Và dù một số đại biểu (và cả cử tri) theo dõi đồng tình hay phản đối (muốn tranh luận thêm) cũng không còn cơ hội tranh luận thêm, bởi thời lượng kỳ họp dành cho thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội kết thúc sau đó.
Quốc hội đã dành một ngày để đại biểu thảo luận về kinh tế - xã hội. Thời lượng vừa phải,
rất đông đại biểu muốn phát biểu (mỗi đại biểu chuyển tải nhiều nội dung) nên từng vấn đề đều được lướt qua, chủ yếu nêu hiện tượng và kiến nghị theo kiểu mong muốn, gửi gắm "cần phải có giải pháp", "đẩy mạnh", "khẩn trương"…
Trong khi điều quan trọng là số liệu lập luận làm rõ những hạn chế, vướng mắc của vấn đề (đại biểu muốn nêu) và giải pháp cụ thể giải quyết từng vấn đề lại thiếu vắng trong một phiên thảo luận.
Cũng chính vì vậy, như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cảm thán, bà thấy mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ đều có báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng thảo luận nhưng "kịch bản" na ná giống nhau.
Báo cáo nêu thành tích và vướng mắc, nhiều đại biểu phát biểu nêu những điều làm được, hạn chế và kiến nghị những giải pháp chung chính. Cuối cùng vấn đề kỳ trước vẫn nằm trong báo cáo kỳ sau.
Rất nhiều vấn đề được mang ra thảo luận, mỗi đại biểu dường như nêu một vấn đề, nhưng vấn đề vẫn tồn tại dai dẳng, không được giải quyết triệt để, đến nơi đến chốn.
Khó có thể có một vấn đề được đưa ra giải quyết triệt để nếu không có những phiên thảo luận, tranh luận sâu của đại biểu Quốc hội về chỉ riêng một vấn đề đó. Đó là chưa kể có trường hợp đại biểu nêu những vấn đề "ở đâu đâu", không sát thực tế.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào chiều 29-5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) là hai trong những đại biểu hiếm hoi nỗ lực thu thập, tổng hợp số liệu để chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay.
Nỗ lực đó của hai đại biểu nhằm nêu thông điệp "nếu chờ 2 năm nữa mới thông qua quy định của luật thuế như đề xuất thì nhiều người dân phải trong cảnh thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân" và "đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp".
Vấn đề các đại biểu nêu là một trong những vấn đề lớn đang được cử tri và nhân dân quan tâm.
Các số liệu của đại biểu và kiến nghị đưa ra rất cần được xem xét kỹ lưỡng để các cơ quan Quốc hội, Chính phủ đưa ra quyết định "làm đúng luật" hay điều chỉnh để giải quyết vấn đề bức bách của người dân.
Chính thảo luận, tranh luận sâu sẽ giúp làm rõ vấn đề này. Cả bộ trưởng và đại biểu muốn chứng minh lập luận của mình đúng phải đưa ra những số liệu, luận cứ chứng minh cho từng lập luận.
Trong ba cách tranh luận (theo chứng cứ, giá trị và quyền năng), cách tranh luận mang lại hiệu quả và giá trị nhất là tranh luận theo chứng cứ.
Khi nói lên một ý kiến tranh luận, người đại biểu phải đưa ra toàn bộ dữ liệu, số liệu đầy đủ để lập luận cho luận cứ của mình.
Hai loại tranh luận kia rất khó thuyết phục, khá cảm tính và không thể tranh luận dài, đi tận cùng vấn đề. Đáng tiếc đây là hai loại tranh luận đang được nhiều đại biểu sử dụng nhiều hiện nay.
Và nếu vẫn giữ cách tổ chức dàn trải thảo luận nhiều vấn đề trong một phiên thảo luận, hay các đại biểu vẫn giữ cách tranh luận như hiện nay, khó có thể đưa ra vấn đề và giải quyết triệt để nó. Khi đó, cả trách nhiệm "thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri" cũng khó đạt hiệu quả cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận