10/05/2022 09:26 GMT+7

Tháo ‘rào cản’ để hút du khách

TIẾN THẮNG - MINH CHIẾN - CHÍ CÔNG - TRƯỜNG TRUNG - NHƯ BÌNH
TIẾN THẮNG - MINH CHIẾN - CHÍ CÔNG - TRƯỜNG TRUNG - NHƯ BÌNH

TTO - Hiện nhiều tỉnh thành, các công ty du lịch đang ồ ạt mở ra nhiều loại hình du lịch cũng như làm mới mình nhằm thu hút du khách sau khi du lịch bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ dịp giỗ Tổ Hùng Vương và dịp lễ 30-4, 1-5.

Tháo ‘rào cản’ để hút du khách - Ảnh 1.

Anh Bổn hướng dẫn đoàn du khách nước ngoài tham quan Việt Nam trong 10 ngày, đi từ Hà Nội - Hạ Long - Huế - Hội An - TP.HCM - Bến Tre (ảnh chụp chiều 9-5) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tuy nhiên vẫn còn đó những "rào cản" cần được giải quyết để việc phục hồi du lịch thật sự mạnh mẽ và bền vững.

Người dân chuyển động

Sau dịch COVID-19 nhiều khu du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp tại các vùng ngoại ô ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, do bà con đầu tư phát triển mạnh và rất thu hút du khách. Các khu du lịch dạng này dù xa trung tâm, không có nhiều dịch vụ tiện ích nhưng vẫn hút khách mạnh mẽ vì đánh đúng vào xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, tìm về thiên nhiên "sống chậm" của du khách sau dịch.

Việc đưa vào hoạt động các khu du lịch sinh thái thực sự tạo nên làn gió mới về sản phẩm du lịch, làm mới hình ảnh du lịch Đà Nẵng trong mắt du khách. Trong đó một số khu du lịch nổi tiếng được nhiều du khách biết tới tại khu vực sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, như Yên Retreat, Heart Organic Farm, Làng Coco, Làng Mê có lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, gần gũi núi rừng, sông nước.

Ông Bùi Đức Tuấn, đại diện khu du lịch sinh thái Yên Retreat - đơn vị đầu tiên làm mô hình du lịch sinh thái kết hợp cắm trại, dã ngoại khu vực thượng nguồn sông Cu Đê, cho hay các hộ kinh doanh du lịch tại Hòa Vang mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các khu du lịch hoạt động, tham gia vào đề án thí điểm khai thác du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản mà thành phố vừa ban hành. 

Việc này sẽ tạo động lực cho các hộ mạnh dạn phát triển du lịch sinh thái, tạo điểm đến mới cho du khách và giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho bà con miền núi.

Nói về mong mỏi của dân, ông Phan Văn Tôn, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết huyện đang họp để thông qua báo cáo cho các cơ quan chức năng thành phố về việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương để xin ý kiến lãnh đạo thành phố về việc này. Theo ông Tôn, chính quyền địa phương nhận thấy việc bà con phát triển du lịch sinh thái thời gian qua phát huy được hiệu quả, thu hút được du khách đến với miền núi.

Tại Quảng Ninh, ông Lê Trọng Thanh, phó giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, cho biết khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử bên cạnh các dịch vụ có sẵn, đơn vị đã đưa nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo như: hành hương theo dấu chân Phật hoàng, ngắm bình minh trên đỉnh non thiêng, một ngày tập tu... 

Ngoài ra nơi đây còn có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo phương pháp y học cổ truyền, các trải nghiệm khai thác giá trị tinh thần như nghỉ thiền trầm, thiền chuông, thiền trà, thiền thở, thiền hành, thiền yoga... để gia tăng trải nghiệm, thu hút du khách.

Ông Bùi Đức Long, giám đốc Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long, cũng đầu tư hàng chục tỉ đồng cho sản phẩm mới là tàu nhà hàng giúp khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa ngắm cảnh quan Hạ Long về đêm từ phía biển. 

Ông Đoàn Mạnh Cường, giám đốc Công ty CP du thuyền Đông Dương, chia sẻ hiện khách nước ngoài có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, ưu tiên sự riêng tư. Vì vậy công ty sẽ nâng cấp các du thuyền sẵn có 5 - 10 phòng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của du khách.

Tháo ‘rào cản’ để hút du khách - Ảnh 2.

Một khu du lịch sinh thái thượng nguồn sông Cu Đê đang là điểm đến hút khách tại Hòa Vang, Đà Nẵng - Ảnh: Đ.T.

Chính quyền góp sức

Nói về phương hướng thúc đẩy hoạt động du lịch trong thời gian tới, ông Phạm Ngọc Thủy, giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho rằng ngành du lịch tập trung kêu gọi các nhà đầu tư uy tín phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, hướng đến dòng nghỉ dưỡng cho phân khúc khách hạng sang.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cũng cho hay ngành du lịch tỉnh này đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số để thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến các thị trường quốc tế; xây dựng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách sau dịch. 

Đồng thời trong dịp hè năm nay du lịch Khánh Hòa sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Sở Du lịch, các ban ngành cũng tiến hành xúc tiến các thị trường khách quốc tế mới như Ấn Độ, Singapore...

Còn theo ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc ở ấp Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) với quy mô 101ha cũng đã được cấp phép đầu tư. Kiên Giang xác định dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc này là dự án trọng điểm của Phú Quốc.

Đây là dự án có quy mô lớn, góp phần tạo nên sản phẩm độc đáo cho Việt Nam và cả khu vực. Sau khi hoàn thành, khu phi thuế quan này được địa phương kỳ vọng sẽ tăng thêm dịch vụ du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm hàng hóa giá trị cao cho du khách đến với đảo ngọc.

"Hiện tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn khảo sát, nghiên cứu đầu tư thêm các sản phẩm dịch vụ đặc sắc góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách", ông Thái nói.

Tháo ‘rào cản’ để hút du khách - Ảnh 3.

Đoàn du khách Mỹ tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần mở chính sách visa

Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng chính sách visa cần có sự thay đổi để điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay đối với các nước chưa được miễn thị thực thì khách muốn nhập cảnh phải có người bảo lãnh. Điều này gần như "bất khả thi" với hầu hết khách vì không biết xin ai bảo lãnh.

Ngoài ra hiện nay khách lẻ xin visa thực hiện online, việc xử lý và cấp visa không ấn định thời gian trả lời cụ thể nên khách không chủ động thời gian.

"Về lâu dài nếu vẫn tiếp tục yêu cầu xin thị thực đối với quá nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nhóm khách chính của ngành du lịch trong nước thì sẽ là rào cản khiến du lịch khó thu hút khách quốc tế, giảm tính cạnh tranh so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á", ông Dũng nói.

Ông Bùi Quốc Đại, phó giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex, cũng nói việc miễn thị thực chỉ 15 ngày cho khách Nga và thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) là quá ít, trong khi thời gian lưu trú của nhóm khách này khá dài và chặng bay xa. Điều này sẽ hạn chế nhu cầu du lịch của du khách.

Ông Trần Minh Đức, chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, cùng chia sẻ chính sách thị thực vẫn chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch.

“Một số thị trường khách quan trọng của Khánh Hòa như Hàn, Nhật đã bắt đầu mở cửa du lịch. Chúng ta cần phải có những chính sách, cơ chế thực sự thông thoáng để đón nguồn khách này vào đúng dịp hè. Mở rộng việc miễn thị thực thêm nhiều quốc gia khác để đón thêm nhiều nguồn khách", ông Đức nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục xin thị thực điện tử hiện gặp không ít khó khăn. Các thông tin về xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam đều ít được công khai, rõ ràng trên bất kỳ cổng thông tin điện tử chính thức, vì vậy doanh nghiệp gặp trục trặc cũng không biết hỏi ở đâu.

"Nếu thực sự muốn du lịch hồi phục thì phải tháo điểm nghẽn này. Cách mở cửa hiện nay đang làm cho du lịch Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các nước", bà Khánh nói.

Cần thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp lớn

Theo một vị nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, du lịch phục hồi như hiện nay cho thấy sức sống của ngành nhưng cũng cần nhận ra vai trò nòng cốt của nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.

Các trung tâm du lịch lớn không chỉ cần có biển, có tài nguyên sẵn có, mà quan trọng là hạ tầng làm bài bản, các chương trình, sự kiện hấp dẫn mới lôi kéo được khách. Sự hồi phục nhanh chóng vừa qua không chỉ nhờ sự chỉ đạo của ngành du lịch, lãnh đạo các địa phương mà còn là sự nỗ lực không mệt mỏi của những doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ, ít nhất là tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn, các doanh nhân ngành du lịch tăng đầu tư, tạo những điểm đến ấn tượng như "cầu Vàng" ở Đà Nẵng, hay sắp tới là "cầu Hôn" ở Phú Quốc... để du lịch phát triển bền vững.

TIẾN MẠNH

Sẽ trình Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết Tổng cục Du lịch đang triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quyết định năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Khánh cho biết dự kiến Bộ VH-TT&DL sẽ trình Chính phủ bản quy hoạch này vào cuối năm nay.

Theo yêu cầu của Chính phủ, việc quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia phải đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kết nối các ngành, các vùng theo quy hoạch tổng thể quốc gia...

T.ĐIỂU

Du lịch "khát" lao động

2

Nhân viên bếp phục vụ ăn sáng tại Marina Bay resort Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhiều nơi đang chạy đua tuyển dụng hoặc phân công nhân viên choàng gánh công việc nhằm "chữa cháy".

Tiếp tân cũng bưng bê, dọn phòng

Phó giám đốc Pandanus Resort ở Mũi Né - chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh cho biết sau dịch lao động tại cơ sở này giảm khoảng 30%. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, tất cả nhân sự tại cơ sở chị Hạnh phải tăng ca, hoạt động hết công suất... "Đơn vị có gọi các lao động cũ quay trở lại làm việc nhưng họ đã đổi nghề, có công việc mới ổn định nên chẳng còn tâm trí nào quay lại làm du lịch", chị Hạnh nói.

Ông Trần Văn Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết tại cơ sở của ông Bình, dịp lễ vừa qua nhân viên tiếp tân phải vừa tiếp khách vừa phải bưng bê, dọn dẹp phòng... Ông Bình thừa nhận việc "chữa cháy" như thế chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài không ổn định, nhất là dịp hè đang cận kề.

Sau các đợt dịch COVID-19, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu lại thiếu những người làm nghề chạy bàn, dọn phòng. Ông Phạm Ngọc Hải, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện ngành du lịch tỉnh "thiếu toàn diện" từ lao động chất lượng cao đến trung bình.

Để đủ người phục vụ cho ngành du lịch trong dịp hè 2022, tỉnh phải bổ sung số nhân sự cao hơn gấp rưỡi so với trước dịch, trong khi đó trước dịch COVID-19, tỉnh này đã thiếu hàng ngàn người. Theo khảo sát của hiệp hội vào cuối năm 2021, đến nay ngành du lịch tỉnh này đang thiếu khoảng 15.000 người.

Nan giải tìm nguồn bổ sung

Bà Đinh Bích Diệp, hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), cho hay chuyện thiếu nguồn nhân sự cho ngành du lịch là chuyện của cả nước, không chỉ riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu đang phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức đào tạo lao động ngắn hạn, tại chỗ những kỹ năng cơ bản. Trường cũng gửi sinh viên thực tập đến các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh vừa để cho các em tiếp xúc sớm với nghề, sau này khỏi đào tạo lại vừa đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.

Còn về lâu dài, theo bà Diệp, cần có sự đầu tư của Nhà nước, nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định "du lịch là một trong những trụ cột của nền kinh tế". Ngoài ra Nhà nước cũng phải có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để họ tự đào tạo nhân viên, giảm học phí cho người học.

Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh cho biết đơn vị cũng đã chuẩn bị từ trước, mặc dù mùa dịch nhưng vẫn cố gắng nhận thực tập sinh. "Những bạn nào làm tốt sẽ giữ lại làm chính thức. Những giai đoạn cao điểm du lịch thì gọi tất cả đến làm thêm.

Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu lao động nên cơ sở tôi đang mở rộng tìm nguồn thêm ở các trường tại TP.HCM và nhiều địa phương khác. Ngành du lịch mà không đảm bảo nhân sự thì không thể đạt được chất lượng như ý muốn", chị Hạnh chia sẻ.

Ông Trần Văn Bình cũng cho rằng giải pháp trước mắt là phải đào tạo nguồn lao động ngắn ngày. Việc này cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức dạy nghề. Các cơ sở kinh doanh du lịch trước đây nhận học việc là có lương nhưng bây giờ không thể kham nổi.

Bình Thuận xác định du lịch là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, tuy nhiên hiện nguồn lao động phục vụ cho ngành đang gặp nhiều vấn đề. Nhất là dịp hè sắp tới, chưa biết tìm nguồn lao động ở đâu ra. Nhiều cơ sở du lịch hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động chuyên nghiệp cũng như phổ thông sau dịch COVID-19.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thiếu khoảng 15.000 lao động cho ngành du lịch, trong khi đó, quy mô đào tạo chính quy của Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu là 1.000 người/năm, ngắn hạn từ 500 - 1.000 người/năm. Do vậy hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đang "khát" người nghiêm trọng.

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG

Thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh hơn Thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh hơn

TTO - Các số liệu tăng trưởng khách vô cùng ấn tượng trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua cho thấy du lịch cũng như nền kinh tế đang trên đà trở lại bình thường khá nhanh.

TIẾN THẮNG - MINH CHIẾN - CHÍ CÔNG - TRƯỜNG TRUNG - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên