Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Sáng 30-8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM làm lễ thông xe tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức) bao gồm đường Hồng Hà, Bạch Đằng và Phạm Văn Đồng có tổng chiều dài hơn 13,6km.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đình Tấn, đại diện Tập đoàn kỹ thuật và xây dựng GS (Hàn Quốc), cho biết dự án đã hoàn thành sau gần mười năm kể từ khi bắt đầu làm thủ tục thực hiện dự án theo hình thức BT (đầu tư, chuyển giao). Ông Tấn gửi lời cảm ơn người dân đã hỗ trợ trong thời gian thi công để hoàn thành công trình này vì có đến 3.853 hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng di dời, giải tỏa ở dự án này.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết đường Phạm Văn Đồng được xây mới hoàn toàn, riêng đường Bạch Đằng và Hồng Hà được mở rộng. Việc thông xe tuyến đường quan trọng này giúp TP.HCM kết nối với nhiều địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đi đường Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng vào thẳng sân bay Tân Sơn Nhất thay vì đi đường vòng Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn.
Những người dân đầu tiên chạy xe qua đoạn đường vừa được thông xe phấn khởi nói trước nay người dân qua lại khu vực này rất mong chờ toàn bộ tuyến đường Phạm Văn Đồng được nhanh chóng thông xe để đi lại thuận lợi hơn. Từ nay, nhiều nhánh đường mới được khai thông, người dân đi thẳng từ đường Bạch Đằng vào đường Trường Sơn, tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc phân luồng giao thông vừa được triển khai tại khu vực này (Tuổi Trẻ ngày 30-8 đã thông tin) đã góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại nhiều điểm giao thông như đường Trường Sơn và vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn.
Ông Nguyễn Văn Vũ, người dân sống trên đường Bạch Đằng, nhận định: “Đây là tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người dân chúng tôi trong việc đi lại, kinh doanh mua bán với các quận, huyện khác”.
Tuy nhiên, một số người dân buôn bán trên đường Bạch Đằng cho rằng các giải pháp tổ chức phân luồng giao thông, cấm xe dừng, đỗ vẫn không đủ để giải quyết nạn kẹt xe ở các con đường xung quanh cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong những ngày qua, dù đã tổ chức phân luồng và có cảnh sát giao thông điều tiết nhưng vào giờ cao điểm tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn, đường Hoàng Minh Giám vẫn bị kẹt xe kéo dài. Ngoài ra, người đi đường vẫn chưa quen với tổ chức giao thông mới nên còn xảy ra tình trạng chạy xe ngược chiều gây ách tắc giao thông.
Trao đổi về tuyến đường Phạm Văn Đồng đã thông suốt nhưng đường Bạch Đằng, Hồng Hà vào đến cổng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn kẹt xe và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn vẫn ùn ứ xe, ông Bùi Xuân Cường cho biết UBND TP đã cấp kinh phí để lập các dự án đầu tư nhằm giải quyết giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể là xây dựng nút giao khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn; xây dựng cầu vượt tại nút giao Hồng Hà - Trường Sơn vào sân bay; mở đoạn đường “thắt cổ chai” Trần Quốc Hoàng ở nút giao Lăng Cha Cả; mở rộng đường Hoàng Minh Giám ở đoạn “thắt cổ chai” với đường Phổ Quang; mở đường Phan Thúc Duyện nối dài thẳng ra đường Trường Chinh và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để chuẩn bị việc mở thêm cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Khi các dự án này đưa vào sử dụng, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thông thoáng.
Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được khởi công từ tháng 6-2008 và chia làm 8 đoạn thi công tùy theo tiến độ đền bù, giải tỏa mặt bằng và khi làm xong đoạn nào là đưa vào sử dụng ngay đoạn đó. Điểm đầu tuyến là nút giao Trường Sơn - cổng sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) đến điểm cuối là ngã tư Linh Xuân - quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức). Tuyến đường này được xây dựng gồm: đường Bạch Đằng rộng 20m (kể cả vỉa hè) cho 3 làn xe lưu thông, đường Hồng Hà 20m (kể cả vỉa hè) cho 3 làn xe lưu thông và đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Gò Dưa rộng 60m cho 12 làn xe lưu thông, đoạn từ nút giao Gò Dưa đến quốc lộ 1 rộng 30m cho 6 làn xe lưu thông). Trên tuyến đường này xây dựng các cầu có tuổi thọ 100 năm gồm: cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn dài 975m, cầu Rạch Lăng dài 45m và cầu Gò Dưa dài 75m. Tổng vốn đầu tư dự án gồm chi phí xây dựng đường là 186 triệu USD (vốn nhà đầu tư) và chi phí giải phóng mặt bằng là 6.783 tỉ đồng (vốn ngân sách TP). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận