Phóng to |
Ngân hàng Barclays là ngân hàng đầu tiên ở Vương quốc Anh bị phạt vì tội danh thao túng thị trường vàng - Ảnh: Euronews |
FCA đồng thời đình chỉ hoạt động của cựu chuyên viên giao dịch - giám đốc mảng kim loại quý Barclays Daniel James Plunkett và phạt ông này 95.600 bảng Anh vì đã khai thác điểm yếu trong hệ thống ngân hàng để trục lợi.
Barclays đã có vấn đề về kiểm soát nội bộ lỏng lẻo kể từ năm 2004 - 2013 nhưng sự kiện chính xảy ra là vào ngày 28-6-2012 - một ngày sau khi chính phủ Anh và Mỹ phạt ngân hàng này 450 triệu USD vì thao túng lãi suất cơ bản toàn cầu và lãi suất liên ngân hàng London Libor.
Ngày 28-6-2012, ông Plunkett đã điều chỉnh giá vàng giảm tại London bằng cách đặt nhiều đơn hàng. Nhờ vậy, Barclays tránh được khoản tiền 3,9 triệu USD trả cho một khách hàng, theo hợp đồng tùy chọn với điều khoản khách chỉ nhận được tiền từ Barclays nếu giá vàng hôm đó trên mức 1.558,96 USD.
Trong đêm 27-6, ông Plunkett gửi một bức thư điện tử đến các đồng nghiệp với nội dung ám chỉ giá vàng sẽ thấp hơn 1.558,96 USD trong ngày hôm sau. Kết quả điều tra của FCA cho thấy Plunkett đã khai tài khoản giả mạo về các hoạt động giao dịch của mình để qua mắt Barclays và cơ quan giám sát. Sau vụ gian lận, 1,76 triệu USD tiền lãi đã “chảy” vào sổ giao dịch của ông Plunkett. Barclays sau đó đã đền bù đầy đủ cho khách hàng.
"Sự thiếu kiểm soát và xem thường lợi ích khách hàng đã một lần nữa bôi nhọ danh tiếng của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính", Tracey McDermott - giám đốc phụ trách thực thi luật lệ và tội phạm tài chính FCA, nhận xét.
Vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor của Barclays đã khiến các cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động thiết lập giá chuẩn, bao gồm cả cách thức định giá vàng ở London vốn được đưa ra vào năm 1919.
Mỗi ngày vào lúc 10g và 15g tại London, 5 ngân hàng Barclays, Société Générale, Deutsche Bank, Scotiabank và HSBC sẽ thiết lập giá vàng qua điện thoại, với sự chứng kiến của đại diện ngân hàng và khách hàng. Giá sẽ được định khi lượng vàng giao dịch từ 2 bên đạt 50 thanh, tương đương 620kg, dựa trên các lệnh mua và bán của các mỏ vàng, công ty kim hoàn, ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, Deutche Bank khẳng định từ tháng này sẽ không tham gia quy trình định giá vàng bạc, do lo ngại các vấn đề pháp lý và ngân hàng này chuẩn bị rút khỏi mảng kinh doanh hàng hóa.
Quy trình định giá bạc trong thị trường London 117 năm tuổi cũng sẽ kết thúc vào tháng 8-2014 khi HSBC và Bank of Nova Scotia rút lui. Sự kiện này buộc cơ quan quản lý phải thắt chặt quản lý tiến trình thay đổi cách thức thiết lập giá kim loại quý tại nước Anh.
Hiệp hội Thị trường quý kim London (The London Bullion Market Association) đã tổ chức thảo luận về phương án thay thế giá chuẩn kim loại bạc bằng một hệ thống pháp lý chặt chẽ hơn, và sau này có thể áp dụng lên việc định giá cho các kim loại quý khác.
FCA cùng một số cơ quan quản lý khác như Bafin của Đức hay Ủy ban Thương mại hàng hóa tương lai Mỹ cũng đang cân nhắc lại việc thiết lập giá vàng.
Khôi phục danh tiếng Giám đốc điều hành Barclays Antony Jenkins đang nỗ lực khôi phục lại danh tiếng cho ngân hàng sau hàng loạt vụ bê bối, nhưng quá nhiều lỗi lầm trong quá khứ lần lượt bị phanh phui đang phủ nhận mọi cố gắng của ông. Ông cho biết văn hóa của Barclays - vốn đang bị chỉ trích mang rủi ro cao - cùng hệ thống kiểm soát đã được cải thiện. "Chúng tôi rất tiếc về những tình huống này... nhưng đó sẽ là động lực cho chúng tôi quyết tâm chỉnh đốn", ông Jenkins nói trong ngày FCA tuyên án phạt Barclays. Ngân hàng Barclays là ngân hàng đầu tiên ở Vương quốc Anh bị phạt vì tội danh “nhúng tay” vào thị trường vàng 95 năm tuổi của nước này. Barclays cũng là ngân hàng đầu tiên bị phạt với tội danh thao túng lãi suất liên ngân hàng London Libor. Tháng 4-2014, cựu giám đốc khối giao dịch vàng giao ngay Marc Booker của Barclays nghỉ việc như một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của ngân hàng và rút khỏi mảng kinh doanh hàng hóa. |
(Theo Euronews, Business Week)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận