Chiều 24-6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tại tỉnh Bến Tre để giải quyết vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam gồm dự án vành đai 3 (TP.HCM), các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Chưa thể cung cấp đủ cát cho các dự án
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đã báo cáo về tình hình, khả năng cung ứng cát san lấp cho các dự án giao thông, công trình trọng điểm quốc gia; những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất đến các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết khu vực phía Nam hiện có 16 dự án giao thông trọng điểm thiếu khoảng 65 triệu m3 cát. Tuy nhiên, nguồn cát tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long còn nhiều vướng mắc nên chưa khai thác được.
Về thủ tục cấp phép khai thác, phía chủ đầu trực tiếp làm việc với địa phương và địa phương có quyết định phê duyệt nhưng hiện nhiều tỉnh vướng mắc, chưa thể cung cấp cát cho các dự án để đảm bảo tiến độ.
Ông Nguyễn Minh Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - thông tin tỉnh đang thực hiện đấu giá quyền khai thác với 6 mỏ cát, với trữ lượng hơn 10 triệu m3. Số cát này sẽ ưu tiên giao cho TP.HCM để thực hiện dự án đường vành đai 3.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá trong tháng 8-2024, quý 4-2024 đưa vào khai thác 3 mỏ gồm: Quới Sơn, An Đức - An Hòa Tây, An Hiệp - An Ngãi Tây; quý 1-2025 đưa vào khai thác 3 mỏ trên sông Ba Lai.
Đối với 2 triệu m3 cát giao cho dự án đường vành đai 3 (TP.HCM) trong năm 2024, áp dụng theo cơ chế thông thường, sau khi Bến Tre chọn được đơn vị trúng đấu giá sẽ trao đổi ưu tiên cung cấp cát phục vụ cho công trình này.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cũng cho biết sau khi được đề xuất, UBND tỉnh Tiền Giang đã làm việc liên tục và có thể khai thác 17 trên tổng số 31 mỏ cát cho các nhà thầu dự án vành đai 3 (TP.HCM) lựa chọn.
Theo ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương đang thành lập hai hội đồng khai thác và thẩm định khai thác cát biển để cung cấp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Sóc Trăng. Địa phương sẵn sàng cung cấp cát biển và cát sông cho các tỉnh, thành có nhu cầu sử dụng cát biển thì nên đăng ký với tỉnh sớm.
Trước mắt, tỉnh Tiền Giang sẽ xem xét cấp 3,1 triệu m3 cát san lấp (tại các mỏ Vàm Cái Thia 2,1 triệu m3, Hòa Khánh 1 670.000m3 và Hòa Hưng 5 430.000m3). Tiền Giang sẽ cố gắng sớm nhất trong tháng 9 làm xong thủ tục cấp phép khai thác cho các mỏ cát.
Trong khi đó ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho dự án đường vành đai 3 (TP.HCM) khoảng 9,3 triệu m3. Hiện hai tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang đã thống nhất cấp cho TP.HCM tổng cộng hơn 3 triệu m3 cát tính đến cuối năm 2024. Riêng Bến Tre thì cuối năm 2024 sẽ bắt đầu cung cấp với số lượng 2 triệu m3.
"Hiện để xử lý nguồn cát thiếu thì một số nhà thầu đã mua cát từ nguồn cát Campuchia. Phương án này TP.HCM ủng hộ, mặc dù có thể sẽ phải chi bù chênh lệch giá, bởi phương pháp này về lâu dài có thể hạn chế tài nguyên cát trong nước. Với khả năng cung cấp cát của ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, dự án vành đai 3 (TP.HCM) sẽ đạt tiến độ" - ông Phan Văn Mãi nói.
UBND TP.HCM kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Long tham mưu Tỉnh ủy thống nhất chủ trương hỗ trợ cung cấp cát đắp nền đường cho dự án đường vành đai 3.
Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định để cung cấp cát đắp nền đường kịp tiến độ dự án đường vành đai 3 trong năm 2025, 2026.
Linh hoạt để xử lý các vướng mắc hiện nay
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, khó khăn do thiếu cát san lấp tại các dự án trọng điểm quốc gia ở khu vực phía Nam có trách nhiệm của Trung ương và các địa phương. Do đó, từ Trung ương đến địa phương sẽ linh hoạt, linh động để xử lý các vướng mắc hiện nay vì tình trạng thiếu cát và không làm tăng tổng mức đầu tư.
Phó thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành và địa phương cần phải có trách nhiệm cụ thể đối với vấn đề cung cấp cát phục vụ các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông vận tải quản lý tiến độ các dự án theo yêu cầu, trên tinh thần không làm thay đổi tổng mức phân bổ cho từng địa phương.
Trong tuần này, Bộ Giao thông vận tải cử cán bộ đến các địa phương Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang làm việc các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, nâng công suất khai thác các mỏ cát, quyết định chỉ định đầu tư, cấp mỏ cát.
Trong lần công tác này, cần có sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và nếu có vướng mắc thì trình lên Trung ương xử lý ngay. Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cần có văn bản công bố quy chuẩn về cát biển, công nghệ...
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang… phải khẩn trương giải quyết các vướng mắc hiện nay trong quá trình cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ cát trên địa bàn.
Trước đó sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chuyến thực tế tại một số khu vực mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Báo cáo với Phó thủ tướng, UBND tỉnh Bến Tre thông tin hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một mỏ khoáng sản cát san lấp hoạt động khai thác được cấp phép khai thác năm 2020 qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với công suất khai thác 180.000m3/năm, trữ lượng khai thác 489.329m3, thời hạn giấy phép được gia hạn 2 năm (đến tháng 10-2024). Chất lượng cát không đáp ứng yêu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm.
Ngày 17-11-2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngay sau đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2024, gồm 6 khu vực mỏ, trong đó tổng trữ lượng 3 mỏ đã có kết quả thăm dò 4.234.123m3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận