3.000 tấn/ năm để phục vụ nuôi trồng thủy sản cho một nhà máy ở Quảng Bình. Trong hội chợ Techmart vào tháng
10-2003 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã ký được nhiều hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị sản xuất, trị giá lên đến 8 tỉ đồng.
Trực canh gác và nghiên cứu khoa học
Trong khi đó, nhóm sinh viên Học viện Quân y Đỗ Khắc Đại, Phạm Ngọc Bình, Quản Thành Nam, Nguyễn Quang Nam đã chọn đề tài “Nghiên cứu hiệu quả điều trị và sự dung nạp của thuốc Stablon ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm” làm hướng đi. Nhóm đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả điều trị và sự dung nạp của thuốc Stablon, một loại thuốc điều trị trầm cảm của Pháp mới nhập vào VN từ năm 2001.
Đề tài thực hiện trong suốt một năm, ngoài giờ lên lớp, trực bệnh viện, và ...canh gác (các bạn đều là lính), nhóm phân công nhau theo dõi bệnh nhân, bệnh án, tìm tài liệu, phân tích các chỉ số sinh hóa máu, huyết học. Để có số liệu khoa học, nhóm đã khảo sát 41 bệnh nhân tâm thần trong suốt 3 tháng trời. Kết quả nghiên cứu của nhóm đã được hãng dược phẩm sản xuất thuốc Stablon giữ lại và sử dụng như một tài liệu để tham khảo.
Nhà nghiên cứu thuốc thú y trẻ tuổi
Còn Vũ Lại Xuân Hiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, lại chọn đề tài “Khảo sát sự nhạy cảm của vi khuẩn E.Coli trong bệnh tiêu chảy của heo con theo mẹ đối với một số kháng sinh thường dùng”. Để thực hiện đề tài này, Hiệp đã phải tới lui khảo sát ở 3 trại heo, thử kháng sinh đối với 7 loại thuốc kháng sinh mà các nhà chăn nuôi thường dùng cho heo.
Kết luận mà Hiệp rút ra được từ nghiên cứu của mình khiến các nhà chăn nuôi phải lưu ý do tính thiết thực của nó: Không dùng kháng sinh không đúng cách khi trị tiêu chảy cho heo con, vừa tốn tiền lại vừa khiến heo chậm lớn. Hiệp đang nuôi ước mơ tiếp tục học tập để trở thành nhà nghiên cứu về thuốc thú y.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận