TTCT - Vụ bê bối chấn động làng tài chính thế giới gần đây đưa đến câu hỏi mà nhiều người quan tâm: lãi suất này có gì quan trọng mà người ta làm ầm ĩ như vậy, và làm sao mà Ngân hàng Barclays (Anh) và những ngân hàng khác có thể thao túng được lãi suất này? Vụ thao túng lãi suất này bắt đầu thu hút dư luận từ cuối tháng 6 khi chuyện tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays là Bob Diamond (một “cái gai” trong mắt dân Anh vì mức lương thưởng khổng lồ của ông này nhận được trong những năm gần đây) phải từ chức và Ngân hàng Barclays - ngân hàng lớn thứ hai của Anh tính theo tổng tài sản - bị các cơ quan quản lý của Anh và Mỹ phạt tổng cộng khoảng 290 triệu bảng Anh.Lý do: Barclays đã cố tình đưa ra con số lãi suất vay liên ngân hàng không trung thực, mà theo các phương tiện truyền thông là cố tình thao túng lãi suất liên ngân hàng. Hãng tin Reuters cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ, châu Âu, Nhật và Canada đang điều tra nhiều ngân hàng lớn bị nghi ngờ liên quan đến vụ thao túng này.Theo BBC, năm 2010 khi được đề bạt làm giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays, Bob Diamond có thể kiếm được 11,5 triệu bảng Anh/năm - mức cao nhất thế giới thời điểm đó - Ảnh: AP“Cuộc chơi” của ông trùmTrước tiên, thử tìm hiểu Barclays đã làm gì để bị “kết tội” là thao túng lãi suất liên ngân hàng. Đầu tiên, lãi suất liên ngân hàng được đề cập ở đây là lãi suất LIBOR và EURIBOR. Hiểu nôm na, đây là lãi suất mà các ngân hàng lớn có thể vay mượn trên thị trường tiền tệ. Cũng giống như ở Việt Nam, thị trường vay mượn giữa các ngân hàng với nhau tồn tại để các ngân hàng thiếu tiền trong ngắn hạn đi mượn của ngân hàng khác đắp vào.Đây chỉ là nghiệp vụ thông thường của các ngân hàng và mức lãi suất liên ngân hàng phần nào phản ánh tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng.Các lãi suất LIBOR và EURIBOR thường được xác định cho nhiều loại kỳ hạn (khoảng 15 loại), từ vay qua đêm, 1 tuần, vài tuần, 1 tháng, vài tháng cho đến 1 năm. Khi nói tới lãi suất LIBOR thì phải hỏi là dành cho loại tiền tệ gì, vì lãi suất USD LIBOR liên quan vay mượn đồng USD khác với lãi suất yen LIBOR liên quan vay mượn đồng yen Nhật.Cách tính LIBOR và EURIBOR có một điểm chung đó là các lãi suất trung bình tính ra từ các lãi suất của một nhóm ngân hàng, gọi là ngân hàng thành viên hội đồng (panel bank). Có một nhóm ngân hàng được phép tham gia quyết định các loại lãi suất này vào 11 giờ sáng hằng ngày giờ London (cho LIBOR) hoặc giờ Brussels (cho EURIBOR). Danh sách các ngân hàng thành viên hội đồng này được công bố trên trang web của Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) cho LIBOR hoặc Hiệp hội Ngân hàng châu Âu (EBF) cho EURIBOR.Theo phương thức tính của LIBOR, các ngân hàng thành viên sẽ gửi lãi suất mà họ nghĩ là họ có thể vay trên thị trường tương ứng với từng loại tiền và từng kỳ hạn cho Thomson Reuters. Thomson Reuters là đại diện sẽ thay mặt Hiệp hội ngân hàng Anh tập hợp các lãi suất mà các ngân hàng thành viên gửi rồi tính toán theo phương thức: loại bỏ 25% mức lãi suất cao nhất và 25% mức lãi suất thấp nhất và tính lãi suất trung bình của số 50% còn lại.Lấy ví dụ trường hợp USD LIBOR kỳ hạn qua đêm. Hằng ngày có 16 ngân hàng thành viên gửi lãi suất USD mà họ cho là mức lãi suất họ sẽ phải vay khi cần tiền từ một ngân hàng khác cho Thomson Reuters. Thomson Reuters sẽ bỏ đi bốn mức lãi suất cao nhất và bốn mức lãi suất thấp nhất và tính LIBOR dựa trên mức trung bình của tám ngân hàng còn lại. Nói nôm na, LIBOR tính theo kiểu bỏ đi các lãi suất quá thấp và quá cao, lấy trung bình của các lãi suất vay liên ngân hàng của các ngân hàng thành viên.Vậy Barclays có vai trò gì trong chuyện thiết lập lãi suất LIBOR và EURIBOR? Rất đơn giản, Barclays là ngân hàng thành viên hội đồng của cả LIBOR và EURIBOR vì nó là một ngân hàng lớn. Do các ngân hàng không cần phải đưa bằng chứng về bất kỳ giao dịch nào làm cơ sở cho mức lãi suất mà mình gửi đi hằng ngày đến hội đồng lập lãi suất LIBOR và EURIBOR, họ hoàn toàn có thể tự do “tưởng tượng” ra mức lãi suất mà mình muốn và đưa ra mức lãi suất để tác động kéo mức lãi suất trung bình được tính ra về gần mức có lợi cho ngân hàng mình.Chẳng hạn, biên bản của cơ quan quản lý Anh là FSA cho thấy bộ phận nhận trách nhiệm gửi lãi suất để xác định LIBOR cho Thomson Reuters của Barclays đã trao đổi thông tin nội bộ qua email với bộ phận giao dịch sản phẩm phái sinh. Một nhân viên giao dịch phái sinh nói với bộ phận gửi lãi suất cho Thomson Reuters là họ rất muốn có một mức lãi suất thấp hơn đối với lãi suất USD LIBOR 3 tháng để có lợi cho vị thế giao dịch mà họ nắm giữ. Bộ phận gửi lãi suất khẳng định với phía giao dịch phái sinh là họ sẽ lưu ý tới yêu cầu này.Trong biên bản của mình, FSA đưa một đồ thị về tình huống diễn ra cho thấy Barclays đã thay đổi mức lãi suất mà họ gửi đi từ mức cao hơn mức trung bình USD LIBOR 3 tháng xuống mức thấp hơn đáng kể ngay sau ngày những trao đổi kiểu như trên được ghi nhận. FSA đã điều tra khoảng hàng trăm trao đổi như vậy giữa bộ phận giao dịch sản phẩm phái sinh và bộ phận gửi lãi suất xác lập LIBOR của Barclays và kết luận là phần lớn các trường hợp cho thấy lãi suất Barclays gửi đi “nhất quán” với yêu cầu của bộ phận giao dịch phái sinh.Những bằng chứng như vậy cho thấy Barclays thật sự cố tình bóp méo số liệu lãi suất mà mình gửi đi với hi vọng thao túng mức lãi suất LIBOR được công bố theo hướng có lợi cho các vị thế giao dịch phái sinh mà mình nắm giữ. Điều này giống như Barclays tham gia “cá độ lãi suất” và cố tình thao túng lãi suất để được lời hoặc ít lỗ.Quan trọng hơn, giới chính trị đang nhảy vào cuộc và vụ việc đã không còn chỉ là vấn đề giữa cơ quan quản lý và các ngân hàng nữa. Người ta muốn biết các quan chức của các ngân hàng trung ương, chẳng hạn hiện nay là trường hợp phó thống đốc Ngân hàng Trung ương của Anh, có từng “nói nhỏ” với Barclays là họ nên thao túng để kéo lãi suất xuống thấp trong thời kỳ khủng hoảng hay không. Khi mà niềm tin vào văn hóa kinh doanh và sự trung thực của ngân hàng ngày càng xuống dốc trong những năm gần đây, thời điểm này các chủ ngân hàng sẽ đối mặt với sức ép lớn từ các chính trị gia.Bóp méo một tí, kiếm vài tỉGần đây giới truyền thông mới tập trung quan tâm đến sự kiện này, nhưng từ năm 2005 người ta đã đặt câu hỏi về chuyện thao túng lãi suất LIBOR và EURIBOR để có lợi cho giao dịch của các ngân hàng lớn - đồng thời là các ngân hàng thành viên thiết lập LIBOR và EURIBOR. Giới học thuật cũng đã có vài nghiên cứu đưa ra nghi ngờ về khả năng một vài ngân hàng có thể đã liên kết với nhau để thao túng các lãi suất này ở một mức không trung thực với tình hình thanh khoản của họ.Chẳng hạn, Rosa Abrantes-Metz của Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York từng công bố kết quả nghiên cứu với các đồng sự vào năm 2008 chỉ ra rằng chỉ cần 5/16 ngân hàng bắt tay với nhau để bóp méo lãi suất mình gửi đi là có thể ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất LIBOR. Tuy nhiên các tranh cãi xung quanh chuyện này không có tiến triển vì rất khó để “bắt quả tang” các ngân hàng thao túng lãi suất. Nó vẫn như một quả bom nổ chậm nằm ở đó.Thế nhưng, sự kiện của Barclays đã châm ngòi cho quả bom này. Sức công phá của quả bom này chắc chắn là lớn. Rất nhiều sản phẩm tài chính, từ cho vay mua nhà đến các sản phẩm phái sinh phức tạp của các ngân hàng đều dựa trên LIBOR để tính ra các mức lời lỗ, mức phải thanh toán của các bên tham gia hợp đồng. Tờ Economist ước tính trị giá các hợp đồng này khoảng 800.000 tỉ USD. Một mức bóp méo nhỏ của LIBOR cũng có thể khiến các ngân hàng lời nhiều tỉ USD và khách hàng lỗ nhiều tỉ USD.Tổn thất của các vụ kiện tụng, các tranh chấp giao dịch và những tổn thất mà các ngân hàng có thể phải chấp nhận bồi thường cho khách hàng có thể tăng lên theo cấp số nhân theo từng ngân hàng bị phát hiện thao túng lãi suất. Khó mà tin là chỉ có một mình Barclays tham gia những thao túng như vậy, bởi vì Barclays thừa hiểu một mình họ bóp méo lãi suất chưa đủ để ảnh hưởng tới kết quả lãi suất trung bình cuối cùng. Nhiều khả năng khi làm việc này Barclays phải có “đồng minh”. Các cơ quan giám sát tất nhiên cũng phải nghĩ đến mặt này và đã vào cuộc.Cho đến nay, ngoài Barclays, một số ngân hàng lớn của Anh bao gồm RBS, HSBC và Lloyds cũng đang bị điều tra. Nhưng số ngân hàng này sẽ không dừng ở đó khi mà các cuộc điều tra còn liên quan đến những tên tuổi lớn ở Đức, Canada và Nhật. Morgan Stanley đã ước tính có khoảng 11 ngân hàng lớn của thế giới có thể bị phạt đến tổng cộng khoảng 14 tỉ USD vì vụ việc này, trong đó ngân hàng lớn nhất có thể bị phạt hơn 1 tỉ USD.* Tác giả đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Manchester, Anh Tags: Ngân hàngLãi suấtThao túngTài chính thế giớiNgân hàng Barclays
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.