Phim trường Kong: Skull Island tại vùng lõi di sản Tràng An - Ảnh: T.ĐIỂU
Chiều 20-9, phim trường Kong: Skull Island được tháo dỡ sau hai năm tồn tại ở vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An. Để thay thế phim trường, một kế hoạch phục dựng làng Việt cổ như một bảo tàng ngoài trời về đời sống người Việt cổ đang được tính tới.
Ông Bùi Văn Mạnh - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - cho biết việc tháo dỡ là thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO để tránh những hiểu lầm về di sản thế giới Tràng An chứ không phải vì sai phạm mà phải tháo dỡ.
Lo ngại xu hướng "giải trí hóa" di sản
"Phim trường giống tới 99% phim trường cũ, tất cả đều bằng tre nứa chứ không có gì ảnh hưởng tới di sản hay ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan. Tuy nhiên, nếu để lâu dài thì UNESCO lo lắng có thể khiến du khách hiểu lầm những thổ dân đó là người ở Tràng An và những giá trị văn hóa đó là giá trị văn hóa của Tràng An" - ông Mạnh giải thích lý do tháo dỡ phim trường Kong: Skull Island.
Ông Mạnh cho biết kỳ họp 42 của Ủy ban Di sản thế giới vào tháng 6 đã kết luận một số nội dung liên quan tới quần thể danh thắng Tràng An, trong đó có khuyến nghị: "Lưu ý rằng mô hình phim trường hiện tại sẽ bị dỡ bỏ trong tương lai. Yêu cầu nước thành viên đảm bảo việc quảng bá di sản trong khu di sản phải gắn với việc giải thích các giá trị nổi bật toàn cầu".
Về khuyến nghị của UNESCO liên quan tới phim trường Kong: Skull Island, bà Phạm Thị Thanh Hường - trưởng ban văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - cho biết từ năm 2018, UNESCO đã có lời khuyên với Ninh Bình là nên cân nhắc không nên làm như vậy.
Lý do là phim trường này là sản phẩm của công nghiệp văn hóa giải trí, tuy không có gì sai trái nhưng những nội dung hư cấu không gắn gì với văn hóa địa phương, với giá trị của di sản lại đưa vào vùng lõi của di sản và thiếu những diễn giải phù hợp.
UNESCO lo ngại du khách, thậm chí cả người dân địa phương, có thể nhầm lẫn những hư cấu này là một phần của di sản, làm ảnh hưởng tới hiểu biết của mọi người về di sản Tràng An.
Khuyến nghị của UNESCO đưa ra với phim trường này là bởi các chuyên gia "quá lo ngại về xu hướng giải trí hóa các di sản". Tuy nhiên, bà Hường cũng cho rằng việc khai thác phim trường này vào mục đích "thu hút mọi người nhìn về di sản" là rất tốt nhưng phải được làm cẩn trọng và có tham vấn các chuyên gia cẩn thận hơn để đặt đúng chỗ, tổ chức cho phù hợp để "không truyền đi những thông điệp sai về giá trị cốt lõi của di sản".
Phục dựng một bảo tàng ngoài trời về người tiền sử
Việc tháo dỡ phim trường phù hợp với kế hoạch của tỉnh Ninh Bình về lâu dài là biến khu vực phim trường này thành nơi phục dựng một làng Việt cổ - một dạng bảo tàng ngoài trời dựng lại mô hình người tiền sử và quá trình tiến hóa, thích ứng của con người tại quần thể danh thắng Tràng An nói riêng và tại khu vực Đông Nam Á nói chung.
Trưởng ban văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết ý tưởng này Ninh Bình đã tham vấn ý kiến của UNESCO và UNESCO rất ủng hộ.
Một trong những giá trị của Tràng An đã được công nhận đó là: Tràng An là nơi có dấu tích cư trú lâu nhất của người Việt cổ. Đây là một trong những cách khai thác di sản đúng hướng, dựa trên những giá trị và những tư liệu khoa học đã chứng minh được để truyền tải được chính xác những giá trị của khu di sản.
Báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết sở đã phối hợp với các chuyên gia của Trường đại học Cambridge và Đại học Queen’s Belfast của Vương quốc Anh thực hiện dự án nghiên cứu cách thích ứng của người tiền sử đối với sự biến đổi về khí hậu, môi trường và cảnh quan khu di sản Tràng An.
14 đợt nghiên cứu, thăm dò khảo cổ học đã làm rõ hơn về quá trình thích ứng của người tiền sử tại khu vực này cách đây trên 30.000 năm. Đặc biệt, trong quá trình thăm dò khảo cổ, các chuyên gia đã thu được bộ xương người mà theo đánh giá sơ bộ có niên đại cách đây trên 10.000 năm.
Đây là cơ sở để Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình lên kế hoạch dựng lại các mô hình người tiền sử và quá trình tiến hóa, thích ứng của người Việt cổ tại Tràng An nói riêng và tại khu vực Đông Nam Á nói chung.
Hồ Yên Phú, hang Chuột ở Quảng Bình vẫn như xưa
Ngày 20-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ An Phong - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình - cho biết những địa điểm tại tỉnh này được bộ phim Kong: Skull Island chọn làm phim trường, sau khi đoàn phim rời đi vẫn không có nhiều thay đổi so với trước đó vì những cảnh quay ở đây hoàn dựa vào yếu tố tự nhiên. Điều khác lớn nhất có lẽ chỉ đến từ sự hấp dẫn theo xu hướng tăng lên của những địa chỉ này.
Theo ông Phong, trong hai điểm đoàn phim sử dụng làm phim trường thì khu vực hồ Yên Phú (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) là "vùng đất mới". Đây là một hồ nước tự nhiên nằm giữa thung lũng được bao quanh là những ngọn núi đá vôi sừng sững.
Sau khi đoàn phim rời đi, chính quyền địa phương đã có một số động thái đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất để biến khu vực này thành một khu du lịch, nhưng các dịch vụ đi kèm hiện còn khá hạn chế nên chưa thể trở thành một sản phẩm du lịch đúng nghĩa. Dù vậy, hồ nước này ba năm nay vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn của dân phượt.
Riêng địa điểm còn lại là hang Chuột (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa), việc khai thác du lịch tại đây gần như không có nhiều thay đổi vì một số "đặc thù" riêng. Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Công ty TNHH Oxalis, cho biết khu vực hang Chuột trước khi được đoàn làm phim của Hollywood chọn đã được khai thác du lịch trong tour khám phá Tú Làn, mỗi tour lâu nay chỉ giới hạn tối đa 12 khách tham quan nên gần như không có nhiều thay đổi. (QUỐC NAM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận