Ngày 4-11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Một chương trình nghị sự như vậy là rất nặng. Có thể do quá nhiều công việc nên Quốc hội phải "căng mình" để làm cho hết. Tuy nhiên thảo luận quá nhiều vấn đề trong một phiên họp sẽ rất khó khăn cho cả các đại biểu, các lãnh đạo điều hành và cả cử tri.
Do bị hạn chế về thời gian nên sẽ khó có vấn đề nào được xem xét một cách thấu đáo và sẽ không tránh khỏi trường hợp mỗi đại biểu phát biểu một vấn đề. Mà như vậy, Quốc hội cũng khó có thể bày tỏ được đầy đủ chính kiến của mình.
Ngoài ra, sự phân tán chủ đề còn gây khó khăn cho các đại biểu trong việc tập trung nghiên cứu, thu thập chứng cứ để có thể phát biểu một cách có chất lượng.
Đối với cử tri và công chúng, việc theo dõi và giám sát các đại biểu thảo luận quá nhiều vấn đề cũng trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Điều này làm giảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của đại biểu đối với từng vấn đề cụ thể.
Nhìn ra thế giới, quốc hội các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp... thường mỗi phiên họp toàn thể chỉ tập trung thảo luận một chủ đề.
Cách làm này giúp đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các quyết sách. Tập trung vào một vấn đề cho phép các đại biểu đi sâu phân tích, cân nhắc mọi khía cạnh và tác động của chính sách.
Điều này cũng giúp tránh tình trạng lặp lại hoặc bỏ sót thông tin, đảm bảo rằng mỗi chủ đề được xem xét toàn diện trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra việc thảo luận đến nơi đến chốn một chủ đề cũng giúp các cử tri và công chúng dễ dàng theo dõi và hiểu rõ lập trường của đại biểu, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Hơn thế nữa, luật nghị viện - luật được áp dụng để vận hành các nghị viện/quốc hội, còn quy định là trong phiên họp toàn thể ở mỗi thời điểm chỉ được thảo luận về một vấn đề.
Nghĩa là không được để xảy ra tình trạng đại biểu A vừa phát biểu về bão lũ mà đại biểu B tiếp theo lại phát biểu về việc dạy nghề.
Thật ra các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ở nước ta đang được vận hành như một phiên phát biểu tự do (hay như diễn đàn đại diện).
Các đại biểu phát biểu về mọi vấn đề mà cử tri quan tâm. Làm như vậy có cần thiết không?
Tất nhiên, rất cần thiết! Không thể làm đại biểu mà không đưa ra nghị trường được những vấn đề nóng bỏng nhất của cử tri. Tuy nhiên, đây cần phải được xem là một công việc khác của Quốc hội, không phải là việc thảo luận về chính sách và pháp luật.
Ngoài việc vận hành chức năng đại diện, các phiên phát biểu tự do cũng rất quan trọng cho việc xác lập nghị trình.
Chính phủ có thể căn cứ vào ý kiến của các đại biểu tại các phiên phát biểu tự do này để xây dựng chương trình hành động hoặc thiết kế các phản ứng chính sách của mình.
Các đại biểu cũng có thể đề nghị Quốc hội tổ chức các phiên thảo luận chuyên sâu về những vấn đề mà các đại biểu đã nêu ra.
Nếu kiến nghị của các đại biểu được chấp nhận thì các quyết sách cũng như nghị quyết của Quốc hội sẽ được đưa ra tại các phiên thảo luận chuyên sâu này, chứ không phải ở phiên phát biểu tự do.
Nếu không như vậy thì sẽ có thể không tránh khỏi trường hợp phát biểu của đại biểu rơi vào thinh không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận