27/10/2021 13:06 GMT+7

Thảo luận cơ chế đặc thù từng địa phương, đại biểu nói cần cơ chế toàn vùng

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Sáng 27-10, đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Nhiều đại biểu đề xuất có nghị quyết cơ chế đặc thù cho toàn vùng.

Thảo luận cơ chế đặc thù từng địa phương, đại biểu nói cần cơ chế toàn vùng - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một "cơ thể" vừa trải qua cơn bạo bệnh - Ảnh: QUOCHOI.VN

Hầu hết đại biểu phát biểu tán đồng với việc cần thiết ban hành các nghị quyết để tạo động lực cho các tỉnh, thành phát huy tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, trở thành các cực tăng trưởng của vùng.

Dù vậy, nhiều đại biểu băn khoăn khi cho một số tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ bất bình đẳng với các tỉnh khác trong vùng.

Cần cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng mỗi tỉnh trong cả nước đều có đặc điểm riêng, nếu cho một số tỉnh thí điểm sau đó tổng kết để nhân rộng ra sẽ không công bằng với số tỉnh nhỏ.

Ông Hòa đề xuất thay vì cho cơ chế riêng mỗi tỉnh thì nên có nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, tránh so bì giữa các tỉnh. Ví dụ như Đồng bằng sông Cửu Long đã có nghị quyết 120 của Chính phủ, có thể nâng lên thành nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù chung, dân sẽ phấn khởi hơn.

"Cũng như khúc ruột miền Trung, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc…, thay vì cho đặc thù mỗi tỉnh chỉ phát triển kinh tế, xã hội cục bộ, thì phát triển chung cả vùng sẽ hay hơn", ông Hòa nêu.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn thảo luận, cùng với quy hoạch quốc gia vẫn còn chưa được định hình.

"Chúng ta vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm bởi đây mới chính là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng và chỉ có như vậy các tỉnh mới có thể đi xa cùng nhau", ông Nhân nói.

Đại biểu Bình Dương cũng cho hay do các điều kiện khách quan và chủ quan nên các địa phương chưa tận dụng được hết cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực cho đầu tư.

Để tránh những tồn tại, hạn chế lặp lại, ông Nhân đề nghị: "Kèm với dự thảo nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cần phải có những chương trình, đề án như một cam kết về hiệu quả của nghị quyết đối ứng với niềm tin mà gần 500 đại biểu đã tin trao cho các địa phương".

Cơ chế, chính sách đặc thù đặt trong tổng thể vùng kinh tế

Thảo luận cơ chế đặc thù từng địa phương, đại biểu nói cần cơ chế toàn vùng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - đặt vấn đề: "Khi đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, các tỉnh, thành đã đặt trong tổng thể mối quan hệ với các tỉnh trong vùng kinh tế hay chưa? Các cơ chế chính sách được đưa vào đã đặt trong tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển vùng kinh tế cũng như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2021-2025 hay chưa?".

Bà Hoa đề nghị thời gian tới có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho từng địa phương thay vì "đồng phục" trong chính sách, nên hướng tới Chính phủ đề xuất cho các địa phương các tỉnh vùng kinh tế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

"Điều này sẽ tạo động lực, khai thác tiềm năng của các tỉnh và tạo ra những trụ cột, đầu tàu kinh tế cho cả vùng kinh tế", bà Hoa nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - tranh luận với một số đại biểu có ý kiến việc cho cơ chế, chính sách đặc thù dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng các địa phương và đề xuất cơ chế chính sách cho vùng.

Ông Vân ví von nước Việt Nam hiện có 63 người con nhưng năng lực, khả năng, tiềm năng, lợi thế của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, trừ Luật thủ đô, 62 tỉnh còn lại chung một nền tảng pháp lý, nếu như không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó kích hoạt để địa phương phát triển theo lợi thế, tiềm năng.

Mặt khác, việc áp dụng các cơ chế, chính sách lâu nay chưa có nên phải thí điểm, từ đó phân loại địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm địa phương.

Đề xuất cơ chế đặc thù để hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cảng biển Đề xuất cơ chế đặc thù để hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cảng biển

TTO - Bộ Giao thông vận tải đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng ban hành nhằm tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo 'sân chơi' cho nguồn vốn xã hội hóa tiền đầu tư vào cảng biển.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên