Tháp B3 đã nghiêng hẳn... - Ảnh: B.D.
Theo Ban quản lý di sản văn hóa , tháp B3 có mặt tây và nam giáp suối, mặt đông và bắc giáp tháp B1 và B4.
Tháp B3 được xây vào cuối thế kỷ 10, là nơi thờ thần Ganesha - con trai thần Shiva.
Từ đầu thế kỷ 20 đến trước năm 1945 tháp mất đi phần đỉnh. Sau 1945 tháp bị bom đánh sập tường thân tháp phía tây và hư hại mái công trình.
Tới những năm 1980, tháp được các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam trùng tu, gia cố tường phía tây, một số vị trí trên thân tháp.
Đến tháng 4-2018, tháp B3 còn tổng chiều cao 9,45m, đế rộng 4,5m, dài 5,3m. So với vị trí ban đầu, tháp B3 nghiêng 3 độ về hướng tây nam, tức hướng ra bờ suối quanh tháp.
Thân tháp xuất hiện các vết nứt từ đỉnh đến móng ở hai mặt tường hướng phía đông và tây, vết nứt tại nơi rộng nhất tới 18cm, sâu nhất 1,2cm và ở vết nứt dài nhất lên tới 6m.
Các đường nứt này tách đôi công trình, khe nứt có nơi thấy được ánh sáng xuyên qua. Phần thân tháp bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại.
Ông Hồ Tấn Cường - phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - cho hay mức độ nứt, nghiêng của tháp B3 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, năm 2012 vết nứt chỉ rộng từ vài centimet thì tới nay đã rộng tới 18cm.
... bên trong, ở thân tháp có vết nứt lớn - Ảnh: B.D.
Sáng 12-5, sau chuyến khảo sát tháp B3, kiến trúc sư Nguyễn Văn Dũng cho biết thực tế tháp B3 nghiêng hẳn về hai mặt, một mặt nghiêng 3 độ và mặt khác nghiêng 2 độ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Minh, trưởng phòng bảo tồn bảo tàng - Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, nói điều nguy hiểm hơn là tháp không nghiêng theo mặt lớn mà nghiêng theo hướng tiếp giáp của hai mặt tháp.
Tình trạng tháp B3 gặp "nguy hiểm" đã được biết từ lâu như lời ông Nguyễn Công Khiết, phó giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, khi cho hay "đã phát hiện các vết nứt, dấu hiệu hư hại tháp từ những năm 2013". Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh gửi ra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Sau đó bộ có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam phối hợp với một đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đóng ở miền Trung trực tiếp xuống Mỹ Sơn thăm dò... Tuy nhiên, sở dĩ đến nay tháp B3 vẫn chưa được can thiệp, theo ông Khiết, là do việc trùng tu đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, kinh phí lớn.
Sốt ruột trước tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng của tháp B3, ngày 16-3 Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch).
Ngày 11-4, Cục Di sản văn hóa hồi đáp, đề nghị Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam phối hợp với Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn chống đỡ tạm, lập hồ sơ đề xuất giải pháp gia cố, chống xuống cấp gửi Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch để cho phép triển khai trước mùa mưa bão.
Ghi nhận tại tháp B3 ngày 11-5 cho thấy việc gia cố vẫn chưa có động tĩnh dù đã có ý kiến của Cục Di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, đơn vị của ông đang thực hiện theo yêu cầu của sở là phối hợp với đoàn công tác của Viện Bảo tồn di tích đánh giá, lên kế hoạch gia cố khẩn cấp tháp. "Đoàn công tác đang đánh giá, nghiên cứu nên chúng tôi chưa làm được" - ông Khiết nói.
Các hướng gia cố
Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đề xuất các bước cứu tháp B3 Mỹ Sơn gồm: khẩn cấp chống đỡ bên trong và bên ngoài tháp, có biện pháp địa kỹ thuật gia cố móng, gia cố địa tầng hướng bờ suối. Gia cố, gia cường trùng tu thân tháp và bên mái thấp. Xử lý phần mái giảm ẩm ướt bên trong lòng tháp, xử lý côn trùng thực vật gây hại...
Trong khi đó, KTS Nguyễn Văn Dũng - cán bộ nghiên cứu phòng nghiên cứu bảo tồn và tiêu chuẩn (Viện Bảo tồn di tích) - được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo sát tháp B3, nói: "Biện pháp khẩn cấp là gia cố bên trong và bên ngoài tháp, chống đỡ bên ngoài theo diện (chống đỡ theo mảng, theo từng khoảnh, vùng diện tích lớn), bên trong gia cố theo khung cứng. Mặt phía trước tháp có thể bơm gia cố các khe nứt hoặc dùng khung sắt để đỡ các phần sắp rời khỏi kết cấu tháp. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận